Omron tự nhận là 'máy đo huyết áp tốt nhất Việt Nam'

15-09-2023 12:47 | Nhãn hàng sai phạm
google news

SKĐS - Trên các website của mình, Omron tự nhận là “máy đo huyết áp tốt nhất tại Việt Nam”. Thông tin này có thể sẽ khiến nhiều người băn khoăn về tính xác thực.

Cơ sở pháp lý chứng minh "Omron - Máy đo huyết áp tốt nhất tại Việt Nam"

Omron Healthcare Singapore PTE LTD (có văn phòng tại tầng 6, Tòa nhà văn phòng Tổng công ty 789, số 147 Hoàng Quốc Việt, Phường Nghĩa Đô, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội) sở hữu 2 website là: omronhealthcare-ap.com, omron-yte.com. Hai website này công bố thông tin: Omron là "Máy đo huyết áp bán chạy nhất thế giới", "Máy đo huyết áp tốt nhất tại Việt Nam", "Máy đo huyết áp số 1 thế giới"…

Tự nhận là “máy đo huyết áp tốt nhất ”, Omron có vi phạm pháp luật? - Ảnh 2.

Hình ảnh chụp trên website của Omron.

Chỉ một cụm từ "tốt nhất" hay "số một", nhưng theo Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống Dịch vụ Pháp lý toàn quốc Luật sư X), luật pháp Việt Nam có quy định rất chặt chẽ. Cụ thể, tại khoản 11 điều 12 của Luật Quảng cáo quy định về hành vi bị cấm trong hoạt động quảng cáo như sau: "Quảng cáo có sử dụng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc từ ngữ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh theo quy định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch".

Như vậy, muốn được sử dụng từ "nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc những từ ngữ khác tương tự để quảng cáo sản phẩm thì doanh nghiệp phải chứng minh được thông qua tài liệu hợp pháp.

Tại điều 2 Thông tư số 10/2013/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tài liệu hợp pháp như sau:

1. Tài liệu hợp pháp quy định tại khoản 11 Điều 8 của Luật Quảng cáo bao gồm:

a) Kết quả khảo sát thị trường của các tổ chức được thành lập và hoạt động hợp pháp có chức năng nghiên cứu thị trường;

b) Giấy chứng nhận hoặc các giấy tờ tương tự tại các cuộc thi, triển lãm có quy mô khu vực hoặc toàn quốc bình chọn và công nhận các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đó là "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự.

2. Thời gian sử dụng tài liệu hợp pháp chứng minh từ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một" hoặc các từ ngữ có ý nghĩa tương tự trên các sản phẩm quảng cáo là 01 (một) năm kể từ ngày tổ chức, cá nhân được cấp giấy chứng nhận hoặc nhận kết quả khảo sát thị trường.

3. Trên sản phẩm quảng cáo phải thể hiện đầy đủ, rõ ràng, chính xác tên tài liệu hợp pháp quy định tại Khoản 1 Điều này.

Vẫn theo luật sư Nguyễn Văn Đoàn, nếu sản phẩm quảng cáo dùng các từ ngữ "nhất", "duy nhất", "tốt nhất", "số một"… mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại khoản 2 điều 34 Nghị định 38/2021/NĐ-CP. Ngoài ra, chủ của sản phẩm còn phải thực hiện các biện pháp khắc phục là: buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo…; bị tước quyền sử dụng Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm từ 5 - 7 tháng vv...

Báo Sức khỏe và Đời sống đã làm việc với bà Võ Thị Hồng Thái, Trưởng Đại diện Văn phòng Hà Nội của Omron về tính khoa học, cơ sở pháp lý của những thông tin quảng cáo trên.

Về nội dung quảng cáo là "tốt nhất", đại diện Omron trả lời: "Omron có thống kê sever của vùng làm việc với bên thứ 3 của một công ty bên Nhật. Dựa trên một khảo sát toàn cầu. Phía mình không tự khảo sát được và thông qua một bên thứ 3."

Bà Võ Thị Hồng Thái cũng cho biết: "Về máy đo tốt nhất ở Việt Nam có thể ở trên website có các chứng nhận của các Hiệp hội, chứng nhận lâm sàng của các tổ chức nước ngoài."

Về quy định quảng cáo "tốt nhất" theo luật pháp Việt Nam chỉ có hiệu lực trong 1 năm, đại diện Omron nói: "Cái đấy là trong cái quy định nào, có trích dẫn nào không?"

Omron có đưa ra tài liệu khảo sát để chứng minh cho nội dung quảng cáo liên quan đến "số 1" và "tốt nhất". Đó là Tuyên bố của ông Daisuke Mitsumoto - Tổng Giám đốc Công ty y tế Omron Healthcare Co., Ltd ký ngày 14 tháng 4 năm 2022. Tuyên bố dựa trên "Khảo sát toàn diện thị trường thiết bị gia dụng toàn cầu 2022" của công ty Fuji Keizai Co.Ltd (dữ liệu năm 2021). Theo khảo sát này, năm 2021, Omron là thương hiệu Máy đo Huyết áp bán chạy số 1 thế giới.

Tuy nhiên, nếu so với quy định của luật pháp Việt Nam thì kết quả khảo sát này đã quá hạn.

Về tài liệu quá hạn, bà Võ Thị Hồng Thái nói: "Tức là chỉ được 1 năm? Có thể bên kia họ lấy trên cái cái khảo sát toàn cầu. Cái này mình sẽ báo bên mình điều chỉnh lại. Các bài viết về nội dung liên quan đến tư vấn sức khỏe, sản phẩm trên website làm qua một bên agency. Bên agency trao đổi có đội ngũ viết nội dung chuyên về mảng y tế."

Khảo sát "bác sĩ khuyên dùng" máy đo huyết áp Omron có đủ độ tin cậy?

Tự nhận là “máy đo huyết áp tốt nhất ”, Omron có vi phạm pháp luật? - Ảnh 3.

Lời quảng cáo “thương hiệu hàng đầu được bác sĩ khuyên dùng” trên website của Omron.

Ngoài quảng cáo với từ ngữ "tốt nhất tại Việt Nam", trên các website omronhealthcare-ap.com, omron-yte.com, máy đo huyết áp Omron còn đưa ra thông tin quảng cáo: "Omron là thương hiệu hàng đầu được Bác sĩ khuyên dùng".

Theo Omron, cơ sở khoa học của thông tin này là "Dựa vào kết quả nghiên cứu định tính độc lập của MIMS vào tháng 5/2021 với 600 bác sĩ tại Ấn độ, Indonesia, Malaysia, Philippine & Việt Nam về "Đánh giá thương hiệu y tế Máy đo huyết áp tại nhà".

Được biết, MIMS là công ty truyền thông y tế, chuyên cung cấp những giải pháp cho thị trường chăm sóc sức khỏe; cung cấp dữ liệu tham khảo, giải pháp hỗ trợ quyết định, tin tức và thông tin giáo dục cho cộng đồng các bác sĩ tổng quát, bác sĩ chuyên khoa, dược sĩ, điều dưỡng và bệnh nhân ở một số quốc gia.

Chỉ dựa vào kết quả nghiên cứu định tính, người tiêu dùng có quyền đặt câu hỏi: nội dung quảng cáo "Omron là thương hiệu hàng đầu được bác sĩ khuyên dùng" có tin cậy?

Mượn danh quảng cáo sai bị xử lý thế nào?

Như Sức khỏe và Đời sống đã thông tin, máy đo huyết áp Omron đã sử dụng tên tuổi, hình ảnh của Hội Tim Mạch Học Việt Nam để quảng cáo với nội dung: "Máy đo huyết áp Omron – Hội Tim Mạch Việt Nam khuyên dùng". Trong khi đó, Hội Tim Mạch Học Việt Nam đã khẳng định không khuyên dùng bất kỳ thương hiệu máy đo huyết áp nào cụ thể.

Tự nhận là

Giấy xác nhận giữa Hội tim mạch học Việt Nam và Omron không có thông tin "được Hội tim mạch học Việt Nam khuyên dùng".

Luật sư Nguyễn Văn Đoàn (Hệ thống Dịch vụ Pháp lý toàn quốc Luật sư X) cho biết: Theo Khoản 3 Điều 45 của Luật Cạnh tranh 2004 cấm doanh nghiệp đưa thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn cho khách hàng về một trong các nội dung sau đây:

a) Giá, số lượng, chất lượng, công dụng, kiểu dáng, chủng loại, bao bì, ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, xuất xứ hàng hoá, người sản xuất, nơi sản xuất, người gia công, nơi gia công;

b) Cách thức sử dụng, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành;

c) Các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác.

Việc sử dụng tên tuổi và hình ảnh của Hội tim mạch học Việt Nam để quảng cáo gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng có thể xem là vi phạm "các thông tin gian dối hoặc gây nhầm lẫn khác".

Đối với mỗi hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh, tổ chức, cá nhân vi phạm phải chịu một trong các hình thức xử phạt chính sau đây:

a) Cảnh cáo;

b) Phạt tiền.

Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về cạnh tranh còn có thể bị áp dụng một hoặc các hình thức xử phạt bổ sung sau đây:

a) Thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề;

b) Tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để vi phạm pháp luật về cạnh tranh.

Hội Tim Mạch Học Việt Nam không khuyên dùng máy đo huyết áp Omron I SKĐS


Nhóm PV
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn