Mới đây, sau buổi lễ khai giảng năm học mới tại Trường THCS Cự Đồng (huyện Thanh Sơn, Phú Thọ), một nam sinh của trường bị một nhóm xách cổ áo, kéo ra cổng trường để hành hung.
Cô Đinh Thị Dung, Hiệu trưởng trường THCS Cự Đồng cho biết, nam sinh bị hành hung là học sinh lớp 8 của trường, có mâu thuẫn với học sinh khác và bị một nhóm hành hung ngoài nhà trường. "Nhận thấy mức độ nghiêm trọng của sự việc, nhà trường đã ngay lập tức báo cáo chính quyền địa phương và công an. Phụ huynh học sinh bị hành hung và người hành hung đều đã được triệu tập lên công an xã Cự Đồng để làm việc".
Trước đó, một nữ sinh Trường THCS Chu Văn An (TP. Huế) cũng bị một nhóm học sinh cả nam và nữ đánh một cách tàn nhẫn sau khi đến trường tập các nghi thức chuẩn bị cho lễ khai giảng năm học mới.
Trong khi em nữ sinh này bị đánh thì có 4 bạn học sinh đứng xem. Đồng thời, có một người trong nhóm đã quay lại clip. Qua đoạn clip cho thấy, nữ sinh này liên tục bị một nữ sinh trong trang phục quần xanh áo trắng dùng tay đánh đập, dùng chân đạp mạnh vào người. Chưa dừng lại ở đó, nữ sinh này còn bị túm tóc, giật và kéo lê xung quanh khu vực đất trống… Sau khi bị đánh dã man, em này đã trở về nhà trong trạng thái hoảng loạn, đau đầu…
Cần có một hành lang pháp lý để xử phạt
Theo TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội), để chấm dứt hoàn toàn xô xát trong trường học là không thể. Tuy nhiên, để ngăn xô xát đó trở thành bạo lực học đường thì Ban giám hiệu và giáo viên phải quan tâm và nắm được tâm lý lứa tuổi học sinh. Ngoài làm chuyên môn, thầy cô cần trở thành nhà tâm lý để tổ chức những hoạt động giáo dục giá trị sống, kỹ năng mềm, giúp học sinh thích ứng với sự biến động của xã hội và thay đổi của chính các em.
Để giáo viên thực hiện nhiệm vụ giáo dục tâm lý của mình, ban giám hiệu cần làm tốt công tác quản lý, tạo điều kiện và phân công các bộ phận để cùng hỗ trợ thầy cô. Khuyến khích các lớp sử dụng tiết sinh hoạt để tổ chức hoạt động tương tác, trò chuyện thay vì trách mắng học sinh vi phạm nội quy, làm lớp bị trừ điểm thi đua. Việc tổ chức cho các em nhiều hoạt động vui chơi, giải tỏa năng lượng cũng là cách tích cực để ngăn bạo lực học đường.
TS Nguyễn Tùng Lâm cho biết, để ngăn chặn bạo lực học đường, các trường cần xây dựng nội quy chặt chẽ, phù hợp. Khi học sinh vi phạm, nhà trường chiếu theo nội quy để xử lý, tránh để các em cảm thấy không phục hoặc vô lý. Các hình phạt giúp học sinh nhận thức hậu quả và học cách chịu trách nhiệm cho việc làm của mình. Tuy nhiên, việc này phải làm khéo, mỗi học sinh cần có cách giáo dục khác nhau. "Để cân bằng giữa lý và tình là cả nghệ thuật sư phạm. Việc này khó nhưng cần có một hành lang pháp lý để xử phạt".
Còn theo ông Nguyễn Trọng An - nguyên Cục trưởng Cục Bảo vệ trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH), bạo lực học đường có thể dẫn đến tai nạn thương tích. Với những học sinh có thần kinh yếu hoặc những em có vấn đề tâm lý, tinh thần không bình thường thì có thể dẫn đến những hậu quả nặng nề hơn như tự tử, bỏ học, vi phạm pháp luật, sa vào nghiện hút, đâm chém nhau, gây rối loạn xã hội.
Ông An cho rằng, nguyên nhân của bạo lực học đường là do việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội để giáo dục các em mới chỉ là khẩu hiệu chứ vẫn rất lỏng lẻo. Để ngăn chặn bạo lực học đường, bên cạnh sự quan tâm của nhà trường, giải pháp căn cơ vẫn xuất phát từ phía gia đình. Mỗi một gia đình cần có một nền tảng giáo dục con cái nhất định.
"Giáo dục gia đình là quan trọng. Các bậc cha mẹ cần có kiến thức để bảo vệ con cái, hỗ trợ, giúp con giải tỏa trong mọi vấn đề, từ đó giảm sự bùng phát, tức giận trong con trẻ để không dẫn đến bạo lực.
Về phía nhà trường, cần giáo dục đạo đức, giáo dục kỹ năng sống, kỹ năng phòng, tránh bạo lực xâm hại và các vấn đề liên quan đến đời sống. Không nên chỉ tập trung vào việc nhồi nhét kiến thức, chạy theo thành tích, điểm số. Hệ thống giáo dục, hệ thống nhà trường cần có giáo viên về tâm lý, tâm lý về xã hội, tâm lý học đường để tư vấn, trao đổi với học sinh về những khúc mắc, từ đó có thể ngăn chặn nguy cơ bạo lực học đường", ông Nguyễn Trọng An nêu quan điểm.
Theo một khảo sát do Viện Nghiên cứu y học - xã hội học phối hợp Tổ chức Plan thực hiện, trong số 3.000 học sinh tại Hà Nội được hỏi, có tới hơn 2.000 em cho biết từng bị bắt nạt với các hình thức: mắng chửi, đe dọa, đặt điều, sỉ nhục, bắt phạt. Còn theo điều tra của Viện Nghiên cứu gia đình và giới, chỉ có khoảng 40% trẻ chia sẻ với bố mẹ, người thân về những rắc rối mà mình gặp phải ở trường học. Chính việc không nói ra được những khó khăn của mình đã khiến các em rơi vào trạng thái lo lắng, chán nản, sợ đến trường.