1. Nguyên nhân của bệnh sùi mào gà
Nguyên nhân của bệnh sùi mào gà là virus HPV (Human Papillomavirus – hay còn gọi là virus gây u nhú ở người). Đây là loại virus có ADN và chỉ khu trú ở da và niêm mạc. Cho tới nay người ta đã xác định được khoảng 200 type virus HPV khác nhau, trong đó có khoảng 40 type gây bệnh ở bộ phận sinh dục.
Các type virus khác nhau sẽ gây bệnh ở các vùng da, niêm mạc khác nhau, cụ thể:
– HPV type 1, 4, 5, 8, 41, 60, 63… gây bệnh hạt cơm ở da, gan bàn tay, bàn chân.
– HPV type 6, 11, 13, 16, 18, 55, 66… gây bệnh ở niêm mạc. Đặc biệt type 6, 11 gây bệnh ở bộ phận sinh dục, đây là những type ít có nguy cơ gây ung thư. Tuy nhiên, type 16, 18, 31, 33 có nguy cơ cao gây ung thư.
– HPV type 5, 8 gây bệnh loạn sản thượng bì dạng hạt cơm.
2. Triệu chứng sùi mào gà
Tổn thương bệnh sùi mào gà xuất hiện tại vị trí bị sang chấn khi quan hệ tình dục, có thể đơn độc hoặc thường có nhiều thương tổn (khoảng 5-15), đường kính tổn thương từ 1-10mm. Các thương tổn có thể kết vào nhau thành mảng lớn, đặc biệt hay gặp ở người bị suy giảm miễn dịch và tiểu đường.
Bệnh sùi mào gà thường không có triệu chứng cơ năng. Một số có thể ngứa, cảm giác bỏng rát, đau hoặc chảy máu. Nhiều người bệnh không nhận biết mình bị bệnh.
Phụ nữ bị bệnh sùi mào gà xuất hiện triệu chứng ra khí hư có thể là do có viêm âm đạo vi khuẩn kèm theo.
Vị trí tổn thương bệnh sùi mào gà thường gặp ở nam giới là dương vật, vành qui đầu, hãm dương vật, mặt trong bao qui đầu, bìu. Ở phụ nữ, tổn thương ở hãm môi âm hộ, môi bé, môi lớn, âm vật, lỗ niệu, vùng đáy chậu, hậu môn, tiền đình âm đạo, âm môn, màng trinh, âm đạo và mặt ngoài cổ tử cung. Sùi mào gà có thể thấy ở bẹn, vùng đáy chậu và hậu môn. Lỗ niệu đạo bị tổn thương ở nam gặp khoảng 20-25% và ở nữ là 4-8%. Hậu môn ít gặp hơn.
Màu sắc của sùi mào gà không sừng hóa có màu hồng tươi, đỏ, khi bị sừng hóa có màu xám trắng và các thương tổn nhiễm sắc có màu tro xám, nâu đen. Tổn thương sùi không có xu hướng nhiễm sắc nhưng các thương tổn nhiễm sắc có thể thấy ở môi lớn, thân dương vật, mu, bẹn, đáy chậu và hậu môn.
Bệnh sùi mào gà có thể có nhiều tổn thương và ở nhiều vị trí khác nhau nên khi khám phải rất cẩn thận và tỉ mỉ, khám toàn bộ vùng sinh dục, hậu môn. Đối với phụ nữ, cần khám bằng mỏ vịt để phát hiện tổn thương sùi trong âm đạo, cổ tử cung. Soi cổ tử cung, hậu môn được chỉ định khi có thương tổn sùi ở cổ tử cung, ở những người quan hệ tình dục qua đường hậu môn, sùi mào gà vùng quanh hậu môn tái phát nhiều lần. Khi có sùi ở miệng sáo, niệu đạo đi tiểu ra máu tươi cuối bãi và có bất thường dòng nước tiểu.
Bệnh sùi mào gà còn có thể thấy ở môi, họng, vòm họng và hay kèm theo các thương tổn vùng sinh dục-hậu môn trên người có tiền sử tình dục đường miệng.
3. Sùi mào gà có lây không?
Sùi mào gà rất dễ lây lan. Điều đáng nói là ngay cả khi không có dấu hiệu sùi mào gà, người bệnh vẫn có thể lây truyền virus cho người khác.
Bệnh lây truyền qua tiếp xúc da với da, tiếp xúc với dương vật, tử cung, âm đạo, hậu môn của những người bị nhiễm. Hôn hay chạm vào bộ phận sinh dục của bạn tình bằng miệng cũng có thể lây truyền virus HPV. Theo số liệu thống kê, phần lớn người mắc bệnh sùi mào gà đều lây nhiễm virus khi quan hệ tình dục không an toàn. Có thể nói, môi trường âm đạo tương đối ẩm ướt, đây là điều kiện lý tưởng để virus sinh sôi, phát triển nhanh chóng.
Tuy nhiên, chúng ta cần nắm rõ thế nào là quan hệ tình dục không an toàn? Đó có thể là việc bạn quan hệ bừa bãi với rất nhiều người mà không hề sử dụng bao cao su. Như vậy, việc xác định nguồn lây nhiễm bệnh rất khó kiểm soát, tăng nguy cơ lây cho nhiều người. Một số người còn quan hệ bằng miệng, hậu môn,… đây là một trong những nguyên nhân khiến mọi người mắc bệnh sùi mào gà ở miệng, hậu môn.
4. Ai dễ mắc bệnh sùi mào gà?
Đối tượng dễ mắc bệnh sùi mào gà là:
Các đối tượng quan hệ tình dục với nhiều bạn tình: Người có nhiều đối tác tình dục có khả năng mắc phải bệnh sùi mào gà cao hơn so với người bình thường. Bởi đường tình dục là con đường lây nhiễm virus HPV – tác nhân chính gây ra sùi mào gà và các bệnh tình dục khác phổ biến nhất.
Các đối tượng bị suy giảm hệ miễn dịch: Người có hệ miễn dịch yếu do có bệnh nền hoặc người đang thực hiện điều trị bằng các thuốc ức chế miễn dịch.
Các đối tượng là trẻ em có hệ miễn dịch chưa được hoàn thiện cũng là nhóm đối tượng nguy cơ cao bị lây nhiễm HPV và gây ra bệnh sùi mào gà.
Các đối tượng mắc các bệnh xã hội khác như Chlamydia có thể làm tăng nguy cơ nhiễm HIV nếu có phơi nhiễm, khiến hệ miễn dịch suy giảm, tạo điều kiện thuận lợi cho HPV xâm nhập và gây hại; bệnh lậu (Gonorrhea), giang mai (Sifilis) cũng có thể gây ra các chứng viêm nhiễm, thúc đẩy sự lây nhiễm và phát triển của virus HPV, từ đó khiến người bệnh dễ mắc bệnh sùi mào gà hơn.
Các đối tượng sử dụng hoặc lạm dụng chất kích thích như thuốc lá và cồn: Hút thuốc lá và uống rượu bia nhiều khiến cơ thể mất cân bằng, hệ miễn dịch giảm sức đề kháng và dễ dàng bị lây nhiễm HPV và mắc bệnh sùi mào gà.
Sử dụng chung đồ vệ sinh cá nhân: Sử dụng chung đồ vệ sinh cá nhân, nhất là quần áo, đồ lót, khăn tắm, bàn chải đánh răng,… với người bị sùi mào gà có thể lây truyền bệnh.
5. Phòng bệnh sùi mào gà
Biện pháp phòng ngừa bệnh sùi mào gà hữu hiệu nhất hiện nay vẫn là sử dụng bao cao su. Khi quan hệ tình dục tốt nhất hãy sử dụng các biện pháp bảo vệ tốt nhất. Sau khi quan hệ, cần vệ sinh cơ quan sinh dục sạch sẽ và cẩn thận. Đồng thời, để hạn chế nguy cơ mắc bệnh sùi mào gà, mỗi người nên chung thủy với một bạn tình, tránh tình trạng quan hệ bừa bãi.
Bên cạnh đó, nên chủ động tiêm vaccine phòng virus HPV, nhờ vậy giảm cơ hội tấn công của virus vào cơ thể. Các bác sĩ khuyến khích nữ giới nên đi tiêm phòng vaccine trong độ tuổi từ 9 - 26. Nếu tiêm vaccine khi chưa quan hệ tình dục, chúng sẽ phát huy tác dụng tốt nhất.
Việc kiểm tra sức khỏe định kỳ cũng giúp sớm phát hiện, điều trị bệnh dứt điểm. Như vậy vừa kiểm soát tình trạng bệnh, vừa hạn chế nguy cơ lây lan cho mọi người xung quanh.
6. Cách điều trị sùi mào gà
Nguyên tắc chung điều trị sùi mào gà là xét nghiệm phát hiện HPV và định chủng. Cần khám nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác. Khám và điều trị bạn tình.
Phương pháp điều trị sùi mào gà "tốt nhất" tùy thuộc vào số lượng nốt sùi, vị trí của chúng, một số tình trạng sức khỏe (chẳng hạn như mang thai và các bệnh ảnh hưởng đến hệ thống miễn dịch) và mong muốn của bệnh nhân (dựa trên khả năng chi trả, sự thuận tiện, khả năng chịu đau,...).
- Thuốc điều trị bệnh sùi mào gà được phân làm hai loại:
Phương pháp điều trị bằng thuốc bao gồm các loại kem hoặc dung dịch được bôi lên tổn thương sùi mào gà (một số bắt buộc phải được thực hiện bởi nhân viên y tế). Tất cả các phương pháp điều trị này phải được sử dụng một hoặc nhiều lần mỗi tuần trong vài tuần, cho đến khi (các) sùi mào gà biến mất..
- Các phương pháp điều trị khác:
Điều trị bằng phẫu thuật: bao gồm các phương pháp điều trị loại bỏ mụn cóc (gọi là cắt bỏ) và các phương pháp điều trị phá hủy (đông lạnh, đốt cháy) nốt sùi.. Phương pháp điều trị phẫu thuật có thể được khuyến nghị cho: Mụn diện tích lớn, số lượng nhiều; Mụn ở âm đạo, niệu đạo hoặc hậu môn; Khu vực có thay đổi tiền ung thư ngoài mụn; Không đáp ứng với các phương pháp dùng thuốc.
Laser: Laser tạo ra năng lượng nhiệt, giúp phá hủy và bốc bay tổn thương sùi. Các bác sĩ thực hiện điều trị bằng laser cần được đào tạo cụ thể và trang thiết bị chuyên dụng. Điều trị bằng laser được thực hiện trong phòng phẫu thuật bằng cách gây tê tại chỗ (hoặc gây mê) để tránh đau. Liệu pháp laser có thể được khuyến nghị nếu bạn có nhiều mụn cóc lan rộng trên một diện tích lớn. Ưu điểm của laser là ít chảy máu, chính xác, ít xâm lấn mô xung quanh hơn đốt điện và plasma. Tác dụng phụ của laser bao gồm sẹo, đau và những thay đổi sắc tố trên da.
Liệu pháp áp lạnh: Liệu pháp áp lạnh sử dụng nhiệt độ cực lạnh (thường dùng ni tơ lỏng) để đóng băng tổn thương sùi. Phương pháp áp lạnh thường gây đau trong quá trình thực hiện; các tác dụng phụ khác có thể bao gồm kích ứng da, sưng tấy, phồng rộp và loét. Liệu pháp áp lạnh có thể được sử dụng trong thời kỳ mang thai.
Đốt điện: Đốt điện sử dụng năng lượng điện để đốt cháy tổn thương sùi. Điều trị thường được thực hiện trong phòng phẫu thuật bằng cách gây tê tại chỗ để giảm đau. Đốt điện có tỷ lệ để lại sẹo cao.
Phẫu thuật cắt bỏ: sử dụng phẫu thuật để loại bỏ tổn thương sùi. Hầu hết trường hợp được điều trị trong phòng phẫu thuật bằng cách gây mê để tránh đau. Tỷ lệ tái phát của phẫu thuật tương đối cao.