Thuốc điều trị sùi mào gà

24-04-2024 15:18 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Sùi mào gà là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Sùi mào gà là căn bệnh có tỷ lệ mắc và lây lan cao. Muốn chữa khỏi phải lựa chọn và sử dụng đúng thuốc và phương pháp điều trị.

1. Sùi mào gà điều trị như nào?

Sùi mào gà (mụn cóc sinh dục) là một bệnh lây truyền qua đường tình dục, ảnh hưởng đến cả nam và nữ. Đây là bệnh lý tổn thương da tăng sinh giống như mào gà ở bộ phận sinh dục hoặc quanh hậu môn do nhiễm virus HPV gây ngứa, rát hoặc tiết dịch.

Tuy là tổn thương tăng sinh lành tính, tiên lượng tốt sau điều trị tổng quát nhưng quá trình điều trị sùi mào gà thường kéo dài, đau đớn, dễ tái phát, không chỉ gây tổn hại đến sinh lý người bệnh mà còn ảnh hưởng đến tâm lý người bệnh.

Sau khi được chẩn đoán mắc sùi mào gà, bác sĩ sẽ xem xét một số lựa chọn điều trị bao gồm dùng thuốc bôi, phẫu thuật hoặc các phương pháp điều trị khác để ngăn bệnh tiến triển và lan rộng.

Các phương pháp điều trị bao gồm sử dụng thuốc và một số thủ thuật:

  • Dùng thuốc: Kích thích hệ thống miễn dịch, giúp làm chậm sự phát triển của mụn cóc sinh dục.
  • Phẫu thuật cắt bỏ: Bác sĩ có thể xem xét điều trị bằng phẫu thuật, đặc biệt đối với mụn cóc sinh dục lớn hoặc tổn thương không đáp ứng với thuốc.
  • Đốt điện được sử dụng để đốt mụn cóc bằng nhiệt độ cao nhằm loại bỏ các mô phát triển bất thường.
  • Liệu pháp áp lạnh bằng nitơ lỏng, ức chế sự phát triển của mụn cóc, thúc đẩy quá trình lành da.
  • Phương pháp điều trị bằng laser: Các bác sĩ xem xét phương pháp điều trị này đối với mụn cóc sinh dục lan rộng hơn, cũng như mụn cóc khó điều trị.

Mặc dù có nhiều phương pháp điều trị lâm sàng đối với sùi mào gà, nhưng do virus HPV có thể tạo ra sự trốn tránh miễn dịch khỏi tế bào chủ, nên bệnh vẫn có thể tái phát nhiều lần ở một số bệnh nhân sau khi điều trị. Sùi mào gà kéo dài hoặc tái phát mang đến áp lực nặng nề về tâm lý và tài chính cho người bệnh. Không những vậy, việc nhiễm virus HPV kéo dài cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc các khối u liên quan.

Thuốc điều trị sùi mào gà- Ảnh 1.

Sùi mào gà kéo dài hoặc tái phát mang đến áp lực nặng nề về tâm lý cho người bệnh.

2. Thuốc điều trị sùi mào gà

Thuốc điều trị sùi mào gà bao gồm các loại thuốc tại chỗ được bôi lên tổn thương sùi mào gà, bao gồm:

2.1 Imiquimod

- Tác dụng: Imiquimod là một loại thuốc điều hòa miễn dịch tổng hợp có tác dụng chống khối u và chống virus. Chỉ định chính của thuốc là mụn cóc sinh dục ở cơ quan sinh dục ngoài và quanh hậu môn.

- Tác dụng phụ: Imiquimod hấp thu tối thiểu qua da nên ít gây các tác dụng phụ nghiêm trọng, tuy nhiên có thể gặp một số phản ứng như nóng rát, ngứa da hoặc đau cơ, nhức đầu…

- Chống chỉ định: Người có phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với imiquimod hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Người mắc một bệnh da như viêm da, viêm nang lông nang, eczema nặng, hoặc các vấn đề da khác, nên thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng imiquimod. Phụ nữ mang thai và cho con bú sử dụng imiquimod chỉ nên được xem xét khi lợi ích lớn hơn rủi ro tiềm tàng.

2.2 Podophyllin

- Tác dụng: Podophyllin có tác dụng ức chế sự phân chia tế bào, có thể ức chế sự tăng sinh và biệt hóa của các tế bào biểu mô, phá hủy mô sùi mào gà. Thuốc chủ yếu được sử dụng để điều trị mụn cóc sinh dục ở cơ quan sinh dục ngoài và vùng quanh hậu môn.

- Tác dụng phụ: Thuốc có thể gây kích ứng nghiêm trọng cho âm đạo, cổ tử cung và các màng nhầy khác.

- Chống chỉ định: Người có phản ứng dị ứng hoặc quá mẫn cảm với podophyllin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc. Phụ nữ có thai không nên sử dụng đặc biệt là trong 3 tháng đầu.

2.3 Axit tricloaxetic

- Tác dụng: Axit trichloroacetic là một chất axit thúc đẩy sự biến tính của protein mụn cóc gây hoại tử và bong tróc, từ đó đạt được mục đích điều trị.

- Tác dụng phụ: Dùng thuốc không đúng liều lượng có thể dẫn đến hậu quả bỏng da, bong tróc vùng da lân cận, do đó cần có chỉ định từ bác sĩ để sử dụng loại thuốc này.

- Chống chỉ định: Hiện chưa có đủ dữ liệu để xác định an toàn của axit trichloroacetic trong thai kỳ hoặc khi cho con bú, do đó phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên thảo luận với bác sĩ trước khi sử dụng. Bệnh nhân HIV/AIDS hoặc có hệ miễn dịch suy giảm nên thảo luận với bác sĩ trước khi vì làm tăng nguy cơ về các vấn đề liên quan đến da hoặc hệ miễn dịch.

Thuốc điều trị sùi mào gà- Ảnh 2.

Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh nên thảo luận kỹ với bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán đúng.

3. Lưu ý khi sử dụng thuốc điều trị sùi mào gà

Trước khi sử dụng thuốc, người bệnh nên thảo luận kỹ với bác sĩ để được tư vấn và chẩn đoán đúng. Bác sĩ sẽ đưa ra lời khuyên phù hợp dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể và độ nghiêm trọng của bệnh. Đồng thời cần khám và điều trị cho bạn tình để tránh tình trạng lây nhiễm chéo, bệnh không khỏi.

Khi sử dụng thuốc điều trị sùi mào gà, có một số điều lưu ý quan trọng sau:

- Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ: Luôn luôn tuân thủ hướng dẫn và liều lượng do bác sĩ chỉ định. Không sử dụng thuốc nhiều hơn hoặc ít hơn so với hướng dẫn của bác sĩ.

- Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng: Đọc kỹ thông tin hướng dẫn sử dụng thuốc trước khi bắt đầu điều trị. Nếu có bất kỳ điều gì không hiểu, cần hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

- Tránh tiếp xúc với mắt và niêm mạc: Tránh để thuốc tiếp xúc với mắt hoặc niêm mạc. Nếu thuốc tiếp xúc với mắt hoặc niêm mạc, rửa sạch ngay lập tức bằng nước sạch và tìm sự trợ giúp y tế.

- Bảo quản thuốc đúng cách: Bảo quản thuốc ở nhiệt độ phòng, tránh ánh sáng mặt trời trực tiếp và ẩm ướt.

- Báo cáo các tác dụng phụ: Báo cáo ngay lập tức cho bác sĩ nếu gặp bất kỳ tác dụng phụ nào không mong muốn trong quá trình sử dụng thuốc.

- Lưu ý chế độ sinh hoạt: Chế độ sinh hoạt không tốt có thể làm suy yếu hệ miễn dịch, do đó bệnh dễ tái phát hơn. Nên cần ngủ đủ giấc, ăn uống đầy đủ dinh dưỡng, tránh căng thẳng, stress và tránh sử dụng rượu bia, chất kích thích.

- Tuân thủ điều trị và tái khám định kỳ: Thực hiện toàn bộ liều trình điều trị mà bác sĩ đã chỉ định, ngay cả khi các triệu chứng của sùi mào gà đã thuyên giảm. Bệnh sùi mào gà có thể tái phát trong vòng vài tuần đến vài tháng sau điều trị. Bệnh nhân cần tái khám định kỳ theo hướng dẫn của bác sĩ để phát hiện và điều trị sớm các tổn thương tái phát nếu có.

Thực phẩm nào tốt cho người bệnh sùi mào gà?Thực phẩm nào tốt cho người bệnh sùi mào gà?

SKĐS - Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ điều trị và tăng cường sức đề kháng cho người bệnh sùi mào gà. Chế độ ăn không phù hợp có thể ảnh hưởng lớn tới hiệu quả điều trị.

Mời xem thêm video được quan tâm:

Quan hệ bằng miệng có thể lây lan 5 loại bệnh.


DS. Vũ Thùy Dương
Ý kiến của bạn