Hà Nội

Thần đồng văn học Nga "mang ánh sáng" tâm hồn đến người khiếm thị

28-12-2013 01:53 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Thần đồng văn học Nga, người đã góp phần giúp thay đổi chính sách cho người khiếm thị ở Nga, đã tới Việt Nam để giao lưu trong chương trình "Hạt giống tâm hồn- Cầu vồng trong đêm". Những tác phẩm của Mikhail Samarsky đã góp phần mang đến ánh sáng cho đời.

Thần đồng Văn học Nga Mikhail Samarsky

Mikhail Samarsky là một cậu bé còn ở độ tuổi đang đi học nhưng được giới nghiên cứu chuyên môn văn học và truyền thông Nga đánh giá là một hiện tượng đặc biệt tài năng không chỉ của tuổi trẻ Nga mà của thế giới. Mikhail Samasky được gọi là thần đồng văn học Nga viết sách từ năm 12 tuổi với văn phong sinh động, trong sáng, triết lý nhân văn sâu sắc và cách dùng từ thuần Nga. Và không chỉ có vậy, Mikhail Samasky là một cậu bé bản lĩnh dám nói dám làm khi vượt khỏi lối mòn suy nghĩ của những người đồng tuổi khi trực tiếp kiến nghị với Quốc Hội và đối thoại với Tổng Thống Nga về những gì mình đang quyết tâm thay đổi. Chính lòng nhiệt thành và sự hiểu biết cùng lý luận thông minh của cậu, Quốc Hội và Tổng Thống Nga đã thay đổi nhiều chính sách với 200.000  người khiếm thị ở Nga.

 

Thần đồng Văn học Nga Mikhail Samarsky

 

Chương trình “Hạt giống tâm hồn- Cầu vồng trong đêm”

Đêm giao lưu đặc biệt “Hạt Giống Tâm Hồn – Cầu Vồng Trong Đêm” tại Nhà Văn Hóa Thanh Niên TP.HCM, số 4 Phạm Ngọc Thạch Q.1 được tổ chức vào tối ngày 2 tháng 1 năm 2014 do chương trình Hạt Giống Tâm Hồn và First News – Trí Việt tổ chức (Truyền hình trực tiếp HTV1 và dự kiến Đài Truyền Hình Bình Dương BTV) mang nhiều ý nghĩa nhân văn sâu sắc lần đầu tiên đối với người khiếm thị Việt Nam.

Trong buổi giao lưu này, BTC sẽ trao tặng 24 học bổng và kỷ niệm chương cho 10 tấm gương Hạt Giống Tâm Hồn tài năng khiếm thị và các em khiếm thị có ý chí vượt qua hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cùng tủ sách nói Hạt Giống Tâm Hồn dành cho người khiếm thị.

Tác giả Mikhail Samarsky trao tặng 6 máy tính đặc biệt chuyên dụng dành cho người khiếm thị được mua bằng tiền tiết kiệm cho Thư viện sách nói dành cho Người mù và Trường phổ thông Đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu. Đây là lần đầu tiên người khiếm thị Việt Nam được tiếp cận với công nghệ hiện đại mà người khiếm thị trên thế giới đang sử dụng. Đặc biệt chương trình còn có sự đối thoại trực tuyến với những người khiếm thị Việt Nam nổi tiếng trên thế giới sẽ mang lại nhiều sự khích lệ không chỉ đối với những người khuyết tật mà còn là nguồn động viên tinh thần lớn lao, nguồn cảm hứng giá trị sống đối với tất cả bạn trẻ Việt Nam. Đặc biệt trong đó có một doanh nhân khiếm thị đặc biệt tài năng người Việt ở Mỹ không xưng danh với tấm lòng đồng cảm sâu sắc đã đóng góp 100 triệu tặng những người khiếm thị Việt Nam qua chương trình này. Chương trình được thực hiện với sự dẫn dắt của người dẫn chương trình nổi tiếng Thanh Bạch, người đã có nhiều năm gắn bó với nước Nga cùng nhiều nghệ sĩ khác.

Hợp tác giữa chương trình Hạt giống Tâm hồn và Quỹ Những trái tim đang sống, LB Nga

Ngày 27/2, chương trình Hạt Giống tâm Hồn của First News ký ghi nhớ về hợp tác chiến lược về văn hóa với Đại diện Quỹ Những Trái Tim Đang Sống – Liên Bang Nga. Theo đó, First News sẽ xuất bản những tác phẩm văn học có giá trị và những tấm gương ý chí nghị lực của Nga do Quỹ giới thiệu và phía Nga sẽ dịch sang tiếng Nga xuất bản Tuyển Tập những câu chuyện hay nhất Hạt Giống Tâm Hồn và những cuốn sách về các tấm gương ý chí nghị lực và tài năng Việt Nam như GSTS Trần Văn Khê với Câu Chuyện Từ Trái Tim, NGUT Nguyễn Ngọc Ký với Tôi Đi Học, Tôi Học Đại Học, Bích Lan với Không Gục Ngã, Trương Thị Hồng Tâm với Hồi Ký Tâm Sida – Vượt Lên Cái Chết.. và những tác phẩm có giá trị từ Việt Nam.

Theo lời mời của Quỹ Những Trái Tim Đang Sống, Chương trình Hạt Giống Tâm Hồn sẽ có một chuyến thăm chính thức Liên Bang Nga, những trường khiếm thị ở Nga và ký kết chính thức về hợp tác trao đổi văn hóa, xuất bản giữa Chương trình Hạt Giống Tâm Hồn Việt Nam và Quỹ Những Trái Tim Đang Sống – Liên Bang Nga. Tiếp theo đó tổ chức Hạt Giống Tâm Hồn - Những Trái Tim Đang Sống sẽ mở văn phòng hoạt động chính thức ở TP. HCM và ở Mátx-cơ-va.

Trong buổi giao lưu sáng 27/12, dịch giả Phạm Bá Thủy, người đã chuyển ngữ hai tập đầu tiên của Cầu vồng trong đêm ra tiếng Việt cũng nhận được bằng danh dự của quỹ "Những trái tim đang sống".

Trong thành phần khách mời còn có sự tham gia của Nhạc sĩ Thế Hiển và Ca sĩ Hà Chương. Hai vị khách mời đã mang đến những tiết mục văn nghệ đặc sắc là những bản tình ca Nga du dương để dành tặng cho Mikhail Samarsky. Đặc biệt, ngay khi biết ca sĩ Hà Chương cũng là một người khiếm thị, Mikhail Samarsky đã quyết định tắp lự là dành tặng một chiếc máy tính chuyên dụng cho ca sĩ Hà Chương. Chiếc máy tính này có cấu hình như một chiếc điện thoại, có thể hỗ trợ người khiếm thị nghe sách, hoặc chuyển văn bản chữ viết thành sách nói. Đón nhận món quà này, ca sĩ Hà Chương không giấu được niềm vui: "Tôi rất bất ngờ và cảm ơn Mikhail Samarsky rất nhiều. Món quà của Mikhail Samarsky sẽ giúp ích cho tôi rất nhiều trong hoạt động âm nhạc. Xin chúc Mikhail Samarsky thật nhiều sức khỏe, viết nhiều tác phẩm hay và mong nhiều độc giả Việt Nam sẽ đón nhận những tác phẩm của Mikhail Samarsky".

 

Mikhail cùng các em khiếm thị tại Thư viện Sách nói
Mikhail cùng các em khiếm thị tại Thư viện Sách nói

 

Trong buổi chiều cùng ngày, Mikhail Samarsky cùng người đại diện quỹ "Những trái tim đang sống" đã ghé thăm trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và Trung tâm Thư viện sách nói. Tại đây, Mikhail Samarsky đã dành tặng 3 chiếc máy tính chuyên dụng cho người khiếm thị cho Trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu và 2 chiếc cho Trung tâm Thư viện Sách nói.

Cô Hà Thanh Vân, Hiệu trưởng trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu tâm sự: "Tôi thực sự xúc động với buổi ghé thăm của Mikhail Samarsky ngày hôm nay. Chính từ buổi giao lưu này, sẽ giúp các em học sinh ở đây thấy được rằng không chỉ có thầy cô mới là những người gắn bó với các em mà còn có những người hảo tâm như Mikhail Samarsky... Đây cũng là hoạt động có tính đánh động tới những người sáng mắt, đặc biệt là thầy cô ở trường, làm sao để xứng đáng với những người Mikhail Samarsky"

Bị mù từ năm 10 tuổi, bản thân đã phải cố gắng rất nhiều để có thể trở thành một giáo viên giỏi môn Tin học ở trường Phổ thông đặc biệt Nguyễn Đình Chiểu, thầy Tô Nguyên Châu chia sẻ: "Tôi vô cùng biết ơn dịch giả đã dịch tác phẩm Cầu vồng trong đêm. Tôi đã được nghe sách nói và qua tác phẩm này, tôi thấy tác giả đã khắc họa được một số nét đặc trưng của người khiếm thị ở những chi tiết tiêu biểu như họ đã nghe điện thoại như thế nào, sử dụng các thiết bị ra làm sao. Tôi rất thích và thực sự đồng cảm với tác phẩm này".

Nguyễn Vân (theo First News)


Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn