SKĐS - Cúng ông Công ông Táo là một phong tục truyền thống của người Việt diễn ra vào ngày 23/12 âm lịch. Theo quan niệm dân gian, ngày này ông Công ông Táo sẽ cưỡi cá chép về trời báo công, nên trong mâm cỗ cúng thường phải có cá chép.
Theo truyền thuyết, ông Công là vị thần cai quản đất đai trong nhà, còn ông Táo là ba vị đầu rau trông coi việc bếp núc. Táo quân không chỉ là vị thần cai quản mọi hoạt động của gia chủ mà còn là vị thần ngăn cản sự xâm phạm của ma quỷ, giữ bình yên cho gia đình. Hàng năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các vị thần này lại cưỡi cá chép lên Thiên đình báo cáo tất cả việc làm tốt và chưa tốt của con người trong suốt một năm qua để Thiên đình định đoạt công, tội.
Vào ngày này, người dân làm mâm cơm để bày tỏ lòng biết ơn với các vị thần, cầu mong cho sự ấm no, đầy đủ. Đồng thời, đây cũng là dịp để người người, nhà nhà trở về sum họp, quây quần sau một năm làm ăn vất vả.
Đặc biệt trong mâm cơm cúng, người Việt thường chuẩn bị thêm cá chép (khoảng 2-3 con) đựng trong chậu nước. Sau khi cúng trong, người dân sẽ đem thả phóng sinh ở sông, hồ.
Hiện nay, nhiều gia đình thay vì mua cá chép sống để thả xuống sông, hồ thì họ mua bánh hình cá chép để cúng, sau đó có thể ăn để "thụ lộc". Vì thế mặt hàng bánh cá chép rất đa dạng và phong phú.
Bánh thạch cá chép
Bánh thạch cá chép là loại bánh được làm bằng thạch rau câu với thiết kế 3D, 4D nhìn bóng mịn vô cùng đẹp mắt. Vị của bánh thạch cá chép lại thanh, mát nên được nhiều người lựa chọn.
Chị L.T.N ở Đống Đa, Hà Nội cho biết, năm nào chị cũng đặt bánh thạch cá chép để thắp hương ông Công ông Táo vì nhìn như cá thật, cúng xong lại có thể ăn được nên trẻ con nhà chị rất thích. Thường chị phải đặt bánh từ trước ngày 18 tháng chạp thì đến ngày 23 mới có bánh để thắp hương.
"Những chiếc bánh thạch rau câu 3D mang hình ảnh những chú cá chép bơi lội trong ao bên cạnh hoa sen, hoa súng...thích hợp để cúng như một lời chúc lành, mang lại sự thành công, phát đạt cho gia chủ", chị N chia sẻ thêm.
Chị M. H ở Thanh Xuân, một người chuyên làm bánh handmade cho biết, chị bắt đầu nhận làm bánh từ 14, 15 tháng chạp, lượng khách đặt khá đông, mặc dù còn 1 tuần nữa mới đến 23 nhưng hiện chị đã có hơn 100 đơn hàng. Giá giao động từ 50 nghìn đồng/khay bánh đến 120 nghìn đồng/khay bánh tùy theo số lượng khách đặt.
Theo chị H, nguyên liệu làm món cá chép thạch rau câu 3D này rất đơn giản bao gồm: Bột thạch, sữa đặc, cốt dừa, kem béo thực vật, màu tự nhiên được làm từ hoa đậu biếc, bột trà matcha, bột gạo men đỏ, cacao đen, cafe đen,... Những nguyên liệu được làm tự nhiên nên ăn sẽ thanh mát và tốt cho sức khỏe của người tiêu dùng trong những ngày tết.
Bánh tổ cá chép
Bánh tổ là loại bánh được chế biến từ bột gạo nếp, gừng, đường hấp lên. Bánh có thể để bên ngoài được 15 ngày, khi ăn sẽ cắt lát rồi đem chiên giòn, ăn dẻo rất ngon miệng.
Chị M.H, chủ cửa hàng bánh kẹo tại quận Hoàn Kiếm cho biết, bánh tổ thường được mọi người mua đi biếu tặng và mua về cúng dịp ông Công ông Táo. Hiện cửa hàng chị đang có 3 loại bánh tổ gồm: Tiểu Ngư Bát Kim (1 cá chép và 8 thỏi vàng) có giá 185 nghìn đồng/hộp; Kim Phát Thỏi Vàng (10 thỏi vàng nhỏ và 1 thỏi vàng lớn) giá 185 nghìn/hộp; Song Ngư Tam Tài (2 cá chép lớn và 3 thỏi vàng) giá 240 nghìn/hộp).
"Từ 20-28 Tết âm lịch là bắt đầu trả đơn cho khách, lượng khách đặt online rất nhiều, những ngày cận tết ông Táo nhà tôi ngập đơn hàng, 5 nhân viên giao bánh cả ngày không xuể", chị H cho biết.
Bánh trôi cá chép
Bánh trôi cá chép là loại bánh làm bằng bột nếp, nhân đậu xanh, ăn kèm nước đường phèn, thêm vị gừng nồng ấm.C N.L, chủ shop bán hàng online cho biết, chị làm bánh trôi cá chép đã nhiều năm, mỗi dịp ông Công ông Táo khách đặt rất nhiều. Do nguyên liệu tạo màu bánh trôi cá chép chị sử dụng hoàn toàn tự nhiên như màu đỏ làm từ gấc, màu cam từ cà rốt, màu vàng từ hạt dành dành, màu hồng từ củ rền và màu xanh từ lá nếp, nên khách rất tin tưởng, có những khách 5 năm liên tục đặt bánh nhà chị để cúng 23.
Đối với món bánh trôi cá chép, người mua có thể lựa chọn set cá chín hoặc cá cấp đông về tự luộc hoặc hấp trong 15 phút. Nếu là cá cấp đông, trước khi cúng, cá chép cần được rã đông hoàn toàn. Bánh cho vào khi nước đã đun sôi hoặc hấp cách thủy, khi bánh chín thì thả vào bát nước lạnh cho nguội, sau đó vớt ra cho ráo nước rồi cho vào bát, chan nước đường, rắc dừa bào sợi xung quanh. Sau khi dâng hương, hạ lễ thụ lộc có thể thêm cốt dừa hoặc rắc vừng vào ăn cùng.
Giá mỗi bộ bánh trôi cá chép hiện đang có giá giao động từ 70 nghìn đến 100 nghìn đồng.
Bánh bao cá chép
Bánh bao cá chép cũng là một trong số những món bánh được nhiều người tìm mua dịp lễ ông Công ông Táo.Anh Q, chủ tiệm bánh bao nổi tiếng ở Khâm Thiên, Hà Nội cho biết, để làm ra được một mẻ bánh bao sáng tạo hình ảnh con cá, thỏi vàng cần những nguyên liệu như: bột mì, men, sữa tươi, đường, muối, đặc biệt là không thể thiếu màu thực phẩm, hạt đỗ đen để làm cho món ăn thêm sinh động và hấp dẫn.
Trước khi làm bánh phải nhào và ủ bột, đây là khâu quan trọng nhất vì phải nhào, ủ bột đúng cách thì khi hấp bánh mới có độ mềm và nở, bột mì không bị sống bên trong.
Công đoạn tạo hình bánh cũng vô cùng quan trọng, đòi hỏi người làm bánh phải khéo tay, tỉ mỉ.
"Để tạo hình bánh bao, người làm cần chuẩn bị dao, nĩa, thìa, con lăn và sẽ nặn bánh từ phần đuôi cá trước. Sau khi đã tạo hình cho bánh thành công, công đoạn cuối cùng là hấp bánh. Để bánh chín và có độ mềm vừa đủ, hấp bánh trong khoảng 15 phút ở nhiệt độ trung bình", anh Q chia sẻ thêm.
Ngoài những loại bánh cá chép đang "hot" trên thị trường kể trên, dịp ông Công ông Táo năm nay còn có một số loại bánh cũng được nhiều người tìm mua như bánh cá chép su xê, bánh bột lọc cá chép, bánh da lợn cá chép, bánh nướng cá chép...với mong muốn tiễn một năm cũ đã qua, sẵn sàng đón năm mới với nhiều may mắn, tài lộc hơn.