Sứ mệnh của những cuốn sách Nga

28-05-2011 10:38 | Văn hóa – Giải trí
google news

Tôi là nhà văn Xô Viết, chính vì vậy, tôi biết rất rõ tình hình văn học trong hai thập kỷ cuối của chế độ Xô Viết. Văn học Xô Viết từ đầu chí cuối được hệ tư tưởng hoá một cách triệt để, là công cụ của hệ tư tưởng và chính trị

ALEKSANDR PROKHANOV

Tôi là nhà văn Xô Viết, chính vì vậy, tôi biết rất rõ tình hình văn học trong hai thập kỷ cuối của chế độ Xô Viết. Văn học Xô Viết từ đầu chí cuối được hệ tư tưởng hoá một cách triệt để, là công cụ của hệ tư tưởng và chính trị. Hơn nữa, hệ tư tưởng Xô Viết được bắt đầu chính từ sách - những cuốn sách mở đầu chính quyền Xô Viết là: Chiến bại của Fadeev, Thép đã tôi thế đấy của Ostrovsky, Bi kịch lạc quan của Vishnevsky, các trường ca của Maiakovsky, Sông Đông êm đềm của Sholokhov. Nhưng chế độ Xô Viết cũng khép lại bằng những cuốn sách - những cuốn “sách bom” như vậy đã làm nổ tung cấu trúc hệ tư tưởng của kỷ nguyên Xô Viết: Thám tử buồn của Astafyev, Những người mặc áo trắng của Dudintsev, Những đứa con phố Arbat của Rybakov, Đám cháy của Rasputin. Chính Aleksandr Yakovlev, nhà tư tưởng của công cuộc cải tổ, đã cố tình lấy những cuốn sách đó làm bộ công cụ để phá hoại chế độ Xô Viết.

Xuất phát từ đó, chúng ta không được bỏ quên ý nghĩa to lớn, ý nghĩa kép của sách: vừa xây dựng vừa phá hoại. Về thực chất, cái khối đá hệ tư tưởng Xô Viết bị nổ tung bên trong thành hai nhánh văn học - văn học thuần Nga và văn học tự do, dân chủ “Trifonov”. Than ôi, các Xô Viết không thể tạo ra những cuốn sách như vậy, một nền văn học như vậy, để có thể cạnh tranh với những nhân tố phá hoại này, vì vậy, các tác phẩm của Proskurin và Ivanov không chịu nổi áp lực cả bên tả lẫn bên hữu.

Tất cả những cuốn sách của thời đại Xô Viết tôi đều gọi là sách “Xô Viết”. Trong đó có cả sách bài Xô. Chế độ Xô Viết đã tạo ra những cái trục toạ độ: đó là một hệ thống đã dựng nên một hệ quy chiếu và tất cả những cuốn sách, tất cả những hiện tượng văn học có thể nằm ở bên này hoặc bên kia toạ độ, nhưng bản thân cái trục này mang tính Xô Viết. Và chính cái trục này đã hình thành nên khuynh hướng văn hoá và văn học. Còn khi chế độ Xô Viết sụp đổ thì cái trục này biến mất, cả một thế giới văn học mênh mông bị tan rã và biến thành một trạng thái hết sức hỗn loạn.

Hiện nay, có nhiều nhà văn tài năng và rất nhiều cuốn sách xuất sắc mà ngay cả dưới thời Xô Viết cũng có thể có ý nghĩa to lớn. Nhưng vì cái trục đó không còn nữa, cái bầu khí quyển của nền văn hóa đó đã biến mất nên một cuốn sách riêng lẻ, thậm chí cuốn sách lỗi lạc nhất, cũng không làm nên một nền văn học. Những cuốn sách này vận động trong cái chân không văn hoá, vì người ta vẫn chưa tạo ra được một hệ thống phức tạp gọi là văn hoá.

 Tác giả Prokhanov.

Một cuốn sách riêng lẻ, trước khi trở thành một bộ phận của văn hoá, phải đi qua bộ lọc của giới phê bình văn học có uy tín để xác định vị trí của nó trong bối cảnh chung, đi qua ý thức xã hội, cũng phải được giới phê bình ghi nhận. Những tín hiệu của độc giả cần phải trở lại với nhà văn, chúng cần phải điều chỉnh sự xuất hiện tác phẩm thứ hai của nhà văn. Đây chính là “chu trình xã hội động”, nó phải khép kín, nhưng điều này vẫn chưa xảy ra.

Dưới thời Xô Viết tồn tại sự độc quyền đối với sản phẩm in ấn, sách vở, đây là cái trục của nhà nước, vì thế nó hình thành nên quá trình văn học nghệ thuật, còn hiện nay nhà nước từ chối điều đó, văn học được trả lại tự do. Và mặc dù đã đi tìm tự do đó từ lâu, nhưng khi có được, ngay tức khắc văn học cảm thấy mình như đứa trẻ mồ côi, bơ vơ và không ai cần đến.

Hiện nay, văn học đang tìm cách tự tổ chức theo một số dấu hiệu. Trung tâm của sự kết tinh các trường phái văn học là một bộ phận các nhà xuất bản, ví dụ, cách đây không lâu, Nhà xuất bản Аd Магginem là cả một trung tâm văn hoá học, thế nhưng, khi các nhà xuất bản trở thành những tổ chức nguỵ văn hoá, quá trình này kết thúc, người ta tiếp cận cuốn sách như một hàng hoá. Kết quả là hiện nay tồn tại những “nhà máy gạch”, sản xuất ra “những viên gạch chất lượng cao” bằng giấy.

Trong khi đó vẫn tồn tại những giải thưởng văn học mang tính câu lạc bộ và là những trung tâm mà xung quanh chúng hình thành nên các trường phái. Thành viên của các câu lạc bộ đó là những nhà văn với những quan điểm, khuynh hướng nhất định. Và chính những giải thưởng này hiện đang tạo ra cái môi trường đa trung tâm, đang tìm cách tổ chức một nền văn học, cố gắng hút vào mình tất cả những khuynh hướng văn học riêng lẻ.

Hiện nay, cuốn sách là sở hữu của một nhóm người rất hẹp, những người không thể không đọc sách. Những trí thức đó hiểu rằng kiến thức được tiếp thu từ sách. Có một thời, tôi hy vọng rằng khi các phương tiện thông tin đại chúng bị tước bỏ ý nghĩa, sách có thể trở thành vật truyền bá ý nghĩa. Tuy nhiên thời điểm đó chưa đến. Nhưng dù sao, tôi cũng cảm thấy rằng những cuốn sách hiện đại vẫn có ý nghĩa, thậm chí trong đó có thể có những thế giới quan lớn tiềm ẩn, chưa thành hình. Tôi tin nhân loại đang thai nghén những thế giới quan này, bởi vì những hình thái cũ của tồn tại đã cạnkiệt. Chúng ta nhìn thấy điều đó qua tần số các vụ khủng hoảng, tai nạn, các cuộc cách mạng, thảm hoạ…

Tiếc thay, hiện tại chúng ta vẫn chưa tìm thấy một quan niệm thay thế về thế giới. Nói đúng ra, nó đang xuất hiện trong chính các cuốn sách. Nó có thể nhập vào âm nhạc, hội hoạ và kiến trúc. Đúng hơn cả là nó sẽ bắt đầu hình thành và bắt đầu biểu hiện ở khắp mọi nơi, mọi chỗ.

TRẦN HẬU (dịch từ báo Ngày mai của Nga)

Ý kiến của bạn