Việc đầu tiên cần làm khi cha mẹ nghi ngờ con tự kỷ

03-09-2022 15:08 | Bệnh trẻ em
google news

SKĐS - Gần đây, số trẻ mắc bệnh tự kỷ, chậm nói ngày càng phổ biến, điều này khiến trẻ gặp khó khăn khi đến tuổi đi học. Từ đó, gây lo lắng cho cha mẹ và không ít thắc mắc tại sao trẻ mắc phải rối loạn này. Vậy, đối tượng nào dễ mắc bệnh tự kỷ, vai trò của người thân trong việc điều trị bệnh là gì?

Trẻ mắc bệnh tự kỷ - Những lời khuyên dành cho cha mẹTrẻ mắc bệnh tự kỷ - Những lời khuyên dành cho cha mẹ

SKĐS - Số trẻ em mắc bệnh tự kỷ ngày càng tăng lên. Một trong những lý do khiến việc điều trị còn khó khăn là bởi chưa có nhiều cha mẹ thực sự hiểu về căn bệnh này.

1. Trẻ mắc bệnh tự kỷ do đâu?

Tự kỷ ở trẻ do nhiều nguyên nhân. Trong đó phải kể đến một số nguyên nhân phổ biến sau:

- Tổn thương não hoặc não bộ kém phát triển

  • Trẻ sinh non tháng dưới 37 tuần, cân nặng khi sinh dưới 2.500g. 
  • Ngạt hoặc thiếu oxy não khi sinh. 
  • Chấn thương sọ não do can thiệp sản khoa. 
  • Vàng da nhân não sơ sinh. 
  • Chảy máu não - màng não sơ sinh. 
  • Nhiễm khuẩn thần kinh như viêm não, viêm màng não
  • Thiếu oxy não do suy hô hấp nặng. 
  • Nhiễm độc thủy ngân.

- Yếu tố di truyền:

Di truyền là nguyên nhân hàng đầu gây tự kỷ ở trẻ. Một số biểu hiện của bệnh tự kỷ được cho là do nhóm gen quy định. Vì thế, trong gia đình có người bị tự kỷ thì nguy cơ trẻ bị tự kỷ sẽ cao hơn những trẻ khác.

- Yếu tố môi trường phát triển

Nhiều trường hợp trẻ sinh ra bình thường, khỏe mạnh, nhưng trong quá trình lớn lên thiếu vắng sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ, có thể khiến trẻ cảm thấy cô độc. Tình trạng này diễn ra trong thời gian dài là nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ.

- Do quá trình mang thai

Khi mang thai, nếu mẹ mắc phải một số bệnh do virus gây nên như cảm cúm, sởi hoặc bị nhiễm độc thai nghén... có thể ảnh hưởng đến thần kinh thai nhi, đây là nguyên nhân khiến trẻ bị tự kỷ sau khi sinh ra.

Bên cạnh đó, mẹ bị đái tháo đường thai kỳ cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh lý này. Theo nhiều nghiên cứu, mẹ bị đái tháo đường thai kỳ thì em bé khi sinh ra có tỷ lệ bị tự kỷ cao hơn 2 lần so với những người mẹ không mắc bệnh này.

Trong quá trình mang thai, mẹ bầu thường xuyên sử dụng chất kích thích, thuốc an thần, thuốc điều trị bệnh tá tràng, dạ dày cũng ảnh hưởng đến em bé. Ngoài ra, sự thiếu hụt Tyroxin trong tuyến giáp của mẹ, đặc biệt là giai đoạn mang thai tháng thứ 2 đến tháng thứ 3, sẽ dẫn đến sự thay đổi trong não của thai nhi, tăng nguy cơ trẻ bị tự kỷ sau khi chào đời.

Nguy cơ nào dẫn đến tự kỷ ở trẻ và sự quan tâm của người thân trong điều trị bệnh - Ảnh 2.

Khi nghi ngờ trẻ mắc bệnh tự kỷ, các bậc cha mẹ cần tìm đến các bác sĩ chuyên gia để được tư vấn.

2. Vai trò của người thân trong việc điều trị tự kỷ ở trẻ

Nghi ngờ trẻ mắc bệnh tự kỷ, việc đầu tiên các bậc cha mẹ cần tìm đến các bác sĩ chuyên gia để được tư vấn. Việc khám chữa bệnh tự kỷ cho trẻ một cách nhanh chóng sẽ giúp hoạt động của trẻ sau này trở nên tốt hơn và phát triển hơn.

Tùy từng mức độ, tình trạng của bệnh mà mỗi bác sĩ sẽ đưa ra những phác đồ điều trị khác nhau, bao gồm cả điều trị bằng thuốc và tâm lý học. Nhưng có lẽ phương pháp chữa trị tốt nhất để cải thiện tình trạng của trẻ là sự quan tâm, chăm sóc đặc biệt của cha mẹ, gia đình và người thân. Sự quan tâm, chăm sóc không chỉ thể hiện bằng tình yêu mà còn là sự kiên trì, nhẫn nại, bền bỉ. Gia đình đồng hành cùng trẻ vượt qua những thử thách khó khăn, để trẻ có thể hòa nhập được với các bạn.

Người thân, gia đình phải luôn theo dõi tình trạng, hành vi của trẻ. Thường xuyên trao đổi với bác sĩ, chuyên gia tâm lý trẻ em, giáo viên của trẻ về những chuyển biến trong hành vi tiếp cận, giao tiếp của trẻ, để có những thay đổi phù hợp với lộ trình điều trị bệnh tự kỷ của trẻ.

Phương pháp thường áp dụng để chữa tự kỷ ở trẻ là giáo dục can thiệp. Việc điều trị thường được thực hiện kết hợp xuyên suốt ở nhà và ở trường học một cách chặt chẽ, khoa học, theo hướng dẫn của các chuyên gia. Giúp trẻ cải thiện kỹ năng xã hội. Xây dựng môi trường sống tích cực. Xây dựng phương pháp can thiệp dựa vào thị giác hoặc các học thuyết nhận thức, hành vi…

3. Phòng ngừa tự kỷ ở trẻ em

‎- Khám thai thường quy có thể phát hiện sớm các bệnh lý của bà mẹ và tình trạng bất thường của thai gây tổn thương não của trẻ.

‎- Nâng cao chất lượng cấp cứu trẻ sơ sinh tại các cơ sở y tế xã, huyện, tỉnh, là biện pháp tích cực nhất nhằm giảm thiểu tỷ lệ trẻ tổn thương não.

‎- Khám sức khỏe thường quy cho trẻ hàng quý trong 24 tháng đầu đời, đặc biệt trẻ sơ sinh có nguy cơ cao, có thể phát hiện sớm các rối loạn phát triển, trong đó có tự kỷ.

‎- Muốn chăm sóc và giúp trẻ phát triển, tránh mắc bệnh, cần hiểu rõ về bệnh tự kỷ - nguyên nhân trẻ tự kỷ và cách phòng tránh. Từ đó, có chế độ chăm sóc trẻ tốt, phòng tránh bệnh tự kỷ.

Tóm lại: Rối loạn tự kỷ là một trong những tình trạng ngày càng trở nên phổ biến hiện nay, đặc biệt là ở trẻ em. Các dấu hiệu của bệnh thường xuất hiện rõ nét khi trẻ khoảng 2 - 3 tuổi, diễn biến khi trẻ lớn lên thường đi học muộn, ít hòa nhập với bạn bè, khó khăn ngôn ngữ giao tiếp, không hiểu nghĩa bóng của từ ngữ, khó khăn về học tập, nhất là những môn xã hội.

Vì vậy, việc phát hiện bệnh sớm là yếu tố cực kỳ quan trọng, giúp việc điều trị trở trên dễ dàng và hiệu quả hơn. Vì tương lai và hạnh phúc của những người bị rối loạn tự kỷ, nhất là đối với trẻ em, người thân hãy đưa trẻ đến khám khi có dấu hiệu của bệnh, để có phương pháp điều trị tốt nhất và quá trình điều trị diễn ra hiệu quả và kịp thời nhất.

Mời độc giả xem thêm video:

Một ngày bạn nên ăn bao nhiêu hộp sữa chua để không bị tăng cân?



BS. Hoàng Đại
Ý kiến của bạn