Hà Nội

Bệnh sùi mào gà có tiến triển thành ung thư không?

05-04-2023 14:10 | Ung thư
google news

SKĐS - Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục do virus HPV gây nên, lây chủ yếu do quan hệ tình dục không an toàn. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, các tổn thương phát triển rất nhanh, lan ra xung quanh tạo thành những mảng, khối lớn.

Trên thực tế nhiều người lo ngại về mắc bệnh sùi mào gà có tiến triển thành ung thư không, thực hư vấn đề này như thế nào?

1. Bệnh sùi mào gà tiến triển như thế nào?

Bệnh sùi mào gà có biểu hiện thương tổn do virus HPV gây ra gồm: U nhú hay mụn cóc, hạt cơm, tổn thương phẳng và có thể mọc ở bất kỳ chỗ nào trong cơ quan sinh dục như âm hộ, hậu môn, dương vật, lỗ niệu đạo, cổ tử cung, thậm chí gặp cả ở miệng, họng.

Sùi mào gà: Nguyên nhân, biểu hiện và các biện pháp chẩn đoán bệnhSùi mào gà: Nguyên nhân, biểu hiện và các biện pháp chẩn đoán bệnh

SKĐS - Sùi mào gà là bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp ở nước ta cũng như nhiều nước trên thế giới. Bệnh do virus HPV -Human Papillomavirus – hay còn gọi là virus gây u nhú ở người gây nên.

Bệnh sùi mào gà tiến triển theo các giai đoạn như:

- Thời kỳ ủ bệnh: Đây là thời kỳ mà người bệnh tiếp xúc với virus HPV cho đến khi xuất hiện nốt sùi đầu tiên. Thời kỳ ủ bệnh thông thường này kéo dài khoảng 3 tuần đến 9 tháng, trung bình là 3 tháng nhiễm virus HPV.

- Thời kỳ khởi phát: Ở thời kỳ này người bệnh có biểu hiện nốt sùi nhỏ, màu nhạt, nằm rải rác. Số ít bệnh nhân có thể có cảm giác ngứa hay đau.

- Thời kỳ toàn phát. Người bệnh thấy các nốt sùi xuất hiện nhiều, kích thước lớn, lây lan rộng. Các nốt gây khó chịu và ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày và quan hệ tình dục của người bệnh.

Mắc bệnh sùi mào gà có khả năng tiến triển thành ung thư không? - Ảnh 2.

Hình ảnh tổn thương các giai đoạn của bệnh sùi mào gà.

Nếu không được điều trị người bệnh sẽ đối mặt với những biến chứng. Các biến chứng có thể thấy nhiễm trùng, vùng u nhú bị tổn thương bị sưng tấy, tiết dịch, loét, rất dễ chảy máu. Một số người có biến chứng nghiêm trọng sang ung thư hậu môn, vòm họng…

Sau khi điều trị khỏi, người bệnh vẫn có nguy cơ tái phát do virus HPV trong cơ thể chưa được điều trị triệt để hoàn toàn. Thông thường, tình trạng của người bị sùi mào gà tái phát sẽ nặng hơn nguyên phát.

2. Mối liên quan giữa sùi mào gà và ung thư

Bệnh sùi mào gà có nguyên nhân chính là do virus Human PapiLomavirus – HPV. Theo nghiên cứu, loại virus HPV có hơn 170 chủng với 40 chủng lây nhiễm qua đường tình dục. Trong đó, có 2 chủng gây bệnh phổ biến là HPV-16 và HPV-18 có khả năng gây ung thư cổ tử cung, âm hộ, dương vật, hậu môn, hầu họng… Ngoài ra, chủng HPV-6 và HPV-11 cũng gây bệnh phổ biến nhưng không tiến triển thành ung thư.

Như vậy, có thể nói không phải ai mắc sùi mào gà cũng có thể tiến triển thành ung thư và ngược lại. Tuy nhiên, khi nhiễm HPV nói chung có liên quan mật thiết đến chuyển dạng và ung thư. Theo một số nhà nghiên cứu, có khoảng 90% chuyển dạng và ung thư cổ tử cung liên quan đến các type HPV nguy cơ cao bao gồm: type HPV 16, 18, 26, 31, 33, 35,...

Về cơ chế gây ung thư của HPV, các nhà khoa học thấy rằng, sau khi sát nhập vào bộ gen tế bào ký chủ thì vùng gen E6, E7 điều khiển tổng hợp protein E6, E7; các protein này gắn kết và vô hiệu hóa chức năng của protein điều hòa tăng trưởng tế bào pRb dẫn đến sự phân chia tế bào liên tục một cách bất thường và hậu quả là phát sinh ung thư.

Bởi vậy, việc chẩn đoán và điều trị sùi mào gà các bác sĩ thường chỉ định xác định type HPV để được tư vấn và theo dõi nguy cơ loạn sản, chuyển dạng ung thư về lâu dài.

Mắc bệnh sùi mào gà có khả năng tiến triển thành ung thư không? - Ảnh 4.

Chủng HPV-16 và HPV-18 có khả năng gây ung thư cổ tử cung, âm hộ, dương vật, hậu môn, hầu họng…

3. Mắc bệnh sùi mào gà khi nào nghĩ đến ung thư?

Câu hỏi được nhiều người bệnh mắc bệnh sùi mào gà lo lắng là làm thế nào nhận biết được nguy cơ các tổn thương nốt sùi mào gà là ung thư hoặc tiền ung thư.

‎Trên thực tế bằng mắt thường thì không thể xác định chắc chắn tổn thương sùi mào gà là ung thư hay lành tính. Các tổn thương tiền ung thư hoặc ung thư có thể cùng tồn tại hoặc phát triển cùng các tổn thương sùi mào gà... có thể chẩn đoán nhầm là sùi mào gà. Tuy nhiên, các dấu hiệu của tổn thương ác tính gồm có tổn thương sùi mào gà dễ chảy máu, loét hoặc có dấu hiệu xâm lấn. Trong những trường hợp này, cần sinh thiết để khẳng định chẩn đoán.

Nếu người bệnh mắc sùi mào gà khổng lồ hay còn gọi là u Buschke-Lowenstein- loại này được xem là một dạng của ung thư biểu mô tế bào vảy dạng nhú do HPV 6 và 11 gây nên. Đặc điểm dễ nhận thấy là bệnh có đặc điểm là xâm lấn xuống dưới trung bì. Có những vùng tổ chức dạng nhú lành tính xen kẽ với các ổ tế bào thượng bì bất thường hoặc các tế bào biệt hóa ung thư tế bào vảy (SCC). Việc chẩn đoán sùi mào gà khổng lồ cần phải sinh thiết nhiều vị trí, chụp cắt lớp vi tính hoặc cộng hưởng từ.

Tóm lại: Để phòng bệnh sùi mào gà cũng như các bệnh lây nhiễm khác cần phải nghiêm túc thực hiện chung thủy một vợ một chồng hoặc hạn chế số lượng bạn tình. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục; kiểm tra định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ và khi mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải điều trị triệt để.

Ngoài ra, nên tiêm phòng vaccine HPV để chủ động bảo vệ sức khỏe. Khi nghi ngờ mắc bệnh (đối với trường hợp HPV tồn tại ở dạng tiềm ẩn) và những người có biểu hiện các thương tổn sùi mào gà cần đến cơ sở y tế để được khám và tư vấn cụ thể. Nếu mắc bệnh sùi mào gà có thể được điều trị sớm phòng tránh các biến chứng.

Mời độc giả xem thêm video:

Báo động - Số ca đốt sùi mào gà hậu môn tại bệnh viện tăng cao


BSCKI. Trần Thị Thu Hương
BV Da Liễu Hà Nội
Ý kiến của bạn