Hà Nội

Những cặp đôi quyền lực nhất thế giới

31-01-2017 08:08 | Quốc tế
google news

SKĐS - Với nhiều năm cận kề bên một nửa của mình là các chính trị gia, những đệ nhất phu nhân của các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước không chỉ sở hữu trí tuệ tuyệt vời...

Với nhiều năm cận kề bên một nửa của mình là các chính trị gia, những đệ nhất phu nhân của các nhà lãnh đạo hàng đầu đất nước không chỉ sở hữu trí tuệ tuyệt vời mà còn thể hiện bản lĩnh, ý chí thép để vươn lên. Họ là những cặp đôi quyền lực nhất thế giới.

Tranh ghế Tổng thống ngay khi chồng đương chức

Vợ chồng Tổng thống Argentina, ông Nestor Kirchner và bà Cristina Fernandez là cặp đôi nổi tiếng bậc nhất Argentina. Mặc dù khởi đầu sự nghiệp chính trị sau chồng nhưng con đường đi tới ngôi vị cao nhất trên chính trường Argentina của bà rất rộng mở. Bà Fernandez được đánh giá là người phụ nữ khôn khéo, một nhà đàm phán có tài, bà đã vượt ra khỏi cái bóng của chồng và bắt đầu các cuộc vận động tranh giành chiếc ghế Tổng thống của chồng ngay khi ông đang tại vị.

Tuy nhiên, sự tranh đoạt chức Tổng thống trong một gia đình đã không xảy ra khi Tổng thống Nestor Kirchner lúc đó đã tuyên bố rút khỏi chính trường sau 2 nhiệm kỳ Tổng thống, ông đã lùi vào hậu trường, nhường bước cho bà Fernandez. Tuy nhiên, di sản ông Nestor Kirchner để lại được người dân Argentina ghi nhận khi ông đã giúp quốc gia Nam Mỹ này vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nghiêm trọng nhất đầu thế kỷ 21. Năm  2007, bà Fernandez đã trở thành Tổng thống Argentina. Cũng như người chồng của mình, bà Fernandez cũng đã làm Tổng thống liên tiếp 2 nhiệm kỳ. Năm 2010, ông Nestor Kirchner qua đời sau một cơn đau tim và hiện tại, bà Nestor Kirchner đang bị truy tố vì tội tham nhũng trong thời gian đương chức.

Cặp vợ chồng quyền lực và nổi tiếng nhất thế giới

Vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton được biết đến là cặp vợ chồng không chỉ đồng hành trên con đường chính trị mà ngay cả đời sống riêng tư, họ cũng chứng tỏ là những con người bản lĩnh, vượt qua rất nhiều khó khăn thử thách của cuộc sống để song hành cùng nhau cho đến tận bây giờ. Cựu Tổng thống Bill Clinton đảm nhiệm chức ông chủ Nhà Trắng liên tiếp 2 nhiệm kỳ. Ông là Tổng thống trẻ tuổi thứ 3 trong lịch sử nước Mỹ. Bill Clinton có công lớn trong phát triển kinh tế ở thời kỳ bùng nổ nhất, từ thâm hụt ngân sách hàng trăm tỷ, ông đã đưa nước Mỹ phát triển vượt bậc, thặng dư ngân sách tăng vượt trội ở cuối nhiệm kỳ.

Về phần mình, cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Bà vươn lên trở thành người phụ nữ của chính trường Mỹ sau khi chồng bà hết nhiệm kỳ. Hillary tốt nghiệp trường luật, từng là nghị sĩ Quốc hội, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ. Bà Hillary đã đi vào lịch sử bầu cử Mỹ khi năm 2016 đã chính thức trở thành ứng viên của đảng Dân chủ chạy đua vào chiếc ghế Tổng thống thứ 45 của Mỹ. Cho dù thất bại nhưng những gì bà Hillary đã làm vẫn chứng tỏ bà là con người của chính trường đầy bản lĩnh, ghi dấu ấn trong lòng người dân Mỹ.

Cuộc đời chìm nổi của gia đình có nhiều người đứng đầu đất nước

Cố Thủ tướng Pakistan Benazir Bhutto từng hai lần giữ chức Thủ tướng Pakistan. Nhưng bà và người cha yêu dấu của bà đều có một cái kết đau buồn: cha bị treo cổ còn bà ra đi mãi mãi vì bị ám sát. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống chính trị, bà Benazir Bhutto sớm “bén duyên” với các hoạt động ở chính trường. Cả 2 lần làm đến chức Thủ tướng, bà Benazir Bhutto đều vướng vào các cáo buộc tham nhũng và bị cách chức. Mặc dù vậy, bà được lịch sử “gọi tên” khi là người phụ nữ đầu tiên lãnh đạo một quốc gia Hồi giáo trong một cuộc bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, cuộc đời đầy sóng gió của bà cũng kết thúc sau tấn thảm kịch bà bị ám sát khi đang vận động tranh cử hồi năm 2007.

Cuộc đời của chồng cố Thủ tướng Benazir Bhutto, ông Asif Ali Zardari cũng chìm nổi không kém vợ. Ông Zardari là một trong những chính trị gia gây tranh cãi khi ra tranh cử Tổng thống bởi ông đã từng ngồi tù, bị bắt vì những cáo buộc tham nhũng, ám sát... Tuy nhiên, hoạt động chính trị của ông Zardari cũng rất đáng ngưỡng mộ. Ông đã có công trong việc thu hẹp ảnh hưởng của cựu Tổng thống Musharraf một cách hòa bình, là Chủ tịch của đảng Nhân dân Pakistan (PPP)... Chính vì thế, sau khi vợ qua đời, ông đã nhận được sự ủng hộ của đa số và trở thành Tổng thống Pakistan trong giai đoạn từ năm 2008 - 2013.

Vừa là bạn đời vừa là đối thủ chính trị

Tổng thống Pháp François Hollande và bà Ségolène Royal là một cặp đôi như vậy. Ông Hollande và bà Royal mặc dù chưa từng kết hôn nhưng đã có 30 năm chung sống và có tới 4 người con chung. Mặc dù cùng là đại biểu Quốc hội 1 nhiệm kỳ, cùng là thành viên của đảng Xã hội, nhưng sự sắc sảo và tham vọng chính trị của bà Royal đã khiến bà bước lên và tiến xa hơn cả ông Hollande thời gian trước đây. Năm 2007, bà trở thành ứng viên của đảng Xã hội trong cuộc đua vào chức Tổng thống. Tuy nhiên, trong cuộc bầu cử này, ông Sarkozy đã đánh bại bà Royal để vào điện Elyssee.

Mãi đến năm 2012, ông Hollande mới bước ra ngoài, thoát khỏi vỏ bọc luôn bị cho là nhu nhược, thiếu bản lĩnh của “vợ” để trở thành đại diện đảng Xã hội ra tranh cử chức Tổng thống và đã thành công. Cuộc bầu cử Tổng thống Pháp năm 2017 đang đến gần, bà Ségolène Royal - người hiện giữ chức Bộ trưởng Môi trường đang được nhiều người ủng hộ ra tranh cử một lần nữa để trở thành ứng viên đảng Xã hội trong cuộc đua vào ghế Tổng thống.

Cặp vợ chồng dắt tay nhau đến quyền lực

Đó là cặp vợ chồng Tổng thống Nicaragua. Ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ 3, ông Daniel Ortega đã gây ngạc nhiên lớn khi đề cử chính người vợ của mình là Phó Tổng thống. Ông bà đã cùng dắt tay nhau đi vào lịch sử Nicaragua khi đắc cử Tổng thống và Phó Tổng thống trong cuộc bầu cử năm 2016.

Phu nhân Tổng thống Ortega năm nay đã 65 tuổi, bà là nhà thơ, từng có thời gian là cố vấn rồi trở thành phu nhân của ông Ortega. Bà Murillo được đánh giá rất được lòng dân, về nhiều mặt, thậm chí vượt cả uy tín của Tổng thống.


Hải Yến (Theo NYtimes, Huffingtonpost)
Ý kiến của bạn