Bài học từ quá khứ
Nhằm giảm thiểu, tái chế và tái sử dụng rác thải, cách đây 18 năm (vào năm 2006), Hà Nội đã triển khai mô hình phân loại, xử lý rác thải tại nguồn 3R = Giảm thiểu (Reduce), tái chế (Recycle) và tái sử dụng (Reuse).
Tháng 8/2020, Hà Nội tái khởi động lại chương trình phân loại rác tại nguồn này trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, thí điểm tại 3 phường: Phan Chu Trinh, Cửa Đông, Lý Thái Tổ. Dự kiến, trong năm 2020 triển khai đồng bộ trên 18 phường của địa bàn quận Hoàn Kiếm. Từ 5/9/2020, chương trình được triển khai nhân rộng ra 3 quận: Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa.
Nhớ lại thời điểm mới triển khai năm 2006, bà Nguyễn Thị Xô cho biết, lúc đó, người dân hồ hởi hưởng ứng tích cực, thực hiện với kỳ vọng chỗ ở của từng hộ gia đình nói riêng, toàn thành phố Hà Nội nói chung sẽ trở nên xanh, sạch, đẹp hơn. Tuy nhiên, dự án chỉ được thời gian đầu, sau đó lại lặng lẽ chìm dần.
"Thời gian đấy không làm đến nơi đến chốn. Việc vận động chỉ chờ vào sự tự giác của mọi người. Vì thế, dẫn đến là không có thành công cao. Muốn có kết quả trước hết là phải cụ thể cách thực hiện, triển khai", bà Xô chia sẻ.
Giải thích về những lần thất bại trước trong việc phân loại rác tại nguồn ở Hà Nội, GS.TS. Đặng Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Tài nguyên & Môi trường Việt Nam nhận đinh: "Việc phân loại rác này mới ở giai đoạn đầu, ở từng hộ gia đình. Rác sau khi được phân loại lại được tập trung về một thiết bị, một phương tiện thu gom và một hình thức xử lý. Điều này đã dẫn đến chưa mang lại hiệu quả của dự án".
Đồng quan điểm, TS Hoàng Dương Tùng, một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm theo dõi lĩnh vực môi trường chia sẻ: "Lúc ấy dự án triển khai không có sự bắt buộc. Người dân đã hưởng ứng việc thực hiện phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, đến khi xử lý, các đơn vị thu gom không chuẩn bị nên đã đổ chung vào một chỗ, không có các thiết bị riêng biệt để thu gom theo từng loại rác đã được phân loại. Việc xử lý cũng như trước. Nhiều người dân đã không thực hiện việc phân loại nữa, vì họ thấy rằng, những cố gắng phân loại xong cũng chẳng để làm gì cả".
TS Tùng đánh giá thêm, qua những lần thí điểm đã mang lại nhiều bài học bổ ích. Hà Nội cũng đã làm được nhiều việc như: tuyên truyền, chuẩn bị trang thiết bị, trang bị một số thùng rác cho người dân... Nhiều người dân cũng đã có nhận thức cao về phân loại rác về hữu cơ và vô cơ.
Cần có tính đồng bộ, hệ thống cho quy trình thực hiện
Từ 1/6, tại 23 phường thuộc 5 quận nội thành của Hà Nội đã tổ chức thí điểm phân loại rác tại nguồn. Đây sẽ là cơ sở để chuẩn bị phân loại rác tại nguồn đồng loạt trên toàn thành phố trong năm 2026. Mặc dù mới bắt đầu triển khai nhưng đã bộc lộ một số bất cập.
Đại diện một phường trên địa bàn quận Đống Đa, Hà Nội cho biết, việc khó khăn nhất là điểm tập kết rác, nếu tập kết rác ở gần nhà thì người dân sẽ có những mặc cảm. Khó khăn thứ hai là về kinh phí, bởi vì địa phương không được cấp phụ thuộc ngân sách để chủ động trong việc phân loại rác này.
TS Tùng nhận định, chúng ta đã có hành lang pháp lý như luật, nghị định, thông tư về việc phân loại rác tại nguồn. Bây giờ không có chuyện phân loại hay không phân loại như trước, mà là bắt buộc phải làm. Luật quy định có từ 3-4 loại rác thải riêng biệt.
Từng địa phương cần phải có những quy định chi tiết hơn về các loại rác thải phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn. Bộ TN&MT cũng đã có hướng dẫn, tuy nhiên, nhiều địa phương hiện nay chưa làm được điều này, nên còn nhiều lúng túng, vướng mắc khi triển khai.
"Bên cạnh đó, việc phân loại rác tại nguồn còn là khó khăn của các đơn vị thu gom. Để mang lại hiệu quả, cần phải thay đổi cách thức, trang thiết bị để xử lý từng loại rác thải cho phù hợp. Luật quy định phải đấu thầu. Đấu thầu thì phải theo chỉ tiêu, định mức kinh tế kỹ thuật. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta vẫn chưa có, vì vậy rất cần có thêm sự hướng dẫn của Bộ TN&MT hay Hà Nội về các quy chế đấu thầu như thế nào để có thể khuyến khích các đơn vị có thể đầu tư các trang thiết bị mới", TS Tùng chia sẻ.
Các chuyên gia môi trường cũng cho biết thêm, chúng ta cần phải tăng cường công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền. Không nên chỉ dừng lại ở các cuộc họp dân, có thể triển khai với hình thức online, làm rõ các nội dung như: Lợi ích, trách nhiệm của người dân trong việc phân loại rác thải; phương thức phân loại như thế nào từ khâu thu gom đến xử lý; các quy định của pháp luật về việc phân loại rác thải…
Không chỉ làm 1-2 đợt, mà chúng ta cần phải làm liên tục. Cùng với đó, cần có sự chuẩn bị một cách hệ thống, đồng bộ và phải có tinh thần quán triệt từ lãnh đạo cao nhất của thành phố Hà Nội. Như vậy việc phân loại rác tại nguồn thực hiện được thành công.