Hà Nội

Giá trị khoa học của bảo tồn tại chỗ các loài dược liệu

15-12-2022 15:36 | Y học cổ truyền
google news

SKĐS - Bảo tồn nguồn gen cây thuốc cũng chính là các đầu mối cung cấp giống ban đầu cho các vườn cây thuốc tại địa phương, bệnh viện, trường học và các lương y có nhu cầu trồng cây thuốc.

Với thiên nhiên ưu đãi, khí hậu thuận lợi nên Việt Nam là 1 trong 15 nước trên thế giới có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, thực vật đa dạng. Sự đa dạng các loại địa hình, khí hậu nên cũng là mảnh đất để nhiều cây dược liệu phát triển, sinh trưởng, đem lại giá trị kinh tế và đóng góp cho nền y học cổ truyền từ xa xưa đến nay.

Hiện nước ta có trên 5.000 cây thuốc quý đã và đang được bảo tồn, phát triển giúp cho nguồn tài nguyên dược liệu, thảo dược phong phú. Chính vì vậy, từ xa xưa, việc sử dụng nguồn dược liệu này để phục vụ đời sống, sinh hoạt, nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe luôn được quan tâm.

Vấn đề cốt lõi là làm sao để bảo tồn các giống cây trồng, dược liệu quý, có giá trị kinh tế, y học cao luôn được các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và hoạch định cụ thể trong suốt thời gian qua.

Với mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng bền vững nguồn tài nguyên cây thuốc phục vụ công tác chăm sóc sức khoẻ, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và bảo tồn đa dạng sinh học, công tác bảo tồn nguồn gen cây thuốc đã được thực hiện thường xuyên trong nhiều năm qua.

Giá trị khoa học của bảo tồn tại chỗ các loài dược liệu - Ảnh 1.

Nhiều loại dược liệu quý hiếm được lưu giữ tại Trung tâm Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu).

Trong hơn 30 năm thực hiện nhiệm vụ Bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc, Viện Dược liệu được Bộ Y tế giao là đơn vị đầu mối để triển khai chương trình bảo tồn nguồn gen và giống cây thuốc (cây dược liệu) của ngành Y tế. Đã xây dựng được mạng lưới và bảo tồn hơn 1.500 nguồn gen của gần 900 loài cây thuốc.

PGS. TS. Phạm Thanh Huyền, Giám đốc Trung tâm Tài nguyên Dược liệu (Viện Dược liệu) cho biết, tại Viện Dược liệu hiện có 5 vườn bảo tồn cây thuốc ở các vùng sinh thái khác nhau: Vườn cây thuốc Hà Nội đại diện vùng đồng bằng sông Hồng, Vườn cây thuốc Tam Đảo đại diện vùng Trung du miền núi phía Bắc, Vườn cây thuốc Sa Pa đại diện vùng núi cao phía Bắc, Vườn cây thuốc Thanh Hóa đại diện vùng Bắc Trung Bộ và Vườn cây thuốc Thuận Kiều - TP.HCM đại diện vùng Đồng Nam Bộ.

Sự đa dạng sinh học về cây thuốc luôn có mối tương quan chặt chẽ với sự đa dạng về bản sắc văn hoá dân tộc và tri thức y dược học của mỗi quốc gia. Việt Nam là ngôi nhà chung của 54 dân tộc. Mỗi dân tộc lại có tập quán, tín ngưỡng và kinh nghiệm sử dụng cây cỏ làm thuốc khác nhau.

Giá trị khoa học của bảo tồn tại chỗ các loài dược liệu - Ảnh 2.

Một vùng trồng dược liệu tại Hà Giang.

Những năm gần đây, thị trường dược liệu Việt Nam đã bắt đầu có sự thay đổi. Đã xuất hiện những vườn trồng dược liệu có quy mô lớn. Những khu vườn này đều được chăm sóc dưới sự theo dõi, giám sát về chất lượng của các chuyên gia nông nghiệp. Sản phẩm khi được đưa ra thị trường có chất lượng cao và bảo đảm không sử dụng các loại chất kích thích hoặc phân bón có hại. Tín hiệu đáng mừng này xuất phát từ việc các công ty sản xuất dược phẩm đang hướng tới những sản phẩm an toàn hơn và họ cũng là những đơn vị đi đầu trước xu thế chất lượng dược liệu ngày càng được siết chặt. Việc mua dược liệu trong nước tuy phải trả giá thành cao hơn nhưng chất lượng được bảo đảm, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Nhiều năm qua Trung tâm Tài nguyên Dược liệu (Viện dược liệu) vẫn đang lưu giữ gần 40.000 tiêu bản và mẫu dược liệu cùng các thông tin dữ liệu về nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam. Trong đó, có nhiều mẫu chuẩn, mẫu có giá trị của các loài cây thuốc thuộc diện quý hiếm, các loài có nguy cơ bị tuyệt chủng, các loài có giá trị kinh tế cao, nhiều loài cây thuốc, bài thuốc, đồ dùng của một số dân tộc có kinh nghiệm sử dụng các loài cây thuốc, bài thuốc để chữa bệnh…

Giá trị khoa học của bảo tồn tại chỗ các loài dược liệu - Ảnh 3.

Bảo tồn nguồn gen cây thuốc cũng chính là các đầu mối cung cấp giống ban đầu cho các vườn cây thuốc tại địa phương, bệnh viện, trường học.

Bên cạnh đó, nhiều đơn vị đã tích cực tham gia các nhiệm vụ bảo tồn và khai thác các nguồn gen có giá trị kinh tế do Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Y tế phê duyệt.

Hiện nay, các đơn vị bảo tồn nguồn gen cây thuốc cũng chính là các đầu mối cung cấp giống ban đầu cho các vườn cây thuốc tại địa phương, bệnh viện, trường học và các lương y có nhu cầu trồng cây thuốc, cũng như xây dựng các mô hình trồng thuốc Nam tại các địa phương.

Trong giai đoạn tới, để công tác bảo tồn nguồn gen cây thuốc quý, hiếm đạt được nhiều kết quả hơn, cần xác định danh mục các nguồn gen cây thuốc cần lưu giữ và bảo tồn; thu thập bổ sung các nguồn gen mới thuộc diện cần bảo tồn, chú trọng nguồn gen có nguy cơ bị tuyệt chủng và có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, cần đẩy mạnh công tác đánh giá nguồn gen, đánh giá chất lượng nguồn gen và đa dạng di truyền nguồn gen.

Đặc thù phát triển dược liệu ở Việt NamĐặc thù phát triển dược liệu ở Việt Nam

SKĐS - Việt Nam có tài nguyên dược liệu rất phong phú, hàng nghìn bài thuốc cổ truyền, hàng chục nghìn loài dược liệu quý… hoàn toàn có thể phát triển thành công nghiệp dược.


Mộc Trà
Ý kiến của bạn