Chiều 4/6, trước khi kết thúc phiên chất vấn và trả lời chất vấn liên quan đến lĩnh vực tài nguyên, môi trường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã mời Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tham gia giải trình, làm rõ một số ý kiến ĐBQH nêu.
Liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, nước thải tại cơ sở y tế tuyến xã, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, vấn đề này đã được quy định tại Điều 20 của Luật Bảo vệ môi trường; Nghị định 08 của Chính phủ cũng đã cụ thể hóa; Thông tư số 20 của Bộ Y tế cũng quy định. Bộ Y tế đã có quyết định ban hành tiêu chí thế nào là cơ sở y tế, trung tâm y tế xanh – sạch – đẹp, bảo vệ môi trường.
Theo Phó Thủ tướng, 3 vấn đề cần lưu ý gồm: các quy chuẩn thiết bị liên quan đến lò đốt; các thiết bị liên quan đến việc xử lý rác thải không đốt; xử lý nước thải. 3 quy chuẩn này cần nghiên cứu sát với cấp xã, có cơ chế tài chính, nhận thức quy định (thu gom, vận chuyển, xử lý) đã quy định cụ thể cho UBND các tỉnh.
Chúng ta khuyến khích không xử lý bằng phương pháp đốt mà chỉ khuyến khích dùng các chất xử lý thành phần dịch bệnh. Các cơ sở nhỏ chỉ xử lý vi khuẩn tại chỗ xong chuyển đến nơi xử lý tập trung. Việc quản lý chất thải rắn, chất thải nguy hại Luật Bảo vệ môi trường 2020 quy định khá toàn diện, đầy đủ và cụ thể.
Từ 1/1/2025 đòi hỏi có sự chuẩn bị thật kỹ nhận thức của toàn dân và trách nhiệm của các cơ quan quản lý, đặc biệt là địa phương về xác định chuyển rác thành tài nguyên, xây dựng kinh tế tuần hoàn, tuyệt đối không sử dụng phương án chôn lấp rác.
"Vấn đề phân loại, tái sử dụng, biến rác thành năng lượng là giải pháp hữu hiệu", theo Phó Thủ tướng phải để từng người dân phân loại rác tại nguồn ngay từ đầu, sau đó khâu xử lý sẽ đơn giản hơn.
Phát biểu kết luận, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh, thời gian qua, công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường đã đạt được những kết quả tích cực nhưng vẫn còn có những tồn tại, hạn chế. Đề nghị Chính phủ, các bộ trưởng, trưởng ngành có liên quan thực hiện hiệu quả các giải pháp đã đề ra, tập trung một số nội dung như sau:
Bám sát nội dung, thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong năm 2025, hoàn thành việc khảo sát, đánh giá tiềm năng năng lượng tái tạo ngoài khơi. Tổng kết việc thi hành và đề xuất việc sửa đổi Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Tập trung triển khai có hiệu quả Luật Tài nguyên nước năm 2023, bảo đảm an ninh nguồn nước, an toàn hồ đập và ngăn chặn suy giảm tài nguyên nước. Chủ động phòng, chống và có giải pháp ứng phó với tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn, thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất.
Tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về địa chất, khoáng sản và công nghiệp khai khoáng, trong đó có dự án luật địa chất khoáng sản trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 7, xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV.
Điều 62. Bảo vệ môi trường trong hoạt động y tế và kiểm soát tác động của ô nhiễm môi trường đến sức khỏe con người
1. Bệnh viện, cơ sở y tế khác phải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường bao gồm:
a) Thu gom, xử lý nước thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trước khi xả ra môi trường;
b) Phân loại chất thải rắn tại nguồn; thực hiện thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý chất thải rắn đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Trường hợp chất thải rắn sinh hoạt, chất thải rắn thông thường lẫn vào chất thải y tế lây nhiễm thì phải quản lý như đối với chất thải y tế lây nhiễm;
c) Ưu tiên lựa chọn công nghệ không đốt, thân thiện môi trường và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường trong xử lý chất thải y tế lây nhiễm;
d) Khuyến khích việc khử khuẩn chất thải y tế lây nhiễm để loại bỏ mầm bệnh có nguy cơ lây nhiễm trước khi chuyển về nơi xử lý tập trung;
đ) Có kế hoạch, trang thiết bị phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường do chất thải y tế gây ra;
e) Xử lý khí thải đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường;
g) Xây dựng, vận hành công trình vệ sinh, hệ thống thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải theo quy định.
2. Cơ sở y tế sử dụng nguồn phóng xạ, thiết bị bức xạ phải đáp ứng yêu cầu của pháp luật về năng lượng nguyên tử.
3. Chất ô nhiễm tác động trực tiếp đến sức khỏe con người phải được quản lý như sau:
a) Nhận diện, đánh giá, cảnh báo, phòng ngừa và kiểm soát chất ô nhiễm có khả năng tác động đến sức khỏe con người; các vấn đề về bệnh tật và sức khỏe con người có liên quan trực tiếp đến chất ô nhiễm;
b) Kiểm soát và xử lý từ nguồn phát sinh đối với chất ô nhiễm có tác động đến sức khỏe con người và vấn đề về bệnh tật được xác định có nguyên nhân trực tiếp từ chất ô nhiễm;
c) Quản lý, chia sẻ, công bố thông tin về chất ô nhiễm có tác động trực tiếp đến sức khỏe con người.