Với những hộ chiếu quyền lực như thế này, gần như bạn có thể đặt chân tới bất kể nơi đâu trên hành tinh.
Hộ chiếu ngoại giao
Hộ chiếu ngoại giao thường được cấp cho các nhà ngoại giao làm việc ở nước ngoài. Chẳng hạn như Tổng lãnh sự của các quốc gia đều có hộ chiếu ngoại giao.
Quyền lợi của tấm hộ chiếu này là không cần đến visa nhằm đảm bảo sự nhanh chóng thuận lợi cho công tác ngoại giao giữa các nước.
Các nhà ngoại giao cũng thường được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao (tuy nhiên, không áp dụng đối với trường hợp bị truy tố). Thân nhân của các nhà ngoại giao đôi khi cũng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao.
Ở Anh quốc còn có một loại hộ chiếu ngoại giao rất đặc biệt do bộ phận phụ trách thông tin của Nữ hoàng (Queen Messenger Service-QMS) đóng dấu. Đối tượng được cấp hộ chiếu là những người chuyển phát nhanh tài liệu ngoại giao đã được phân loại. Loại hộ chiếu này đã tồn tại trong vòng 800 năm qua.
Năm 2017, một cuộc tranh cãi nổ ra ở Canada về việc nước này có thể đang cấp quá nhiều hộ chiếu ngoại giao.
Hộ chiếu Tổng thống và Thủ tướng
Người sở hữu tấm hộ chiếu cao quý nhất này là Tổng thống hay Thủ tướng. Những người này không cần phải mang hộ chiếu bên mình, cũng không cần phải xếp hàng ở hải quan bởi đã có các quan chức lễ tân khác thay họ làm việc đó.
Vào năm 2015, một cán bộ nhập cảnh Australia vô tình gửi nhầm email chứa thông tin cá nhân bao gồm cả số hộ chiếu của Tổng thống Mỹ Obama, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Nga Putin tới ban tổ chức giải vô địch bóng đá châu Á. Tuy nhiên, do thông tin của các nguyên thủ được hệ thống bảo mật tự động nên bức email đã không thể gửi đi thành công.
Hộ chiếu quan chức/hộ chiếu đặc biệt
Hộ chiếu quan chức hay hộ chiếu đặc biệt thường được cấp cho các nghị sỹ, nhà làm luật, quan chức quốc phòng và nhiều nhân viên chính phủ khác không nhất thiết là nhà ngoại giao, nhưng có sứ mệnh ra nước ngoài.
Nếu một người Mỹ được sở hữu tấm hộ chiếu này, người đó sẽ không phải trả phí visa.
Hộ chiếu Interpol
Được phát hành độc quyền cho nhân viên của Interpol (Cơ quan Cảnh sát hình sự quốc tế), giấy thông hành Interpol có 2 dạng: Sổ hộ chiếu điện tử và Căn cước điện tử. Loại giấy tờ nhận dạng này đòi hỏi nhận diện bằng vân tay.
Loại giấy thông hành này ra đời sau Đại hội đồng Interpol thế giới lần thứ 79 vào năm 2010. Do phải truy tìm tội phạm trên toàn thế giới, các nhân viên của Interpol không cần đến visa để đẩy nhanh tiến độ truy vết tội phạm quốc tế.
Interpol có khoảng 1.000 nhân viên nhưng không rõ có bao nhiêu nhân viên được cấp hộ chiếu này. Bởi không như mọi người hình dung như trên các bộ phim về các điệp viên Interpol truy sát gắt gao tội phạm, phần lớn nhân viên làm công việc hành chính.
Hộ chiếu LHQ (UNLP)
Các thành viên của Liên hợp quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế, Tổ chức Y tế Thế giới và một số tổ chức khác được cấp loại hộ chiếu này. Loại hộ chiếu này lần đầu tiên ra đời vào năm 1946. Và loại hộ chiếu điện tử lưu hành vào năm 2012.
Có 2 loại hộ chiếu UNLP khác nhau gồm loại màu xanh và loại màu đỏ (cho quan chức cấp cao).
Theo LHQ, người được hộ chiếu đỏ có thể được hưởng đặc quyền và quyền miễn trừ ngoại giao cũng như hưởng các điều kiện cơ sở vật chất dành cho nhà ngoại giao khi đi lại thực hiện các công việc của LHQ.
Ở một số nước, hộ chiếu này không cần visa. Không giống như nhiều loại khác, hộ chiếu UNLP không chính thức thay thế cho hộ chiếu của nước mà nhà ngoại giao LHQ này thuộc về, nhưng chỉ bổ sung thêm. Chẳng hạn nếu một người Hàn Quốc làm việc cho LHQ, người này sẽ phải mang cả hộ chiếu Hàn Quốc lẫn hộ chiếu UNLP khi đi công tác.
Nữ hoàng Anh không có hộ chiếu
Mặc dầu hầu hết thành viên gia đình hoàng gia vẫn cần một tấm hộ chiếu để đi lại, người đứng đầu vương triều có thể không cần.
Nữ hoàng Anh Elizabeth II không có hộ chiếu. Trên website chính thức của Hoàng gia Anh nêu rõ, hộ chiếu Anh quốc được cấp cho người dân Anh và đóng dấu dưới danh nghĩa Nữ hoàng (thay cho Chính phủ Anh). Vì vậy Nữ hoàng Anh không cần thiết phải có hộ chiếu. Bởi Nữ hoàng Anh đại diện cho cơ quan quyền lực cấp hộ chiếu.
Còn ở lãnh thổ Vatican, Giáo hoàng thường có một tấm hộ chiếu Tòa Thánh đặc biệt. Tuy nhiên, vào năm 2014, kể từ khi nhậm chức, Giáo hoàng Francis đã có một hành động rất đặc biệt. Ông sử dụng hộ chiếu và căn cước công dân Argentina của mình như một dân thường nước ông, không hưởng đặc quyền Tòa Thánh Vatican.
Khi tiêm mũi 3 vaccine phòng COVID-19 cần lưu ý điều gì