Hà Nội

Phải xác định phát triển dược liệu thành một 'ngành hàng'

05-09-2023 05:12 | Xã hội

SKĐS - Chúng ta phải xác định phát triển dược liệu thành một "ngành hàng", cần phải hình thành một đơn vị chuyên trách có chức năng kiến tạo phát triển tổng thể, từ đó mới có tổ chức chịu trách nhiệm về nghiên cứu, xây dựng cho ngành dược liệu mục tiêu, chiến lược thực hiện, xây dựng chính sách phù hợp, tổ chức triển khai đúng lộ trình...

Thông tin trên được ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia nhấn mạnh khi phát biểu tại "Diễn đàn tìm giải pháp phát triển dược liệu theo chuỗi gắn với du lịch sinh thái" vừa được tổ chức gần đây tại Lai Châu.

Nhiều tiềm năng chưa được khai thác

Cả nước có gần 14,8 triệu ha rừng, phần lớn là rừng tự nhiên. Trong đó, nhiều nơi có cảnh quan thiên nhiên rất thích hợp để phát triển dịch vụ du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng. Theo thống kê của các nhà khoa học, ở Việt Nam có tới hơn 5.117 loài và thứ dưới loài được sử dụng làm thuốc chữa bệnh và bồi bổ sức khỏe. Đặc biệt, ở vùng đồng bào DTTS có rất nhiều loài dược liệu kết hợp với nhau tạo thành những bài thuốc rất hay để chữa trị bệnh và bồi bổ sức khỏe.

Trong tự nhiên, các loài dược liệu phân bố tương đối phân tán, hiện nay phần lớn dược liệu được khai thác trong tự nhiên, một phần đã được trồng với qui mô diện tích nhỏ; chưa có vùng sản xuất nguyên liệu thảo dược tập trung qui mô lớn, nên việc phát triển thảo dược còn nhiều hạn chế.

Phải xác định phát triển dược liệu thành một 'ngành hàng' - Ảnh 1.

Việt Nam kỳ vọng nhiều vào việc phát triển các vùng trồng thảo dược, nâng tầm các loại cây có giá trị kinh tế cao, hướng đến mục tiêu xuất khẩu. (Ảnh: IT)

Hiện nay, thị trường tiêu thụ dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu ở trong nước cũng rất lớn. Tuy nhiên, khả năng cung cấp nguyên liệu làm dược liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất cũng như nhu cầu sử dụng ở trong nước, một phần vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài.

Gần đây nhất, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 611 về việc phê duyệt Chương trình "Phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045", Bộ NN&PTNT đang dự thảo quyết định ban hành kế hoạch triển khai thực hiện. Khi quyết định được phê duyệt thì đây sẽ là cơ hội không chỉ cho việc phát triển Sâm mang thương hiệu Việt Nam, mà còn là cơ hội để phát triển các loài cây dược liệu khác dưới tán rừng.

Bên cạnh những tiềm năng lớn về dược liệu, nhiều ý kiến đến từ các ngành, các địa phương cũng đã đề cập đến những khó khăn vướng mắc trong việc trồng và phát triển dược liệu dưới tán rừng như: Việc tổ chức triển khai thực hiện còn thiếu tập trung; phát triển dược liệu còn mang tính đơn lẻ; quy hoạch và phát triển vùng trồng dược liệu còn thiếu đồng bộ, nhiều địa phương chưa đưa khoa học, công nghệ và khuyến lâm vào sản xuất; mô hình sản xuất còn manh mún, nhỏ lẻ, tự phát và không có hệ thống tổ chức...

Phát triển dược liệu thành một 'ngành hàng'

Nhiều ý kiến cho rằng, diện tích rừng ở Việt Nam khá lớn, nhưng không phải rừng ở chỗ nào cũng có thể phát triển du lịch sinh thái, mà phải gắn với cảnh quan đặc trưng, hoặc di tích độc đáo nào đó thì mới có thể hấp dẫn du khách. Ngoài ra, các chính sách chưa thực sự rõ ràng trong việc quy hoạch vùng du lịch sinh thái và vùng trồng dược liệu dưới tán rừng, khiến cho nhiều nhà đầu tư còn gặp nhiều lúng túng trong triển khai.

Thực tế, dược liệu và du lịch sinh thái là hai lĩnh vực khác nhau, nhưng phát triển dược liệu và phát triển du lịch sinh thái lại là hai phạm trù có mối quan hệ biện chứng và hỗ trợ lẫn nhau, gắn kết chặt chẽ với nhau, tạo thành một chuỗi giá trị đáp ứng nhu cầu của nhiều du khách trong và ngoài nước. Việc tổ chức triển khai hiện nay đang thực hiện theo hướng giao cho nhiều bộ, ngành, nhưng không có một đơn vị chịu trách nhiệm rõ ràng, nhiều loài cây dược liệu chưa được tập trung nghiên cứu, xây dựng quy trình, định mức để áp dụng triển khai, do đó nhiều chính sách mới dừng lại ở văn bản, hoặc được triển khai nhưng vẫn rất chậm.

Để giải quyết những khó khăn, theo ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia: Chúng ta phải xác định phát triển dược liệu thành một "ngành hàng", cần phải hình thành một đơn vị chuyên trách có chức năng kiến tạo phát triển tổng thể, từ đó mới có tổ chức chịu trách nhiệm về nghiên cứu, xây dựng cho ngành dược liệu mục tiêu, chiến lược thực hiện, xây dựng các chính sách phù hợp, tổ chức triển khai đúng lộ trình; đồng thời cần thiết phải xây dựng và triển khai lộ trình hàng rào kỹ thuật đối với dược liệu, theo hướng ưu tiên các dược liệu trong nước, dược liệu có tiêu chuẩn, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; cần thiết phải nhanh chóng xây dựng hệ thống các vườn cây thuốc quốc gia theo Quyết định 1976 của Thủ tướng Chính phủ; xây dựng các mô hình trình diễn áp dụng quy trình kỹ thuật theo hướng an toàn, bền vững. Thông qua các lớp đào tạo, tập huấn khuyến nông giúp cho người sản xuất nâng cao nhận thức và thực hiện tốt quy trình sản xuất hiện đại theo hướng an toàn và bền vững.

Qua đó, Trung tâm Khuyến nông quốc gia sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất với các bộ, ngành có liên quan xây dựng chính sách, cơ chế đặc thù đối với các mô hình phát triển nông nghiệp dược liệu, từ đó có thể từng bước phát huy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh về dược liệu ở Việt Nam, đồng thời khai thác tiềm năng, lợi thế của dịch vụ hệ sinh thái rừng của từng địa phương.


PV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn