Do bệnh sùi mào gà hay tái phát nên nhiều người cho rằng bệnh không thể chữa khỏi. Bài viết dưới đây giúp bạn đọc hiểu rõ hơn về vấn đề này.
1. Khả năng lây truyền HPV có thể xảy ra khi không có tổn thương sùi mào gà
Sùi mào gà lây truyền qua đường tình dục thường gặp với đặc trưng là các tổn thương dạng nhú lành tính ở cơ quan sinh dục, bẹn, mu, hậu môn, quanh hậu môn. Nên nhiều người bệnh đến khám cho rằng thời gian gần đây không có quan hệ với bạn tình. Lần cuối cùng cách đây vài tháng có quan hệ với bạn gái mới quen…. cho nên không biết lây bệnh từ đâu.
Tuy nhiên, khi nhiễm HPV, virus cần một thời gian ủ bệnh và trung bình thời kỳ ủ bệnh khoảng 1 – 3 tháng sau khi có tiếp xúc ban đầu. Virus xâm nhập vào niêm mạc sinh dục qua các tổn thương nhỏ ở thượng bì và nằm ở lớp tế bào đáy. Ngoài ra, virus có thể tiềm ẩn, nằm ngủ trong một thời gian kéo dài trong cơ thể người bệnh và không gây ra bất kì triệu chứng lâm sàng nào của bệnh sùi mào gà.
Chính vì vậy, rất khó xác định vì không biết chính xác thời điểm bị lây HPV đầu tiên. Ngoài ra, người ta ghi nhận khả năng lây truyền HPV cho bạn tình cao và có thể xảy ra ngay cả khi không có tổn thương sùi mào gà. Các yếu tố thuận lợi cho nhiễm HPV là nhiều bạn tình và mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.
Trên thực tế hầu hết người nhiễm HPV không có biểu hiện lâm sàng, tỉ lệ có triệu chứng chỉ khoảng 1-2%. Thời kỳ toàn phát tổn thương điển hình là các sẩn nông, kích thước từ 1-10mm, có thể đơn độc hoặc nhiều. Các loại tổn thương khác có thể gặp là sẩn mịn hình vòm, màu da; sẩn giống súp lơ màu hồng hoặc màu da; sẩn tăng sừng có lớp vảy dày, giống như mụn cóc ở da hay dày sừng da dầu; sẩn dẹt hơi nhô lên trên vùng da xung quanh, màu hồng, phẳng, bề mặt nhẵn.
Ở nam giới thường gặp tổn thương sùi mào gà ở dương vật, rãnh quy đầu, dây hãm dương vật, mặt trong bao qui đầu, bìu; ở nữ giới thường gặp ở âm hộ, môi bé, môi lớn, âm vật, lỗ niệu đạo, âm đạo và cổ tử cung. Ngoài ra, tổn thương sùi mào gà có thể thấy ở bẹn, vùng đáy chậu và hậu môn.
2. Có chữa khỏi được bệnh sùi mào gà không?
Là một bệnh lây nhiễm do virus vì vậy việc điều trị triệt để khỏi các tổn thương sùi mào gà (khỏi hết các biểu hiện) nhưng không loại bỏ được virus hoàn toàn. Nhất là những tổn thương nhỏ, nằm sâu bên trong niêm mạc bị nhiễm nhưng chưa phát triển thành sùi… sẽ khiến tái nhiễm – có nghĩa người bệnh vẫn có thể tái phát bệnh sau khi quá trình chữa trị kết thúc.
Theo đó, khuyến cáo của các y bác sĩ cho người bệnh mắc sùi mào gà là cần tái khám theo dõi sau điều trị. Mỗi 2 tuần sau can thiệp phải cần khám lại để phát hiện tổn thương sùi mào gà mới, nếu sau 3 tháng liên tiếp tái khám người bệnh không xuất hiện tổn thương mới được coi là khỏi bệnh hoàn toàn.
3. Chữa bệnh sùi mào gà bằng phương pháp nào hiệu quả nhất
Mục đích điều trị sùi mào gà là loại bỏ tổn thương, không phải là tiêu diệt virus nên việc lựa chọn phương pháp điều trị cần dựa vào tuổi bệnh nhân, vị trí, số lượng, kích thước tổn thương, chi phí và khả năng chuyên môn cũng như trang thiết bị của cơ sở điều trị.
Vì vậy, không thể nói có phương pháp nào chữa sùi mào gà được coi là vượt trội và phù hợp cho tất cả các bệnh nhân cũng như tất cả các tổn thương. Các phương pháp điều trị không diệt được virus HPV, thời gian đào thải virus ra khỏi cơ thể chưa được biết rõ. Tái phát có thể xảy ra ở tất cả các phương pháp chữa virus.
Về điều trị, đa phần việc chữa sùi mào gà đều ngoại trú, riêng với một số trường hợp đặc biệt như: người có nguy cơ biến chứng, phụ nữ có thai, tổn thương lớn hoặc số lượng nhiều các bác sĩ sẽ chỉ định điều trị nội trú khi cần theo dõi trước và sau điều trị.
Các phương pháp có thể được chỉ định bao gồm:
- Sử dụng thuốc bôi imiquimod, podophyllotoxin. Mặc dù việc chữa đạt được hiệu quả cao nhưng bệnh nhân cần bôi thuốc kéo dài và thận trọng để phòng các tác dụng phụ tại chỗ và toàn thân có thể xảy ra khi dùng thuốc.
- Sử dụng liệu pháp quang động học, laser CO2, plasma, đốt điện… phá hủy tổn thương sùi mào gà. Những phương pháp này có tác dụng loại bỏ hầu hết tổn thương trong một lần khoảng 89-100%. Nhưng bệnh nhân cần nhiều lần điều trị mới đạt được sự lui bệnh lâu dài.
- Sử dụng thuốc điều hòa miễn dịch
Ngoài ra, các bác sĩ có thể sử dụng kết hợp các phương pháp để chữa sùi mào gà. Riêng đối tượng đặc biệt như: Phụ nữ có thai, bệnh nhân nhiễm HIV và các đối tượng suy giảm miễn dịch khác sẽ có những chỉ định thận trọng và việc điều trị cụ thể cho từng trường hợp.
Vì vậy, khi có biểu hiện sùi mào gà người bệnh cần đến cơ sở y tế khám chữa bệnh uy tín, đầy đủ cơ sở vật chất để lựa chọn được phương pháp điều trị phù hợp cũng như được điều trị đúng, hiệu quả. Không nên vì tâm lý hoang mang, xấu hổ mà tìm đến các cơ sở không đảm bảo hoặc tự điều trị, điều trị theo mách bảo mà dẫn đến hậu quả lâu dài.
Danh sách địa chỉ khám điều trị bệnh da liễu nói chung và bệnh sùi mào gà uy tín.
1. Bệnh viện Da liễu Trung ương- Địa chỉ: 15A Phương Mai - quận Đống Đa - Hà Nội.
2. Bệnh viện Da liễu Hà Nội- Địa chỉ: 79B Nguyễn Khuyến - quận Đống Đa - Hà Nội.
3. Bệnh viện Da liễu Tp.HCM - Địa chỉ: Số 2 Nguyễn Thông, phường 6, quận 3 – TP HCM.
4. Bệnh viện Da liễu Đà Nẵng- Địa chỉ: 91 Dũng sĩ Thanh Khê - Thanh Khê Tây - Thanh Khê - Đà Nẵng
5. Bệnh viện Da liễu Cần Thơ-Địa chỉ: số 12/1, đường 3/2, P. Hưng Lợi, Q. Ninh Kiều, TP. Cần Thơ.
6. Bệnh viện Da liễu Nha Trang-Khánh Hòa- Địa chỉ: 229 Đường Nguyễn Khuyến, Vĩnh Hải, Nha Trang, Khánh Hòa.
7. Bệnh viện Da liễu Quy Nhơn- Địa chỉ: 05A Chế Lan Viên - Phường Ghềnh Ráng - TP. Quy Nhơn - Tỉnh Bình Định.
Ngoài ra, nếu bạn đang lo lắng và cần được tư vấn, điều trị về bệnh sùi mào gà nói riêng hoặc các bệnh lây truyền qua đường tình dục nói chung hãy liên hệ với các bác sĩ chuyên khoa da liễu tại bệnh viện gần nhất để được tư vấn và điều trị đúng.
Mời độc giả xem thêm video:
Báo động - Số ca đốt sùi mào gà hậu môn tại bệnh viện tăng cao