Chuyên gia đề xuất mở rộng thêm nguồn tạng hiến từ người cho chết tim

29-02-2024 16:42 | Y tế

SKĐS - Trong 20 năm vừa qua, nhiều nước trên thế giới phát triển nhanh, tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Nguồn hiến từ người chết tim tiềm năng tạng Việt Nam rất nhiều. Vì vậy các chuyên gia đề xuất đưa nội dung hiến tạng từ người cho chết tim vào Luật Hiến ghép mô tạng sửa đổi.

Những nội dung này được các chuyên gia đầu ngành về điều phối, hiến ghép mô và bộ phận cơ thể người đưa ra tại hội thảo "Hiến mô, tạng từ người chết tim tại Việt Nam" do Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tổ chức hôm nay 29/2 nhằm xin ý kiến các nhà khoa học, các chuyên gia để đề xuất bổ sung chết tim và hiến mô tạng từ người chết tim vào Luật sửa đổi tới đây. 

Sự kiện này để giúp người bệnh bị suy mô tạng tiếp thêm hy vọng vượt qua căn bệnh hiểm nghèo và gia tăng tỷ lệ hiến mô, tạng sau chết, chết não và chết tim trên cả nước trong thời gian tới.

Chuyên gia đề xuất mở rộng thêm nguồn tạng hiến từ người cho chết tim - Ảnh 1.

Các chuyên gia của Bệnh viện Việt Đức đang thực hiện một ca ghép tạng.

Hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…

Chia sẻ về vấn đề này, PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia cho biết, thế giới tận dụng các nguồn hiến tạng có thể để ghép cho người bệnh. Có 2 nguồn từ người sống và người chết. Với người chết có hai nguồn là nguồn chết tim và chết não. Việt Nam đã có luật và văn bản, quy định hướng dẫn về chẩn đoán chết não nhưng luật chưa để cập đến chết tim. Đây là vấn đề lớn.

Tuy nhiên theo PGS.TS Đồng Văn Hệ ở Việt Nam hiện nay, hàng chục nghìn người vẫn đang giành giật sự sống từng ngày để chờ đợi được ghép gan, thận, tim…, những ca ghép mô, tạng từ người chết não, ngừng tim, hiến tặng thời gian qua đã mở ra một hướng đi đúng đắn, đem lại lợi ích và ý nghĩa cho xã hội. Tuy nhiên, với những đặc thù về văn hóa, truyền thống nên nguồn tạng được hiến từ người chết não ở Việt Nam thuộc dạng thấp trên thế giới.

"Với dân số khoảng 100 triệu dân, tại Việt Nam, mỗi năm chỉ có khoảng 10 người chết não hiến tạng, thuộc hàng thấp nhất thế giới, bằng 1/110 so với Hàn Quốc và 1/500 so với Tây Ban Nha"- PGS.TS Đồng Văn Hệ nói, đồng thời dẫn thêm thông tin: Tại Trung Quốc tỷ lệ người hiến tạng từ chết não và chết tim đạt tỷ lệ gần 36%, còn lại là từ nguồn người cho sống, trong khi tại Việt Nam, chỉ mới có khoảng 5% nguồn hiến tạng từ người cho chết não, gần 95% còn lại từ người cho sống.

Chuyên gia đề xuất mở rộng thêm nguồn tạng hiến từ người cho chết tim - Ảnh 2.

PGS.TS Đồng Văn Hệ, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức, Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia

Ông Hệ cũng cho biết thêm, Việt Nam đã có Luật Hiến ghép mô tạng năm 2006 nhưng chỉ đề cập hiến mô tạng từ người chết não. Luật chưa đề cập hiến mô tạng từ người chết tim. Trong 20 năm vừa qua, nhiều nước trên thế giới phát triển nhanh, tăng nguồn hiến mô tạng từ người chết tim. Nguồn hiến từ người chết tim tiềm năng tạng Việt Nam rất nhiều.

"Như vậy, nguồn hiến tạng, hiến mô từ người chết tim phải được chúng ta quan tâm, cụ thể hóa để đưa vào Luật Hiến ghép mô tạng và xây dựng quy trình cụ thể"- ông Hệ nhấn mạnh.

Cần đề xuất bổ sung nguồn hiến từ người chết tim vào luật 

Tham luận tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa, Giám đốc Trung tâm ghép tạng, Bệnh viện Việt Đức cho biết, trên thực tế nhiều người đồng ý hiến tạng nhưng trong quá trình đánh giá chết não, bệnh nhân bất ngờ ngừng tuần hoàn, theo đó bệnh nhận không thể hiến tạng (do không được quy định trong luật) nên gia đình bệnh nhân xin về, đồng nghĩa mất đi 1 nguồn hiến tạng cứu người quý giá. 

Chuyên gia đề xuất mở rộng thêm nguồn tạng hiến từ người cho chết tim - Ảnh 3.

Toàn cảnh hội thảo.

"Do vậy việc xây dựng quy định về hiến tạng từ người chết tim là cần thiết để mở rộng thêm cơ hội nhận tạng hiến"- PGS.TS Nguyễn Quang Nghĩa nói.

Từ kinh nghiệm lấy, ghép tạng của bệnh viện, TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy cho biết: Muốn ghép tạng trước tiên phải có người hiến. Nguồn tạng hiến hiện chỉ có thể từ người hiến sống, người chết não, hay tim ngừng đập hoặc hiến tạng sau khi chết tuần hoàn. Ghép tạng từ người hiến ngừng tim hoặc ngừng tuần hoàn là một dạng hiến tạng mở rộng nhằm tận dụng tối đa những mô tạng còn chức năng để ghép. Trên thế giới nguồn hiến từ ngươi chết não hay chết tim đã tăng cao.

Mấu chốt quan trọng trong ghép tạng từ người hiến chết tim là thời điểm chẩn đoán tử vong. Với chẩn đoán chết để hiến tạng ngoài chẩn đoán thông thường trên bệnh nhân hồi sức, nếu người này có chỉ định hiến tạng ngoài dấu hiệu lâm sàng cần các bằng chứng khác để xác định bệnh nhân không hồi phục.

Chuyên gia đề xuất mở rộng thêm nguồn tạng hiến từ người cho chết tim - Ảnh 4.

TS.BS Dư Thị Ngọc Thu, Trưởng đơn vị điều phối ghép các bộ phận cơ thể người, Bệnh viện Chợ Rẫy tham luận.

Trước thực trạng này, TS Thu cho rằng "cần đề xuất bổ sung nguồn hiến từ người chết tim vào luật với việc xây dựng hoàn chỉnh chặt chẽ các quy định về pháp lý, hành chính, tiêu chuẩn y khoa, tài chính là cơ sở để phát triển hệ thống hiến, điều phối, ghép mô- tạng bảo đảm tính minh bạch, công bằng".

Chia sẻ thêm ý kiến về việc nên đưa hiến tạng từ người chết tim vào luật, để có cơ sở các các đơn vị y tế thực hiện, TS.BS Dương Đức Hùng, Giám đốc Bệnh Việt Đức cho rằng nên chăng tham khảo và áp dụng bộ tiêu chuẩn đã áp dụng trên thế giới về chết tim. "Đứng góc độ nguời quản lý, theo tôi cần cân nhắc quy trình xác định chết tim cần làm nghiêm túc"- TS Hùng nói.

Đại diện Vụ Pháp chế (Bộ Y tế), ông Hà Trường Giang, chuyên viên Vụ Pháp chế cho hay: Hoàn toàn có cơ sở để tăng cường nguồn tạng từ người cho chết tim xuất phát từ quy định có trong Hiến pháp và Luật hiến ghép mô, tạng.

Chuyên gia đề xuất mở rộng thêm nguồn tạng hiến từ người cho chết tim - Ảnh 5.

TS Nguyễn Hoàng Phúc - Phó Giám đốc Trung tâm điều phối ghép tạng Quốc gia tham luận.

Ghép mô, tạng là một trong những thành tựu quan trọng của ngành y tế trong việc chữa bệnh, đặc biệt đối với các bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo do các mô, tạng bị suy giảm chức năng và không hồi phục được như: suy thận mãn, gan, tim, tuỷ, hỏng giác mạc...

Việc thực hiện thành công các ca ghép tạng từ người cho chết não mở ra cơ hội có cuộc đời mới cho nhiều bệnh nhân đồng thời thúc đẩy sự phát triển ghép tạng của ngành y tế Việt Nam.

Tính đến đầu tháng 10/2023, sau 31 năm ghép tạng và 13 năm lấy tạng từ người cho chết não, cả nước đã thực hiện gần 8.000 ca ghép, song chỉ gần 6% số ca được ghép từ nguồn tạng là người cho chết não, chết tim (tương đương gần 500 ca).

Để tăng nguồn hiến mô, tạng từ người chết não, trong năm 2023, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia tích cực phối hợp với Hội Chữ thập đỏ, Hội Vận động hiến mô bộ phận cơ thể người Việt Nam, các bệnh viện tổ chức tuyên truyền về nghĩa cử nhân văn, nhân ái về hiến mô tạng sau chết/chết não. Đặc biệt Trung tâm đã tổ chức tập trung các lớp tập huấn nâng cao kiến thức, nghiệp vụ về chết não cho tổng số 58 bệnh viện trên cả nước cho các tư vấn viên đang công tác tại các khoa có máy thở tại các bệnh viện.

Các khóa đào tạo trước đó đã mang lại hiệu quả tích cực, số lượng người chết não được gia đình đồng ý hiến cao hơn so với cùng kỳ mọi năm.

Bên cạnh đó, Trung tâm còn duy trì sinh hoạt mạng lưới tư vấn viên vào thứ 5 hàng tuần để các cá nhân, tư vấn viên báo cáo, chia sẻ những kinh nghiệm trong quá trình tư vấn. Giúp nhau cùng tháo gỡ những khó khăn khi gặp những vướng mắc khi tư vấn, chính điều này đã mang lại những hiệu quả tích cực.

Việt Nam hiện có khoảng 100 căn bệnh hiếm với 6 triệu người đang mắcViệt Nam hiện có khoảng 100 căn bệnh hiếm với 6 triệu người đang mắc

SKĐS - Tại Việt Nam, hiện có khoảng 100 căn bệnh hiếm và 6 triệu người đang mắc bệnh hiếm, trong đó có tới 58% bệnh hiếm xuất hiện ở trẻ em, 30% trẻ mắc bệnh hiếm tử vong trước 5 tuổi. Tiếp cận với liệu pháp điều trị bệnh hiếm không chỉ ở nước ta mà nhiều quốc gia khác cũng gặp nhiều thách thức.


Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Ý kiến của bạn