Hà Nội

Giải pháp nào để khai thác thế mạnh cây dược liệu vùng Tây Bắc?

04-09-2023 06:20 | Xã hội

SKĐS - Các tỉnh khu vực Tây Bắc gồm: Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi để phát triển nhiều loại cây dược liệu giá trị cao. Tuy nhiên thời gian qua, việc khai thác, phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Do vậy, để phát huy thế mạnh, cần có cơ chế, chính sách khai thác, phát triển phù hợp.

Nhiều tiềm năng chưa được khai thác

Các tỉnh miền núi phía bắc như Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai được đánh giá là có rất nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cây dược liệu quý.

Cụ thể, Lai Châu là tỉnh có tới hơn 70% đất tự nhiên là đất lâm nghiệp, có thế mạnh phát triển cây dược liệu quý. Nhiều loại dược liệu có giá trị như: Hà thủ ô đỏ, đẳng sâm, đương quy, đỗ trọng, thất diệp nhất chi hoa… Gần đây, các loại dược liệu như đương quy, đỗ trọng, hoàng khung, sâm cát cánh, bạch truật… được trồng tại một số xã vùng cao của huyện Sìn Hồ, như Sà Dề Phìn, Tả Phìn, Tả Ngảo. Kết quả trồng khảo nghiệm cho thấy, hoạt chất của một số cây dược liệu trồng ở Lai Châu cao hơn so với trồng ở các địa phương khác.

Giải pháp nào để khai thác thế mạnh cây dược liệu vùng Tây Bắc? - Ảnh 1.

Tỉnh Lai Châu tận dụng những tiềm năng trong điều kiện khí hậu thổ nhưỡng để phát triển kinh tế dược liệu dưới tán rừng (Ảnh IT)

Tại Yên Bái, cây dược liệu có thế mạnh là quế, sơn tra. Toàn tỉnh hiện có gần 60.000 ha quế, được trồng ở các huyện: Văn Yên, Văn Chấn, Lục Yên, Yên Bình, Trấn Yên và TP Yên Bái. Người dân cũng đã phát triển trồng các cây dược liệu bản địa để tăng thu nhập cho gia đình.

Với tiểu vùng khí hậu ôn đới, đất rừng rộng và tri thức bản địa của đồng bào dân tộc thiểu số về cây thuốc, tỉnh Lào Cai có rất nhiều lợi thế, tiềm năng lớn để phát triển bền vững cây dược liệu. Đến nay, diện tích trồng dược liệu toàn tỉnh Lào Cai là hơn 1.500 ha, tập trung tại các huyện vùng cao, biên giới như Bát Xát, Mường Khương, Bắc Hà, Sa Pa, Si Ma Cai… với các loại dược liệu chủ yếu là: Đương quy, a-ti-sô, xuyên khung, chè dây, sa nhân, độc hoạt, ý dĩ… Tổng sản lượng dược liệu khô đạt khoảng 3.200 tấn/năm, trong đó riêng cây a-ti-sô chiếm khoảng 70% sản lượng, giá trị thu nhập bình quân đạt từ 120 đến 150 triệu đồng/ha.

Mặc dù có tiềm năng lớn, song đến nay việc phát triển cây dược liệu ở vùng Tây Bắc còn nhỏ lẻ, manh mún, chủ yếu là khai thác tự nhiên, thậm chí chưa được bảo tồn đúng mức… Một số loài đứng trước nguy cơ cạn kiệt. Phần lớn cây dược liệu trên địa bàn chưa được chế biến sâu mà chủ yếu bán nguyên liệu thô, cho nên giá trị rất thấp.

Cần hướng phát triển phù hợp

Theo đánh giá của các chuyên gia, các tỉnh vùng Tây Bắc có lợi thế, tiềm năng lớn về cây dược liệu, là nguồn cung ứng dồi dào, bảo đảm nguồn nguyên liệu chất lượng cao cho các cơ sở chế biến thuốc và dược liệu của cả nước, phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Đồng thời, khai thác và phát triển cây dược liệu đã và đang là hướng đi mới trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn ở địa bàn miền núi, vùng sâu, biên giới của các tỉnh Tây Bắc. Tuy nhiên, cần có định hướng rõ ràng và các giải pháp thiết thực để khai thác và phát triển hiệu quả tiềm năng dược liệu của vùng.

Khó khăn lớn nhất của các tỉnh vùng Tây Bắc hiện nay là hệ thống cơ sở hạ tầng cho vùng trồng cây dược liệu như đường giao thông, thủy lợi, cơ sở nhân ươm giống, thu gom và chế biến sản phẩm… còn rất thiếu, chưa đáp ứng quy mô sản xuất lớn, tập trung. Đáng chú ý, hầu hết vùng trồng cây dược liệu là nơi bà con dân tộc thiểu số sinh sống, khả năng tiếp thu kỹ thuật mới không đồng đều, hạn chế, cho nên việc sản xuất ứng dụng kỹ thuật cao gặp khó khăn, đòi hỏi phải đào tạo khá tốn kém.

Để ngành dược liệu trở thành ngành mũi nhọn của các tỉnh miền núi phía bắc, mỗi địa phương đưa ra chiến lược riêng của mình. Cụ thể, Tỉnh Lai Châu đang tập trung xây dựng đề án phát triển cây dược liệu giai đoạn 2019 - 2025, với giải pháp trồng cây dược liệu gắn với cơ sở chế biến tại bốn huyện là Sìn Hồ, Mường Tè, Phong Thổ và Tân Uyên, vốn đầu tư gần 200 tỷ đồng và hỗ trợ giống, vốn, thiết bị sơ chế cho người trồng;

Tỉnh Yên Bái đã có chính sách hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, ứng dụng khoa học, kỹ thuật và công nghệ trong việc bảo tồn nguồn gien, khai thác dược liệu, trồng trọt, chế biến dược liệu, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư trồng dược liệu;

Tỉnh Lào Cai cũng đã triển khai thực hiện đề án "Bảo tồn và phát triển cây dược liệu" và bước đầu đạt kết quả thông qua liên kết "bốn nhà": Nhà nước, doanh nghiệp, nhà nông, nhà khoa học.

Từ thực tế phát triển dược liệu ở các tỉnh Tây Bắc thời gian qua, nhiều chuyên gia cho rằng, các địa phương cần rà soát quy hoạch, tích tụ đất đai để xây dựng vùng trồng dược liệu theo hướng hàng hóa; thực hiện các giải pháp khuyến khích nông dân chuyển đổi cây trồng trên diện tích đất sẵn có; lồng ghép các chương trình mục tiêu như nông nghiệp công nghệ cao, nông thôn mới, Chương trình 135... để hỗ trợ nguồn vốn trồng dược liệu cho nông dân. 

Cũng theo các chuyên gia, những vùng này cần Trung tâm nghiên cứu Dược liệu, xây dựng thị trường, hướng dẫn cho bà con nông dân quy trình canh tác theo đúng tiêu chuẩn của thế giới.

Các địa phương cần xây dựng các cơ sở hạ tầng, xây dựng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dược liệu liên kết với các Hợp tác xã trong việc trồng, sản xuất, phát triển dược liệu.

Hồng Sơn Tuấn
Ý kiến của bạn