Hà Nội

Trẻ mắc bệnh tự kỷ - Những lời khuyên dành cho cha mẹ

24-08-2022 09:58 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Số trẻ em mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng lên. Một trong những lý do khiến việc điều trị còn khó khăn là bởi chưa có nhiều cha mẹ thực sự hiểu về căn bệnh này.

Bệnh tự kỷ có chữa khỏi được không?Bệnh tự kỷ có chữa khỏi được không?

SKĐS - Chị gái tôi sinh cháu được hơn 2 năm nhưng bé có biểu hiện chậm nói, không chú ý đến các phản xạ, đi khám các bác sĩ chẩn đoán bé bị tự kỷ.

1. Nguyên nhân dẫn đến bệnh tự kỷ ở trẻ em

Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển, đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt giao tiếp ngôn ngữ/phi ngôn ngữ; quan hệ xã hội và hành vi, sở thích.

Hiện nay, những nguyên nhân gây ra tự kỷ vẫn chưa được các chuyên gia xác định rõ. Tuy nhiên, đã có nhiều bằng chứng cho thấy bệnh tự kỷ là hậu quả của nhiều yếu tố tác động khác nhau như:

- Di truyền: Ở những gia đình có bố, mẹ hoặc người thân mắc chứng tự kỷ, có khiếm khuyết xã hội nhẹ (hành vi lặp đi lặp lại, gặp vấn đề về giao tiếp…) hay rối loạn cảm xúc (như trầm cảm) thì khả năng trẻ sinh ra bị tự kỷ cao hơn. Nếu như trong gia đình có trẻ bị tự kỷ, thì có đến 5 - 20% khả năng đứa trẻ khác sinh ra cũng bị tự kỷ.

- Gen bất thường: Một nhóm nghiên cứu đã tìm thấy mối liên hệ giữa một gen bất thường và chứng tự kỷ. Gen bị lỗi làm cho một người dễ mắc tự kỷ hơn khi có mặt các yếu tố khác như virus, mất cân bằng hóa học, hóa chất.

Trẻ mắc bệnh tự kỷ: Những lời khuyên dành cho cha mẹ - Ảnh 2.

Tự kỷ là một chứng rối loạn phát triển, đặc trưng bởi khiếm khuyết về mặt giao tiếp ngôn ngữ.

2. Nguy cơ nào khiến trẻ mắc bệnh tự kỷ?

Các nhà nghiên cứu cho rằng có nhiều yếu tố, trong đó tuổi và khoảng cách tuổi của cha mẹ được nhắc đến nhiều.

Một nghiên cứu cho kết quả, nếu người cha trên 50 tuổi thì trẻ sinh ra có khả năng bị tử kỷ cao hơn 66% so với người cha ở độ tuổi 20. Người mẹ trên 40 tuổi hoặc tuổi teen thì con sinh ra cũng dễ bị tự kỷ hơn với tỷ lệ lần lượt là 15%, 18%. Hay khi khoảng cách tuổi giữa cha mẹ > 10 tuổi thì cũng làm tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ.

Ngoài ra, yếu tố người mẹ mắc phải một số bệnh lý khi mang thai như: Mẹ nhiễm virus Rubella trong khi mang thai thì có khoảng 7% con sinh ra bị tự kỷ. Hoặc một nghiên cứu cho thấy, nếu phụ nữ mang thai bị sốt trong 3 tháng giữa thai kỳ sẽ làm tăng nguy cơ trẻ sinh ra bị tử kỷ gấp 40% so với bình thường.

Người mẹ mắc một số loại bệnh trong khi mang thai, gây ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ ở trẻ như: Bệnh về tuyến giáp gây thiếu hụt Tyroxin, bệnh tiểu đường, thiếu axid folic hay béo phì.

Ngoài ra, các nhà khoa học còn cho rằng phơi nhiễm với môi trường, không khí ô nhiễm; Môi trường gia đình như: Trẻ ít có cơ hội tiếp xúc với cha mẹ, bạn bè cùng trang lứa, trẻ xem ti vi quá nhiều… cũng là yếu tố nguy cơ dẫn đến trẻ mắc tự kỷ.

3. Nhận biết trẻ bị tự kỷ

Để nhận biết chính xác trẻ mắc tự kỷ hay không, cần có nhiều đánh giá từ các bác sĩ chuyên khoa. Tuy nhiên, những biểu hiện sau của trẻ có thể là biểu hiện của bệnh:

  • Không biết nhìn theo hướng chỉ tay của người lớn vào một vật, thường chỉ nhìn vào bàn tay của người chỉ.
  • Không trả lời, không có phản ứng khi có người gọi tên mình.
  • Không biết bắt chước.
  • Chậm phát âm, phát âm những tiếng kỳ lạ, không đúng với tình huống
  • Có sở thích kỳ lạ, thích các món đồ bình thường: Bao giấy, đồng xu, sợi dây…
  • Có một số hành vi lặp đi lặp lại (thích sắp xếp các vật dụng theo một thứ tự nhất định)
  • Không có khả năng chơi đùa với các bạn cùng lứa.
  • Thường xuyên kích động, lăng xăng, khó ở yên một chỗ.
  • Thường thức rất khuya, khó ngủ, ngủ không yên giấc.
  • Không bộc lộ những cảm xúc vui, buồn một cách rõ ràng.
  • Rất ghét sự tiếp xúc, đụng chạm của người khác đến người của mình hoặc ngược lại, quá gắn bó, đeo bám.
  • Hay có những cơn giận dữ, kích động quá mức mà không kềm chế được.
  • Thờ ơ trước mọi tình huống, ít bộc lộ cảm xúc.
  • Thiếu ý thức về thời gian.

Đây là những dấu hiệu tự kỷ ở trẻ trên 3 tuổi. Khi có ít nhất 2/3 các dấu hiệu này kéo dài trên 6 tháng, cần đưa trẻ đến với chuyên gia tâm lý để được thăm khám và hỗ trợ tốt nhất.

Với những trẻ dưới 3 tuổi, biểu hiện quan trọng cần chú ý là: Không có khả năng giao tiếp bằng mắt, thờ ơ với mọi người, không biết chơi đồ chơi và chậm phát âm.

Trẻ mắc bệnh tự kỷ: Những lời khuyên dành cho cha mẹ - Ảnh 4.

Để nhận biết chính xác trẻ mắc tự kỷ hay không, cần có nhiều đánh giá từ các bác sĩ chuyên khoa.

4. Phát hiện, điều trị sớm bệnh tự kỷ, thành công cao

Nhiều nghiên cứu cho rằng, việc can thiệp sớm trong môi trường giáo dục thích hợp ít nhất 2 năm trước khi đi học có thể cải thiện đáng kể tình trạng tự kỷ ở trẻ. Và việc phát hiện điều trị sớm, khi bệnh nhi còn nhỏ tuổi càng tốt.

Các phương pháp điều trị

Khi khoa học chưa tìm ra nguyên nhân tự kỷ, đồng thời cũng chưa đưa ra phương pháp trị liệu duy nhất, thì các phương pháp sau là những phương pháp tổng hợp hữu ích khi tiến hành can thiệp cho trẻ tự kỷ. Mỗi một trẻ tự kỷ khác nhau sẽ được tiến hành các phương pháp khác nhau. Do đó, việc xây dựng chiến lược trị liệu cho từng trẻ tự kỷ là điều quan trọng.

Chương trình can thiệp sớm cho trẻ trước 5 tuổi: Bao gồm dạy trẻ và tư vấn cho gia đình. Giáo dục, huấn luyện và trợ giúp cho cha mẹ cần được tiến hành thường xuyên. Trẻ tự kỷ vẫn cần được hỗ trợ về giáo dục, thậm chí cả khi ngôn ngữ phát triển gần như bình thường.

Dạy trẻ tại nhà theo chương trình cá biệt hóa, cung cấp cho trẻ thông tin thị giác, cấu trúc và dự đoán. Hệ thống giao tiếp bằng trao đổi tranh (PECS - Picture Exchanged Communication System) được áp dụng nhằm làm cho trẻ hiểu các bước của công việc, hiểu lịch trình, thể hiện nhu cầu và tăng khả năng tương tác.

Những trẻ lớn và trẻ vị thành niên với trí tuệ khá cao, nhưng kỹ năng xã hội nghèo nàn và có một số triệu chứng tâm thần như trầm cảm, lo âu, rối loạn ám ảnh nghi thức… cần được điều trị tâm lý, hành vi nhận thức bằng thuốc.

Huấn luyện các kỹ năng xã hội có hiệu quả đặc biệt trong điều trị nhóm.

Tóm lại: Hiện không có thuốc đặc hiệu điều trị tự kỷ, mà chỉ dùng thuốc điều trị một số triệu chứng kèm theo. Một số thuốc an thần có tác động làm giảm hành vi tăng động, cơn hờn giận, hung tính, tự gây thương tích, hành vi định hình, rối loạn ám ảnh nghi thức.

Vì vậy, khi trẻ có biểu hiện nghi ngờ, cha mẹ cần đưa trẻ đến cơ sở y tế có chuyên khoa nhi, tâm lý thần kinh để được thăm khám. Tuyệt đối không điều trị theo mách bảo, sẽ dẫn đến tình trạng nghiêm trọng hơn về sức khỏe, tinh thần của trẻ.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân-


BS Hoàng Đại
Ý kiến của bạn