Cá chép giòn từ nhiều năm trở lại đây được biết đến là loại cá có thịt dai, giòn, ngọt và ít tanh. Loài cá này được cho là lai giữa cá chép thường và giống cá giòn của Nga hoặc Hungari.
Thức ăn của loài cá này cũng khá đặc biệt, khi nuôi đến một khoảng nhất định, cá chép giòn sẽ được nuôi chủ yếu bằng đậu tằm.
Chính vì vậy, giá cá chép giòn cũng cao gấp 3-4 lần so với cá chép thông thường, lên đến 180.000-200.000 đồng/kg.
Tuy nhiên, thời gian gần đây, trên mạng xã hội đột nhiên xuất hiện thông tin giao bán cá chép giòn chỉ với giá từ 35.000-55.000 đồng/kg.
Cá chép giòn được hô giải cứu trên mạng xã hội (ảnh chụp màn hình).
Hình ảnh cá chép giòn được đăng kèm nội dung "giải cứu cá chép giòn", "tinh thần lá lành đùm lá rách, tương thân tương ái", "mong mọi người đồng lòng chung tay giải cứu giúp bà con, chứ xót xa quá"… được nhiều người đăng tải lên mạng xã hội.
Theo những người bán, cá chép giòn khi bắt là còn tươi sống nhưng vì không có sục và là hàng giải cứu nên khi đến tay người tiêu dùng cá đều đã chết và được ủ đá.
Lý giải vì sao cá chép giòn được giải cứu với giá siêu rẻ, người bán cho biết, do hàng chục hộ dân nuôi cá lồng bè ở tỉnh Hải Dương đang gặp khó khăn, cá bị thiếu oxi nên chết hàng loạt.
Số cá chết được người dân vớt lên bán cho các công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi với giá chỉ 2 nghìn đồng/kg, còn cá vẫn đang bơi sống cũng được các hộ vớt lên bán nhằm vớt vát chút tiền vốn.
"Cá tôi bán vẫn đang bơi sống 100%, đảm bảo tươi và ngon. Mỗi người mua vài con về ăn hoặc mang cho anh em, bạn bè giúp tôi, người nông dân đã khổ lắm rồi", chị Quỳnh – một người bán cá chép giòn giải cứu nói.
Chị Hạnh (Hà Đông, Hà Nội) chia sẻ: "Gia đình tôi rất hay ăn cá chép giòn vì thịt cá ngon, lại chế biến được nhiều món. Thời gian gần đây tôi có mua cá chép giòn giải cứu nên cũng có chút kinh nghiệm. Mọi người mua cá giải cứu thì cũng nên mua loại còn tươi sống, đang bơi. Mua cá ủ đá chất lượng thịt cá không còn tươi ngon, có con mổ ra có mùi ôi thiu".
Chị Minh (Cầu Giấy, Hà Nội) cũng nêu ý kiến: "Đồng ý là giải cứu cá cho bà con. Tuy nhiên, tiểu thương cần có tâm với khách hàng một chút. Chứ lấy cá chết đem ủ đá rồi bán cho người tiêu dùng thì chỉ là để trục lợi cho bản thân chứ không phải là để giải cứu cá cho bà con. Nên mọi người mua cá thì cần lưu ý, không nên mua loại cá ủ đá. Nếu mua cá ủ đá thì cần chọn con cá còn cứng, mắt vẫn đỏ chứ không phải chuyển sang màu trắng đục".
Theo tìm hiểu của PV, thời gian gần đây, cá nuôi trong lồng bè của hơn 50 hộ dân trên sông Thái Bình, thuộc xã Tiền Tiến, TP. Hải Dương (Hải Dương) bị chết hàng loạt. Cơ quan chức năng kiểm tra vị trí có nhiều cá chết thì thấy oxy hoà tan trong nước rất thấp, nồng độ khí độc cao. Để giảm thiểu thiệt hại kinh tế, nhiều hộ dân đã bán chạy số cá còn lại trên lồng với giá từ 20-30 nghìn đồng/kg.
Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại, nhiều nơi vẫn bán cá chép giòn tươi sống với giá 160.000 - 170.000 đồng/kg. Theo người bán, đây không phải là cá chép giòn giải cứu, chất lượng cá đạt chuẩn nên giá vấn ở mức cao.
Xem thêm video:
8 loại cá giàu chất dinh dưỡng tốt cho sức khỏe.