Trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập Trí Tâm đóng trên địa bàn TP Đồng Hới (Quảng Bình) là nơi học tập, vui chơi của những em nhỏ không may mắc những khiếm khuyết về trí lực và thân thể. Các cháu không may mắc chứng tự kỷ, chậm nói, tăng động giảm chú ý, chậm phát triển trí tuệ, Down, khó học, bại não... Để yêu thương và dạy dỗ những đứa trẻ đặc biệt, những người giáo viên nơi đây cũng trở nên đặc biệt.
Phóng viên Báo Sức khỏe và Đời sống (Bộ Y tế) đã có dịp tới thăm các cháu và trò chuyện cùng những người đang đêm ngày nỗ lực để giúp các cháu phát triển và hòa nhập cùng bạn bè. Trong hành trình dài cùng những đứa "con" đặc biệt, những người mẹ này đã có những câu chuyện vui buồn để chia sẻ.
Hành trình đầy nước mắt của đắng cay và hạnh phúc
Cô giáo Nguyễn Thị Búp (SN 1989) với hơn 9 năm đồng hành cùng những cháu nhỏ chuyên biệt. Hành trình nào cùng những đứa con không do mình sinh ra cũng đặc biệt và đều muốn được chia sẻ.
Cô kể từ những ngày đầu đến với trẻ chuyên biệt khi vừa tốt nghiệp ngành tâm lý giáo dục của Trường Đại học Sư phạm Huế bằng tình yêu. Nhưng mọi khởi đầu dường như chẳng dễ dàng, đặc biệt là hành trình đưa trẻ chuyên biệt phát triển và hòa nhập cùng cộng đồng.
Những trải nghiệm ban đầu dường như đã muốn cản bước cô giáo trẻ vì thực tế khác xa so với những gì sách vở miêu tả. Việc dạy những đưa trẻ bình thường đã khó, để dạy những đứa trẻ chuyên biệt với những biểu hiện, tính cách riêng lại khó hơn gấp bội.
"Trong lớp học, việc muốn trẻ lắng nghe và im lặng là một thử thách. Dù trẻ được hướng dẫn ngồi thành hàng ngay ngắn, mắt hướng lên phía trước, nhưng chỉ khoảng 5 phút là 10 em trong lớp học mỗi em quay một chỗ. Em thì khóc, em thì quay lưng ra sau, em thì cắn bạn. Thậm chí có em đánh cả thầy, cô giáo", cô Búp cho biết.
Đồng hành cùng các con, khiến những người "mẹ" đặc biệt trở nên nhẫn nại và giàu tình yêu thương hơn. Hành trình đó cũng đã có những giọt nước mắt cảm thương, đắng cay đến vỡ òa trong hạnh phúc khi nhìn thấy các con ngày một tiến bộ.
"Tôi vẫn nhớ về một học trò, ngày nhận cháu đã hơn 2 tuổi nhưng con kém xa bạn bè cùng trang lứa. Con chưa biết giao tiếp, vệ sinh cháu cũng không tự chủ mà cứ bài tiết ngay trong lớp và nhiều biểu hiện khác nữa. Có những lúc tôi đã giấu mọi người mà khóc vì thương con, thấy vất vả cho bản thân và thương cho người mẹ ruột nghèo khó của con đã hy sinh nhiều để đồng hành cùng con và cô giáo", cô Búp chia sẻ.
Sau những giọt nước mắt đó là sự nỗ lực của cô trò, cháu đã dần phát triển và trang bị những kỹ năng mà những đứa trẻ như cháu phải có. Rồi đến những giọt nước mắt vỡ òa khi cháu đã hòa nhập cùng bạn bè.
Không chỉ có những giọt nước mắt giấu kín của người mẹ thứ hai, cô Búp cùng những người giáo viên dạy trẻ đặc biệt khác vẫn luôn chứng kiến những giọt nước mắt của những phụ huynh trẻ chuyên biệt.
Mỗi người con, một giáo án riêng để phát triển
Cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Yến, Phó Giám đốc trung tâm cho biết, hiện đơn vị đang đang giảng dạy, chăm sóc cho hơn 80 trẻ. Để chăm sóc và dạy dỗ các cháu, trung tâm sử dụng chương trình giáo dục phổ thông kết hợp chương trình giáo dục chuyên biệt, được phê duyệt bởi Bộ Giáo dục và Đào tạo. Cùng với đó là các hoạt động trị liệu, bấm huyệt, xoa bóp và tập yoga cho trẻ.
Là những đứa trẻ đặc biệt, mỗi em một tình trạng, mỗi tính cách nên muốn các cháu phát triển tốt, các giáo viên cần quan sát, nhìn nhận và xây dựng giáo án riêng cho từng cháu. Một số em cần phải tăng cường hoạt động nhóm để rèn các kỹ năng như vận động, chỉnh âm, nhận biết môi trường xung quanh... Một số em phải tăng cường giáo dục cá nhân, chỉ một cô một trò để giúp các em nhanh chóng phục hồi hạn chế của mình.
"Với trẻ chuyên biệt, không thể dạy trẻ theo một giáo án cố định mà giáo viên phải linh loạt thay đổi một số bài dạy để phù hợp với tâm lý, cảm xúc của trẻ. Muốn có giáo án riêng cần cùng với trẻ chơi, học và nhìn nhận để lựa chọn những nội dung dạy trẻ", cô Yến chi sẻ.
Cùng với việc học tập kiến thức, các con được tham gia các hoạt động trị liệu, bấm huyệt, xoa bóp và tập yoga.
Cần có sự đồng hành...
Sự tiến bộ từng ngày là niềm hạnh phúc to lớn nhất của những người cô, người mẹ đặc biệt. Trong hành trình dài đó cần có sự đồng hành từ phụ huynh, học sinh, nhà trường, gia đình và xã hội.
Cô giáo Nguyễn Thị Trang Nhung (SN 1991), với 7 năm đồng hành cùng trẻ chuyên biệt nhận thấy khó khăn lớn trong việc chăm sóc và dạy trẻ là rào cản vô hình đến từ nhận thức của phụ huynh.
Ngoài việc dạy trẻ, việc làm sao để bố mẹ các em chấp nhận việc con mình phải mang căn bệnh này suốt đời cũng là một khó khăn. Do vậy, công tác tư tưởng cho các phụ huynh và sự đồng tình, hỗ trợ từ phụ huynh chiếm vai trò quan trọng, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả điều trị.
"Những giáo viên dạy trẻ chuyên biệt không sợ hành trình dài, không sợ trẻ khó, chỉ sợ phụ huynh không đồng hành. Nếu phụ huynh hiểu và cùng tham gia hỗ trợ những lúc các cháu không ở lớp cũng ảnh hưởng lớn đến quá trình phát triển và hòa nhập của các cháu", cô Nhung chia sẻ.
Sự thấu hiểu và đồng hành từ gia đình của những cô giáo dạy trẻ chuyên biệt cũng là động lực lớn để họ dành thêm tình yêu và thời gian cho các cháu.
"May mắn khi gia đình tôi và các cô giáo tại trung tâm đều hiểu và cảm thông cho công việc đặc biệt của mình. Chồng tôi đã thay tôi làm "nội tướng" khi chăm lo gần hết việc gia đình. Bố mẹ hai bên cũng hỗ trợ, động viên khi biết con mình đang làm một công việc ý nghĩa", cô Nhung và cô Búp đều vui mừng khi nhận được sự hỗ trợ lớn từ gia đình.
Cùng với đó là sự nhìn nhận của xã hội, cần hiểu hơn về hội chứng của những đứa trẻ đặc biệt để không có những đánh giá không tốt tới các cháu. Đồng thời có những hỗ trợ phù hợp giúp quá trình phát triển và hòa nhập của các cháu được thuận lợi hơn.