Vào ngày 3/8, ấn phẩm Dumskaya của Ukraine đã đăng một video ghi lại hình ảnh một chiếc máy bay trên bầu trời Odessa, Ukraine.
Tuy nhiên, không rõ máy bay này cất cánh từ đâu và hạ cánh ở đâu. Rất có thể, những chiếc F-16 đầu tiên đã được triển khai ở phía tây Ukraine, xa rời tiền tuyến. Điều này nhằm giúp Bộ chỉ huy Lực lượng Vũ trang Ukraine bảo vệ chúng khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa hành trình và chiến thuật của Nga.
Ngày 4/8, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky lên tiếng xác nhận, Ukraine đã tiếp nhận 10 máy bay chiến đấu F-16 đầu tiên từ các nước NATO
Hà Lan, Đan Mạch và Na Uy cam kết sẽ cung cấp thêm 66 chiếc nữa, dự kiến sẽ được bàn giao dần vào năm 2025.
Dù việc chuyển giao máy bay là một dấu hiệu tích cực, nhưng hiện tại Ukraine đang phải đối mặt với một vấn đề lớn là thiếu phi công.
Theo tờ New York Post, nhiều phi công Ukraine đã thiệt mạng trong cuộc chiến và số lượng phi công còn lại có kỹ năng tiếng Anh đủ để tham gia đào tạo lại là rất hạn chế. Điều này đặt ra câu hỏi lớn về khả năng khai thác hiệu quả các máy bay chiến đấu mới.
Trước tình hình đó, Kiev đang xem xét tuyển dụng phi công nước ngoài để điều khiển và bảo trì các F-16. Oksana Savchuk, thành viên Ủy ban Giao thông và Cơ sở hạ tầng thuộc Verkhovna Rada cho biết, Kiev sẽ tuyển dụng lính đánh thuê với các điều kiện hợp đồng hấp dẫn và mức lương cao.
Tuy nhiên, khả năng thu hút được số lượng lớn phi công nước ngoài vẫn còn bỏ ngỏ, đặc biệt khi nhiều lính đánh thuê đã rời khỏi Ukraine sau khi hợp đồng kết thúc, do cảm thấy cuộc chiến quá khốc liệt.
F-16 là máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư nổi tiếng, đã sản xuất được hơn 4.600 chiếc kể từ năm 1978 và hiện đang phục vụ tại 25 quốc gia. Loại máy bay này có khả năng sử dụng hầu hết các loại vũ khí hàng không của NATO, bao gồm tên lửa hành trình AGM-158 JASSM. Tên lửa này có tầm bắn lên đến 370 km, với phiên bản mở rộng có thể đạt tới 1000 km. Nó được thiết kế để tấn công các mục tiêu quan trọng và có khả năng ẩn mình tốt nhờ vào vật liệu composite.
Ukraine đặc biệt kỳ vọng vào việc sử dụng tên lửa AGM-158 JASSM để thực hiện các cuộc tấn công sâu vào lãnh thổ Nga, nhằm tấn công các sân bay và cơ sở quan trọng.
Tuy nhiên, F-16 chủ yếu là máy bay chiến đấu ưu thế trên không. Nó được trang bị nhiều loại tên lửa không đối không, trong đó có AIM-120D với tầm bắn lên tới 160 km, tương đương với tên lửa R-77M của Nga. Ngoài ra, Ukraine cũng sẽ nhận được tên lửa AIM-9 Sidewinder với đầu dẫn hồng ngoại, có thể tấn công mục tiêu ở khoảng cách từ 20 đến 35 km tùy theo phiên bản.
Ngoài ra, Kiev cũng sẽ nhận được tên lửa chống radar AGM-88 HARM và bom dẫn đường JDAM, mà phi công Ukraine đã quen thuộc từ trước.
Một sĩ quan phòng không Nga chia sẻ: "Toàn bộ lực lượng phòng không của chúng tôi đã sẵn sàng đối đầu với F-16. Đây sẽ là một thử thách thú vị, nhưng chúng tôi tự tin sẽ hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi đã có kinh nghiệm bắn hạ F-16 và sẽ không để chúng dễ dàng xâm phạm không phận của mình".
Trước đó, ngày 20/7, theo TASS, tổ lái tiêm kích đa năng Su-35S đã hoàn thành việc nghiên cứu điểm mạnh, điểm yếu của tiêm kích F-16 Mỹ và sẵn sàng đối đầu với chúng trên bầu trời.
Danh tiếng của máy bay F-16 sẽ phần nào phụ thuộc vào hiệu suất của chúng trong cuộc chiến. Nếu các phi công Ukraine có thể chứng minh khả năng khai thác hiệu quả các máy bay này, phương Tây có thể sẽ đầu tư thêm. Ngược lại, nếu máy bay bị tên lửa Moscow bắn hạ thường xuyên, điều này có thể khiến Washington phải xem xét lại quyết định của mình.