Loạt trường có lộ trình lên đại học
Hiện nay, cả nước có 6 đại học, trong đó có 2 đại học quốc gia gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP.HCM; 4 đại học vùng, tương đương vùng thuộc Bộ GD&ĐT gồm: Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng và Đại học Bách khoa Hà Nội.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, cả nước hiện có 267 cơ sở đào tạo bậc đại học (chưa tính khối an ninh quốc phòng). Với quyết định của Thủ tướng, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị đầu tiên chuyển từ trường đại học thành đại học sau khi Luật Giáo dục đại học sửa đổi, bổ sung năm 2018 và Nghị định 99 năm 2019 có hiệu lực. Sau Đại học Bách khoa Hà Nội, hiện nhiều trường đại học lớn cũng đã có lộ trình tiến đến đại học.
Cuối năm 2021, Hội đồng trường Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội đã ban hành nghị quyết thành lập Trường Ngoại ngữ - Du lịch. Đây là trường đầu tiên được thành lập trong Trường ĐH Công nghiệp Hà Nội trên cơ sở nhập Khoa Ngoại ngữ (thành lập năm 2005) và Khoa Du lịch (thành lập năm 2000). Theo một đại diện của trường, lộ trình này được xác định là đến năm 2025.
Với Trường Đại học Kinh tế quốc dân, theo PTS.TS. Phạm Hồng Chương – hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong kế hoạch 5 năm tới, trường định hướng chiến lược để trở thành đại học. Trong cơ cấu của Đại học Kinh tế Quốc dân sẽ có ít nhất 3 trường thành viên: Trường Kinh tế, Trường Kinh doanh và Trường Khoa học công nghệ.
Tương tự, năm ngoái, Trường Đại học Cần Thơ đã ban hành đề án phấn đấu trở thành Đại học Cần Thơ gồm 4 trường: Trường Bách khoa, Trường Công nghệ thông tin và Truyền thông, Trường Kinh tế và Trường Nông nghiệp (trên cơ sở khoa nông nghiệp). Đồng thời, trường cũng thành lập Viện Công nghệ sinh học và Thực phẩm, Khoa giáo dục thể chất thuộc trường.
Trường Đại học Kinh tế TP.HCM cũng thông qua đề án tái cấu trúc nhà trường thành đại học đa ngành. Ba trường thành viên trực gồm: Trường Kinh doanh, Trường Kinh tế - Luật và Quản lý nhà nước, Trường Công nghệ và Thiết kế. Theo lộ trình, trong giai đoạn 2022 - 2025, trường sẽ trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt đề án thành lập Đại học Kinh tế TP.HCM. Tiếp theo, giai đoạn 2026 - 2030 thành lập trường Quốc tế, nâng cấp Phân hiệu Vĩnh Long thành trường đại học của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc chuyển đổi mô hình lên đại học với đa lĩnh vực có những nét nổi trội gì?
Theo TS. Lê Viết Khuyến - Phó Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng, nét nổi trội của các đại học đa lĩnh vực là bao quát được nhiều lĩnh vực đào tạo khác nhau nên cho phép huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống để giải quyết nhiệm vụ to lớn về đào tạo và nghiên cứu khoa học mà một trường đại học chuyên ngành không thể đảm đương nổi. Đồng thời tạo cơ hội cho từng giảng viên đi sâu vào chuyên môn của mình, cho phép người học được lựa chọn người thầy giỏi nhất.
Tất cả đại học đa lĩnh vực phải được tổ chức như một chỉnh thể thống nhất, đặc biệt trong lĩnh vực đào tạo, với một hệ thống quản trị 3 cấp là: Đại học, trường và khoa. Tức là theo mô hình các University của Hoa Kỳ.
TS. Lê Viết Khuyến cho biết, mô hình đại học đa lĩnh vực là mô hình phổ biến trên thế giới, đặc biệt tại Anh quốc, Hoa Kỳ, Canada, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Thái Lan... Mô hình đại học cũng cho phép nhà trường mở ra các chương trình liên ngành một cách nhanh nhất. Bởi vậy, đại học đa lĩnh vực thường được nhiều nước trên thế giới ưu tiên lựa chọn.