Việt Nam làm chủ nhiều kỹ thuật cao ghép tạng ngang tầm thế giới, hồi sinh nhiều cuộc đời 'như ngọn đèn trước gió'
Ghép tạng là một trong những thành tựu vĩ đại của thế kỷ 20 và đã hồi sinh nhiều cuộc đời tưởng như sớm tắt lụi.
Mới đây nhất, ngày 7/5, TS Dương Đức Hùng - Giám đốc Bệnh viện Việt Đức đã thông tin về ca ghép gan 'ngoạn mục' lần đầu tiên được thực hiện thành công tại bệnh viện này và trở thành một dấu ấn đặc biệt trong chuỗi hành trình làm chủ kỹ thuật cao của các thầy thuốc Việt Đức.
Đây là lần đầu tiên một trường hợp suy gan tối cấp, suy thận, đang điều trị hồi sức được ghép gan thành công từ người cho gan chết não. Cũng là lần đầu tiên hệ thống ghép tạng của Việt Nam tiến hành ghép tạng đối với bệnh nhân đã hôn mê, sự sống chỉ còn tính bằng giờ...
Theo TS Hùng, việc thực hiện thành công ca ghép gan cho người bệnh từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân, đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành Y tế Việt Nam nói chung và tại Bệnh viện Việt Đức nói riêng...
Nhìn lại ịch sử ghép tạng của nước ta cho thấy, kể từ ca ghép tạng đầu tiên (năm 1992) đến nay, các cơ sở y tế ở Việt Nam đã thực hiện thành công hơn 8.000 ca ghép tạng, trong số đó, nhiều nhất là ghép thận, gan, tim, phổi; thận - tụy…
Trong hai năm (2022 và 2023), mỗi năm chúng ta ghép hơn 1.000 ca bao gồm ghép thận, gan, tim, phổi… và trở thành nước có số lượng ghép tạng/năm cao nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Đây là một điểm sáng của ngành y, là minh chứng cho trình độ và sự phát triển của chuyên ngành ghép tạng Việt Nam.
Phải tăng nguồn hiến tạng của người cho chết não
Trong những năm qua, Việt Nam đã có những tiến bộ rất nhiều để tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết não.
Trước năm 2023, chỉ có 5 bệnh viện thực hiện chẩn đoán hồi sức chết não hiến mô tạng, nhưng hiện nay với sự chỉ đạo quyết liệt của Bộ Y tế, Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia đã triển khai thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại 9 bệnh viện, trong đó đã thực hiện chẩn đoán chết não hiến mô tạng tại bệnh viện tuyến tỉnh.
Tuy nhiên, số lượng ca ghép tạng hơn 1.000 trường hợp mỗi năm chưa đáp ứng được nhu cầu ghép tạng của người bệnh. Trong số đó hơn 94% tạng ghép từ hiến sống.
"Chúng ta cần tăng nguồn hiến tạng sau chết, chết não, giống như các nước phát triển có từ 50 đến 90% nguồn hiến tạng từ người hiến sau chết, chết não tại các nước phát triển. Một số nước Châu Á như Hàn Quốc, Thái Lan và Trung Quốc tỷ lệ tạng hiến từ người sau chết/chết não rất cao, từ 40-80%. Đây là những nước có nền văn hoá, tín ngưỡng giống với Việt Nam"- một chuyên gia về vận động hiến tạng đã chia sẻ mong muốn này.
Theo báo cáo của Trung tâm điều phối ghép tạng quốc gia, hiện nay chỉ hơn 86.000 người đã đăng ký hiến mô tạng sau khi chết, chiếm 0,086%. Tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi qua đời tại Việt Nam rất thấp so với các nước trong khu vực và trên thế giới (tỷ lệ đăng ký hiến mô tạng sau khi chết lên tới 80-90% dân số).
Chỉ số người chết não hiến mô tạng tại Việt Nam là 0,15 so với Tây Ban Nga 49-nước có chỉ số chết não hiến mô tạng cao nhất thế giới - nghĩa là 49 người chết não hiến mô tạng/1 triệu dân/năm.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo xây dựng mạng lưới bệnh viện hiến trên toàn quốc với 68 bệnh viện. Tỷ lệ người chết não hiến mô tạng năm 2023 tăng 15% so với năm 2022. Trong 4 tháng đầu năm 2024, số người chết não hiến mô tạng tăng gấp đôi so với năm 2023.
Với mong muốn nhiều người đăng ký hiến mô tạng hơn, Chính phủ chỉ đạo Bộ Y tế, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Hội Vận động hiến mô, bộ phận cơ thể người Việt Nam tổ chức Lễ phát động Chương trình "Đăng ký hiến tặng mô, tạng - Cho đi là còn mãi".
Sức khoẻ & Đời sống sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc về Lễ phát động chương trình ý nghĩa này trong các bản tin tiếp theo.