Chiều 6/6 tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến lĩnh vực dân tộc, nhiều ĐBQH quan tâm đến việc giải quyết công ăn, việc làm, kế sinh nhai cho đồng bào dân tộc thiểu số.
Trong đó, ĐBQH Trình Lam Sinh – Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang cho rằng, qua đợt khảo sát trước Kỳ họp nhận thấy vẫn còn vướng mắc về Chương trình mục tiêu quốc gia. Trong đó có tiểu dự án 2 của Dự án 3 về hỗ trợ phát triển sản xuất chuỗi giá trị vùng trồng dược liệu quý thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp và thu hút đầu tư vùng đồng bào dân tộc thiểu số.…
Chính vì vậy, đại biểu đề nghị Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh đánh giá tiến độ, hiệu quả của chương trình hiện nay ra sao? Giải pháp khắc phục những vướng mắc, nhất là về quy trình, thủ tục của các dự án và một số nhiệm vụ, chỉ tiêu hiện chưa phù hợp với thực tiễn của các địa phương.
Liên quan đến dự án trồng dược liệu quý, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh thông tin, vấn đề này giao cho Bộ Y tế là cơ quan chủ trì triển khai và Bộ cũng đã có Thông tư để hướng dẫn dự án. Để tháo gỡ, hiện Bộ Y tế đang sửa Thông tư 10/2022/TT-BYT về việc hướng dẫn triển khai nội dung Đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025.
Tuy nhiên, ông Hầu A Lềnh cũng thông tin, còn một vướng mắc nữa là phải sửa Luật Lâm nghiệp bởi vùng trồng dược liệu quý chủ yếu nằm dưới tán rừng đặc dụng hoặc rừng phòng hộ. Trong khi đó, Luật Lâm nghiệp quy định, dưới tán rừng không phát triển sinh kế, không làm kinh tế được.
"Các địa phương khi xác định địa bàn để phát triển dự án chủ yếu nằm dưới tán rừng lại "vướng" cả Luật Lâm nghiệp nên phải sửa mới triển khai được", Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc nhấn mạnh, đồng thời cho rằng, hiện nay các bộ, ngành đang tích cực tham mưu để sửa nhằm tháo gỡ cho các địa phương.
Phát biểu tranh luận với Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc về vấn đề này, ĐBQH Phan Thái Bình – Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, Bộ trưởng có nêu sắp tới sẽ đề xuất sửa đổi Luật Lâm nghiệp theo hướng tạo điều kiện cho các rừng đặc dụng được trồng dược liệu dưới tán rừng. Đây là vấn đề đặt ra trong thực tiễn nhưng hiện nay nếu chờ sửa Luật Lâm nghiệp thì còn rất lâu.
Chính vì vậy, đại biểu Phan Thái Bình đề nghị ngay tại kỳ họp này, chúng ta đưa vào Nghị quyết kỳ họp cho phép các địa phương có thể tận dụng sinh kế dưới tán rừng để trồng các cây dược liệu đảm bảo sinh kế, vừa quản lý vừa bảo vệ rừng.