1. Rủi ro biến chứng có thể gặp khi hút mỡ bụng
Theo ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện, khi tiến hành hút mỡ bụng, phẫu thuật viên sẽ đưa dung dịch tumescent - một loại dung dịch làm cứng mỡ vào vùng bụng. Sau đó, sử dụng các công nghệ khác nhau như laser, sóng siêu âm, cơ học để đánh tan khối mỡ. Cuối cùng, hạt mỡ được hút ra ngoài nhờ ống hút chân không. Đây chắc chắn không thể là một quy trình đơn giản. Bởi vậy, việc thực hiện hút mỡ bụng tại các cơ sở “chui”, không được cấp phép có thể để lại những hậu quả rất nặng nề cho bệnh nhân, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
- Dị ứng thuốc gây tê, gây mê: Phẫu thuật hút mỡ thường được tiến hành dưới gây mê toàn thân, đối với một số ít trường hợp thừa mỡ khu trú thì phẫu thuật có thể tiến hành dưới gây tê vùng. Gây tê cũng tiềm ẩn các biến chứng về tim mạch, hô hấp, thần kinh làm cho người bệnh có nguy cơ tử vong nhanh chóng nếu không được xử lý kịp thời. Tiêm quá liều thuốc tê cũng có thể dẫn đến ngộ độc, sốc thuốc.
Chính vì vậy, quá trình gây mê cần được thực hiện theo quy định, bởi các bác sĩ có chuyên môn cao và nhiều kinh nghiệm để đảm bảo an toàn. Trước khi tiến hành gây mê, người bệnh cần được kiểm tra sức khỏe tổng quát, đặc biệt là xét nghiệm máu, miễn dịch, chụp X-quang tim, phổi. Để có thể tính toán chính xác lượng thuốc gây tê, gây mê sử dụng trong cuộc phẫu thuật phải là nhân viên y tế được đào tạo bài bản, nếu những người không có nghiệp vụ, nguy cơ gây ra ngộ độc rất lớn.
- Nhiễm trùng: Phẫu thuật hút mỡ bụng đòi hỏi độ vô khuẩn tuyệt đối, nếu không rất dễ nhiễm trùng lan tỏa gây hoại tử. Trường hợp bị hoại tử nặng mà không được điều trị kịp thời, có thể bị nhiễm trùng nặng, đe dọa đến tính mạng.
ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh, Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình và Thẩm mỹ, Bệnh viện Bưu Điện cảnh báo về những nguy cơ biến chứng có thể gặp khi hút mỡ bụng tại các cơ sở không an toàn.
- Tụ dịch: Tụ máu, tụ dịch sau hút mỡ là biến chứng hay gặp nhất sau hút mỡ, lượng dịch huyết thanh và máu ứ đọng trong khoang mỡ có thể gây kích ứng viêm, khi tồn đọng lâu gây nhiễm trùng.
- Tắc mạch mỡ, thuyên tắc mạch phổi: Đây là biến chứng nặng nề và nguy hiểm nhất có thể xảy ra khi thực hiện hút mỡ bụng. Thao tác hút mỡ có thể làm vỡ các mạch máu và sự di chuyển của những tế bào mỡ tự do vào trong máu có thể gây ra tắc mạch các cơ quan quan trọng như tim, phổi, não… làm người bệnh tử vong.
Ngoài ra, việc hút mỡ thô bạo có thể làm thủng hoặc ảnh hưởng các cơ quan nội tạng trong bụng hoặc gây chảy máu ra ngoài, chảy máu bên trong và cũng dẫn tới tử vong.
Bên cạnh đó, việc hút mỡ đòi hỏi bác sĩ phải có chuyên môn sâu về thẩm mỹ để tránh các biến chứng như hút mỡ không cân đối hoặc hút mỡ quá nhiều, để lại những vùng lồi lõm, bề mặt không đều, da lỏng lẻo sau mổ.
2. Lời khuyên từ chuyên gia để tránh rơi vào tình trạng “tiền mất tật mang”
Nhu cầu làm đẹp của mọi người đều rất chính đáng. Tuy nhiên, cho đến nay, không ít trường hợp tai biến nghiêm trọng đã xảy ra, thậm chí tử vong do hút mỡ. Một trong những sai lầm mà nhiều người gặp phải đó là thiếu hiểu biết, dễ dàng tin vào những lời quảng cáo “có cánh” mà quyết định thực hiện thủ thuật tại các cơ sở không đảm bảo an toàn. Đáng tiếc thay, khi các tình huống khẩn cấp xảy ra, những cơ sở này không đủ điều kiện để xử trí kịp thời, gây nguy hiểm cho tính mạng của bệnh nhân.
Do đó, trước khi quyết định thẩm mỹ, mỗi người cần trang bị những kiến thức cần thiết, sức khỏe tốt và lựa chọn những cơ sở uy tín, được Bộ Y tế cấp phép hành nghề. Nên ưu tiên các bệnh viện có chuyên khoa phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ. Thủ thuật hút mỡ bụng cần được thực hiện bởi các bác sĩ chuyên khoa, được đào tạo bài bản chuyên sâu về phẫu thuật tạo hình thẩm mỹ.
ThS. BS. Hoàng Mạnh Ninh cũng khuyến cáo những người không nên thực hiện hút mỡ bụng là người cao tuổi, phụ nữ có thai, người cho con bú, người mắc các bệnh lý tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, máu khó đông, lao phổi...
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Giảm béo cấp tốc: Nên tiêm giảm béo hay hút mỡ?