'Soi' tiến độ loạt dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội

31-07-2023 10:11 | Xã hội

SKĐS - Bên cạnh 1 số dự án đang đi đúng tiến độ, vẫn còn nhiều dự án giao thông trọng điểm của Hà Nội phải lùi tiến độ, chậm đưa vào sử dụng.

Những dự án giao thông trọng điểm tạo sự bứt phá cho Hà Nội

Việc đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại là một trong những ưu tiên hàng đầu của thành phố Hà Nội nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo điểm tựa cho tăng trưởng kinh tế. Thời gian vừa qua, Hà Nội đã xây dựng và đưa vào sử dụng nhiều công trình giao thông trọng điểm, góp phần kết nối hạ tầng phục vụ vận tải, giảm ùn tắc giao thông.

Cụ thể, vào tháng 10/2020, công trình cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long thuộc đường vành đai 3 Hà Nội đã được hoàn thành sau hơn 2 năm xây dựng. Việc khánh thành cầu cạn đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long góp phần hoàn thiện đường Vành đai 3 dài khoảng 65km. Tuyến đường giải quyết tình trạng tắc nghẽn giao thông khu vực phía Tây Hà Nội, kết nối các tỉnh phía Bắc với thủ đô Hà Nội và các tỉnh đồng bằng sông Hồng.

Tiếp đó, dự án xây dựng hầm chui tại nút giao Lê Văn Lương - Vành đai 3 với tổng mức đầu tư 698 tỉ đồng cũng đã được Hà Nội đưa vào khai thác sử dụng hồi đầu tháng 10/2022, giải quyết kịp thời tình trạng ùn tắc giao thông, tạo thuận lợi, rút ngắn thời gian phương tiện lưu thông qua nút giao.

"Soi" tiến độ 1 số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội - Ảnh 1.

Nhiều dự án giao thông quan trọng chính thức được đưa vào khai thác, sử dụng.

Sau 4 năm xây dựng với tổng mức đầu tư là 9.997 tỉ đồng, tuyến đường bộ trên cao dọc đường Vành đai 2, đoạn từ cầu Vĩnh Tuy đến Ngã Tư Sở đã chính thức thông xe ngày 11/1/2023 vừa qua, góp phần giải quyết những vấn đề cấp bách về giao thông đô thị Hà Nội.

Mới đây nhất, lễ thông xe dự án đầu tư xây dựng cầu vượt tại nút giao thông đường Chùa Bộc - Phạm Ngọc Thạch, quận Đống Đa chính thức được thực hiện. Sau gần 2 năm thi công (từ 1/10/2021 đến 30/6/2023), dự án cầu vượt có thiết kế hình chữ C với tổng mức đầu tư 147 tỷ cuối cùng đã về đích sau nhiều lần lùi tiến độ.

Dự án Cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 đã hoàn thành hợp long đốt cuối cùng vào tháng 5 vừa qua, đánh dấu việc hoàn thành toàn bộ các kết cấu chính của cây cầu trị giá hơn 2.500 tỷ đồng bắc qua sông Hồng. Nhà thầu sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống chiếu sáng và cảnh quan, cây xanh, thảm bê tông, sơn kẻ tổ chức giao thông để thông xe trước ngày 2/9/2023.

"Soi" tiến độ 1 số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội - Ảnh 2.

Dự án cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 mới được hợp long và vẫn đang đáp ứng đúng tiến độ đã đề ra trước đó.

Vẫn còn nhiều dự án giao thông nghìn tỷ liên tục lùi tiến độ

Song song với những dự án giao thông chỉ chờ đếm ngược tới ngày đưa vào khai thác, Hà Nội vẫn còn nhiều dự án chậm tiến độ, thậm chí được yêu cầu làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan trong việc chậm trễ này.

Cụ thể, dự án hạ đê sông Hồng mở rộng đường Âu Cơ sau nhiều lần lùi tiến độ từ năm 2021 đến nay lại phải tạm dừng thi công và tiếp tục hứa hẹn sẽ hoàn thành trong quý II/2024.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - ga Hà Nội mới đây cũng đã điều chỉnh lại thời gian hoàn thành, tiếp tục lùi tới năm 2027. Tổng mức đầu tư dự án này cũng được nâng lên hơn 34.826 tỷ đồng, tăng thêm 1.916 tỷ đồng so với quyết định được phê duyệt vào năm 2013.

Dự án đường Vành đai 1, đoạn Hoàng Cầu - Voi Phục (giai đoạn 1) được triển khai từ năm 2018 với tổng mức đầu tư giai đoạn 1 dự án là 7.211 tỷ đồng từ nguồn ngân sách thành phố, trong đó chi phí xây dựng 627 tỷ đồng, chi phí giải phóng mặt bằng 5.818 tỷ đồng. Đến nay, dự án mới chỉ giải ngân 19,5% kế hoạch vốn.

"Soi" tiến độ 1 số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội - Ảnh 3.

"Soi" tiến độ 1 số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội - Ảnh 4.

Nhiều dự án liên tục phải lùi lịch dự kiến hoàn thành.

Đáng chú ý nhất là dự án đường Vành đai 2,5 ở Hà Nội đã nhiều năm không giải phóng được mặt bằng. Đây được xem là nút thắt lớn nhất cản tiến độ dự án khiến 9 đoạn tuyến đang trong giai đoạn đầu tư và chờ đầu tư.

Theo đó, vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng - QL1A là dự án được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002, quyết định giải phóng mặt bằng từ năm 2010. Đến nay, sau 13 năm, công tác giải phóng mặt bằng của dự án vẫn còn nhiều vướng mắc khiến tiến độ thi công chậm nhiều năm.

Triển khai thêm nhiều dự án giao thông mới

Số liệu thống kê cho thấy, đến cuối tháng 7/2023, nhiều dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn thành phố Hà Nội đã và đang được tập trung thực hiện để sớm đưa vào khai thác.

"Soi" tiến độ 1 số dự án giao thông trọng điểm tại Hà Nội - Ảnh 5.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội mới được khởi công vào tháng 6/2023.

Dự án đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội cũng là 1 trong những dự án trọng điểm được triển khai trên địa bàn thành phố Hà Nội và 1 số địa phương lân cận vào tháng 6 vừa qua. Tuyến đường có chiều dài khoảng 112,8km, tổng mức đầu tư hơn 85.800 tỉ đồng.

Bên cạnh việc phấn đấu hoàn thành đường Vành đai 4 trước năm 2027, Hà Nội cũng đặt mục tiêu xây dựng đường Vành đai 5 trước năm 2027. Đường Vành đai 5 dài khoảng 331km (không bao gồm 41km đi trùng cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hà Nội - Thái Nguyên, Nội Bài - Lào Cai và quốc lộ 3); đi qua 36 quận, huyện, thành phố của Hà Nội, Hòa Bình, Hà Nam, Thái Bình, Hải Dương, Bắc Giang, Thái Nguyên, Vĩnh Phúc.

Xem thêm video được quan tâm:

Dự Báo Thời Tiết 10 Ngày Đầu Tháng 8 Và Cảnh Báo Mưa Lớn Nhiều Nơi Từ 31/7 | SKĐS


Thành Long
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn