Thấu hiểu được những khó khăn của bậc làm cha mẹ có con mắc bệnh về tự kỷ, bại não, liệt vận động đang phải điều trị dài ngày tại Khối Nhi- Bệnh viện Châm cứu Trung ương, Phòng Công tác xã hội đã phối hợp cùng Tổ Đình Linh Ứng, chùa Thị Cấm tổ chức chương trình Talkshow "Chắp cánh ước mơ cho em 2022" mang đến những món quà tinh thần, vật chất cho trẻ trong dịp Tết Trung thu đang đến gần.
Chương trình diễn ra ngày 6/9 không chỉ mang đến những sẻ chia về kiến thức bệnh học, tâm lý học mà các chuyên gia tâm lý, công tác xã hội và những nhân vật 'người thật, việc thật' vốn bị tự kỷ, liệt vận động nay đã là sinh viên trường Luật, Trưởng phòng kinh doanh, Trưởng phòng dự án của một công ty... đã giúp cha mẹ hiểu và khắc phục những khó khăn mà bệnh nhi và gia đình bệnh nhi gặp phải.
Các chuyên gia cũng chia sẻ những kinh nghiệm trong chăm sóc con tại bệnh viện và tại gia đình; Định hướng tư vấn nghề nghiệp cho trẻ tự kỷ vị thành viên và gia đình có con bị tự kỷ; Động viên, khích lệ tinh thần, củng cố sự lạc quan, tích cực, nỗ lực điều trị cho con để con điều trị, phục hồi.
Chương trình giúp truyền động lực, niềm tin và sự lạc quan cho người làm cha làm mẹ có con đang điều trị tại Bệnh viện Châm cứu Trung ương. Đồng thời phát huy điểm mạnh để ba mẹ có thể "Chắp cánh ước mơ cho em" trong cuộc sống.
Phát biểu tại buổi Talkshow, PGS.TS Trần Văn Thanh- Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương đã chia sẻ tầm quan trọng trong công tác khám chữa bệnh cho các bệnh nhi mắc các bệnh về tự kỷ, bại não và liệt vận động.
"Bệnh viện Châm cứu Trung ương luôn dành sự quan tâm đặc biệt cho các cháu, động viên bệnh nhi và gia đình cả về vật chất lẫn tinh thần giúp các cháu sớm bình phục và trở về đoàn tụ với gia đình"- Giám đốc Bệnh viện Châm cứu Trung ương nói.
Qua chương trình, PGS.TS Trần Văn Thanh cũng chúc mừng các cháu thiếu nhi không may ốm bệnh có một mùa Trung thu hạnh phúc, đoàn viên, ấm áp và an lạc bên người thân.
Thảo luận trong tọa đàm, TS Phạm Văn Tư- Phó trưởng khoa Công tác xã hội trường Đại học Sư phạm Hà Nội nhấn mạnh, trẻ tự kỷ gặp nhiều khó khăn trong mọi lĩnh vực của cuộc sống, bao gồm việc nói chuyện, giao tiếp, ứng xử và cảm xúc. Đây cũng là nguyên nhân khiến bố mẹ trẻ và những người chăm sóc trực tiếp cho trẻ bị áp lực về tinh thần.
"Vì vậy, việc hỗ trợ trẻ tự kỷ trong bất cứ mô hình nào cũng không chỉ thiên về mặt vật chất, mà còn phải hỗ trợ tích cực về măt tâm lý cho cả trẻ và cả bố mẹ, người thân thiết cạnh trẻ."- TS Phạm Văn Tư nói.
Bạn Mai Anh - một cô gái nghị lực phi thường vượt qua bệnh bại não, khó khăn về vận động để trở thành sinh viên Đại học Luật và bạn Lê Xuân Tùng- chàng trai mắc bệnh tự kỷ đã vượt lên số phận trở thành Phụ trách dự án sách VAPs Bookstore cũng đã trải lòng, về những khó khăn mà những bạn trẻ bại não, tự kỷ gặp phải, mà khó khăn hơn hết là cái nhìn của xã hội đối với gia đình và bản thân các em. Đó vô tình là bức tường ngăn cách con đường các em hòa nhập cộng đồng.
Qua đây, hai bạn trẻ cũng động viên các em nhỏ bệnh nhi và phụ huynh bằng những câu nói đầy sự lạc quan như: "Các em hãy tự tin lên"; "Rồi các em phải đọc sách nhiều nha", "Các bố, các mẹ hãy cố gắng lên "… khiến cả hội trường không khỏi xúc động.
Cũng trong buổi talkshow, mỗi bệnh nhi được nhận 300 nghìn đồng tiền mặt, gấu bông và bánh kẹo... các cháu có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được tặng 1 triệu đồng cùng đồ chơi và bánh kẹo. Đây cũng là một trong chuỗi các hoạt động chào mừng Tết Trung thu do Tổ Đình Linh Ứng, chùa Thị Cấm tài trợ cho bệnh nhi đang điều trị tại Bệnh viện Châm cứu TW.