Nguyên nhân dẫn đến bệnh trĩ
Bệnh trĩ hiện tại chưa xác định được nguyên nhân chắc chắn và rõ ràng. Tuy nhiên, người ta thống kê những yếu tố nguy cơ, yếu tố thuận lợi hình thành nên bệnh trĩ:
- Táo bón kinh niên: Phải rặn nhiều khi đi cầu.
- Hội chứng lỵ: Phải đi cầu nhiều lần trong ngày, mỗi lần đi cầu phải rặn nhiều.
- Tăng áp lực ổ bụng: Ho nhiều, tiểu khó, báng bụng, có thai, khuân vác nặng...
- U bướu vùng hậu môn trực tràng và vùng xung quanh.
- Tư thế đứng nhiều, ngồi lâu do công việc.
Đối tượng nào dễ mắc bệnh trĩ?
Bệnh trĩ là bệnh lành tính của hậu môn nên ít gây nguy hiểm cho tính mạng. Tuy nhiên, những triệu chứng của bệnh trĩ gây ra khó chịu cho người mắc bệnh, làm giảm chất lượng cuộc sống. Bệnh ở vùng kín đáo nên người bệnh thường ngại đi khám nên khi đến khám bệnh thì những triệu chứng đã rất nặng nề gây khó khăn cho điều trị và hồi phục bệnh.
Đối tượng dễ mắc bệnh là những người bị táo bón thường xuyên, người có công việc phải ngồi nhiều, đứng lâu một chỗ như công nhân, nhân viên văn phòng, phụ nữ có thai, người mắc những bệnh lý làm tăng áp lực trong khoang bụng...
Nhiều người thường lo lắng vì sao phụ nữ mang thai dễ mắc bệnh trĩ? Trên thực tế khi mang thai thì tuần hoàn máu trong cơ thể sẽ tăng lên rất nhiều, đồng thời thai ngày càng lớn sẽ làm tăng áp lực trong khoang bụng, chèn ép gây ứ trệ, ngăn hồi lưu máu nên dễ dẫn đến bệnh trĩ.
Tuy nhiên, khi sinh xong thì những triệu chứng này sẽ hồi phục và không cần can thiệp gì, chỉ can thiệp khi trĩ có biến chứng như tắc mạch, hoại tử...
Dấu hiệu của bệnh trĩ?
Bệnh trĩ gây ra những triệu chứng:
- Đi cầu ra máu đỏ tươi, máu nhỏ giọt hoặc phun thành tia.
- Khối lòi ở hậu môn khi đi cầu, tự thụt vào khi đi xong hoặc phải dùng tay đẩy vào.
- Đau vùng hậu môn khi trĩ có biến chứng tắc mạch.
- Ẩm ướt vùng hậu môn.
Trĩ có trĩ nội và trĩ ngoại, trĩ nội nằm phía trong, trên đường lượt, trĩ ngoại nằm phía ngoài.
Phân độ bệnh trĩ:
Độ I: Nằm trong hậu môn chưa sa ra ngoài, có thể gây chảy máu khi đi cầu.
Độ II: Lấp ló ngoài hậu môn khi đi cầu, khi đi xong tự thụt vào.
Độ III: Lòi ngoài hậu môn khi đi cầu, phải dùng tay đẩy vào.
Độ IV: Nằm thường xuyên ngoài hậu môn
Khi người bệnh có vừa trĩ nội và trĩ ngoại, đồng thời kết hợp với nhau sa ra ngoài sẽ có trĩ hỗn hợp.
Khi người bệnh có nhiều búi trĩ kết hợp nhau sa ra ngoài hậu môn thành vòng gọi là trĩ vòng.
Bệnh trĩ có tái phát không, khi nào sẽ tái phát?
Khá nhiều người bệnh sau khi điều trị lo lắng thắc mắc bệnh trĩ có tái phát không, khi nào thì tái phát. Trên mạng xã hội có nhiều quảng cáo phẫu thuật trĩ triệt để 1 lần, không tái phát... Tuy nhiên, trên thực tế thì bệnh trĩ vẫn có khả năng tái phát sau phẫu thuật.
Bệnh trĩ tái phát sau thời gian bao lâu, có tái phát hay không là tùy vào từng người bệnh. Bệnh trĩ bị ảnh hưởng bởi chế độ ăn uống, sinh hoạt, thói quen đi đại tiện, chế độ làm việc... loại bỏ được hết những yếu tố nguy cơ và nếu làm tốt được những điều đó thì người bệnh trĩ có thể khỏi hẳn bệnh mà không bị tái phát.
Điều trị bệnh trĩ
Tùy từng trường hợp cụ thể mà các bác sĩ sẽ chỉ định phù hợp. Nếu bệnh trĩ ở mức độ nhẹ I, II thì chỉ điều trị nội khoa thuốc uống, nhét hậu môn, chống táo bón, đồng thời cải thiện chế độ ăn nhiều chất xơ, uống nhiều nước, điều chỉnh thói quen đi đại tiện, chế độ sinh hoạt, làm việc...
Khi trĩ độ III, IV trở lên sẽ chỉ định phẫu thuật.
Hiện có rất nhiều phương pháp phẫu thuật trĩ, tuy nhiên 2 phương pháp được thực hiện nhiều nhất là cắt trĩ từng búi kinh điển theo Milligan – Morgan và phẫu thuật Longo.
Khi nào nên cắt trĩ? Thời gian điều trị bao lâu?
Chỉ định phẫu thuật đã có nói ở trên, phẫu thuật khi trĩ độ III trở lên, hoặc có biến chứng tắc mạch, chảy máu nhiều mà điều trị thuốc không hiệu quả.
Thời gian điều trị tùy thuộc vào mức độ bệnh:
Nếu mức độ nhẹ chỉ uống thuốc, điều chỉnh chế độ ăn uống, thói quen, sinh hoạt, không phải nằm viện.
Khi có chỉ định phẫu thuật thì sau phẫu thuật phải nằm lại viện từ 1 - 3 ngày, tùy theo đau nhiều hay ít, sau đó được xuất viện hướng dẫn điều trị và chăm sóc tại nhà cho đến khi vết thương khỏi hẳn.
Tuy nhiên, không phải mức độ bệnh trĩ nào cũng có thể thực hiện được phương pháp Longo, nên chỉ định phải do bác sĩ chuyên khoa khám, đánh giá và cho chỉ định chính xác.
Lời khuyên thầy thuốc
Sau khi xuất viện tùy theo từng trường hợp cụ thể bác sĩ sẽ có chỉ định uống thuốc, tái khám theo hẹn để được bác sĩ chuyên khoa kiểm tra lại vết thương.
Để tránh tái phát, sau phẫu thuật thì bệnh nhân nên ăn nhiều chất xơ, rau củ... để giúp đi cầu dễ dàng, cho vết thương mau lành, không bị chảy máu, có thể tự chăm sóc vết thương, ngâm rửa theo hướng dẫn của nhân viên y tế.
Để phòng ngừa bệnh trĩ cần có chế độ ăn nhuận tràng, nhiều rau, nhiều trái cây. Đại tiện đúng giờ, thể dục đều đặn, thể thao vừa sức.
Tránh ngồi lâu, đứng lâu một chỗ và lao động nặng. Nếu táo bón nên dùng thuốc nhuận tràng. Điều chỉnh co bóp ruột, hội chứng ruột kích thích. Điều trị các bệnh mạn tính, tránh ho nhiều, điều chỉnh huyết áp. Không để bị tiểu khó, chú ý tình trạng tiền liệt tuyến.