Bật dậy, Y Ngọc tất tả chạy đến nhà sản phụ ngay trong đêm, chứng kiến cảnh người phụ nữ ấy một mình trong căn nhà hoang vắng ôm chiếc bụng bầu đau đớn, vật vã, chị đã túc trực suốt đêm theo dõi mọi diễn biến của quá trình chuyển dạ và “hộ tống” sản phụ đến trạm y tế (TYT) xã sinh con thành công.

Đây chỉ là một trong số rất nhiều ca sinh đẻ có sự hỗ trợ của cô đỡ thôn bản (CĐTB) Y Ngọc giúp mẹ tròn con vuông. Sau 6 tháng được đào tạo tay nghề thành thục tại BV Từ Dũ, rồi đi học các khóa đào tạo nâng cao do Bộ Y tế tổ chức, Y Ngọc trở thành CĐTB gắn bó với bà con Xê đăng, xã Đắk Sao - nơi cách xa Trung tâm huyện 33km, đường sá đi lại rất gập ghềnh, hiểm trở.

Cô đỡ Y Ngọc (trái) đến tư vấn nuôi con bằng sữa mẹ cho sản phụ mới sinh.

Đến nay, Y Ngọc đã có thâm niên gần 10 năm làm CĐTB, đó cũng là khoảng thời gian chị lặn lội đến từng nhà tư vấn, chăm sóc sức khỏe, dinh dưỡng khi bà mẹ mang thai, khuyên bà con đến TYT đẻ, phát hiện và chuyển tuyến các trường hợp thai nghén có nguy cơ.

Chính vì vậy, những hủ tục nơi "rừng thiêng nước độc" như cúng bái, đẻ ngồi tại nhà, không cho trẻ bú hoàn toàn 6 tháng đầu, cho trẻ ăn sớm... đã dần được đẩy lùi, thay vào đó là những kiến thức chăm sóc sức khỏe (CSSK) sinh sản khoa học.

Những hủ tục nơi "rừng thiêng nước độc" như cúng bái, đẻ ngồi tại nhà, không cho trẻ bú hoàn toàn 6 tháng đầu, cho trẻ ăn sớm... đã dần được đẩy lùi nhờ những cô đỡ như Y Ngọc.

 

Mỗi năm, Y Ngọc đỡ đẻ tại nhà an toàn cho khoảng 10 bà mẹ khi chuyển dạ không đến hoặc không kịp đến TYT để sinh đẻ. Những năm gần đây, do được tư vấn nên nhiều bà mẹ đã đến đẻ ở TYT xã nhưng vẫn yêu cầu cô đỡ lên TYT tham gia đỡ đẻ nên hàng năm cô vẫn tham gia đỡ cho 2-4 bà mẹ đẻ tại trạm. Trong quá trình theo dõi chuyển dạ, Y Ngọc cũng phát hiện các bất thường, xử trí và chuyển tuyến kịp thời nên không có trường hợp tai biến nào xảy ra cho bà mẹ và sơ sinh.

Theo Nữ hộ sinh Hoàng Thái Lan - TYT xã Đắk Sao, cả xã có 10 thôn, địa bàn khá rộng và cách xa nhau. Tuy nhận thức của bà con đã tiến bộ hơn trước nhưng vẫn có những trường hợp sinh con tại nhà hoặc chỉ chịu đến TYT khi có cô đỡ đi cùng và chỉ cho CĐTB đỡ đẻ tại trạm.

Không chỉ tư vấn đỡ đẻ, các CĐTB còn thực hiện nhiều hoạt động CSSK cho nhân dân trên địa bàn như tiêm chủng mở rộng, phòng chống suy dinh dưỡng, tổ chức chiến dịch uống vitamin A cho trẻ em… hướng dẫn phụ nữ mang thai cách chăm sóc bản thân, tiêm phòng uốn ván đầy đủ, chăm sóc trẻ em sau sinh...

Hơ Ren với bộ dụng cụ y tế trên tay đến tư vấn cho các bà mẹ mang thai và sau sinh trong thôn Đắng Ó. Nhiều ca sinh khó ở xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai được Hơ Ren phát hiện và chuyển tuyến kịp thời, tránh nguy hiểm tính mạng.

Dù kiêm nhiệm nhiều việc trong điều kiện thiếu thốn đủ bề nhưng hiện cả xã có 7 cô đỡ thì mới chỉ có 2 cô đỡ được hưởng phụ cấp, còn lại 5 cô đỡ thực sự là "vì thương dân bản khó khăn mà đến", không có chế độ gì.

Tại làng Đắng Ó, xã Kon Chiêng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai, Hơ Ren còn trẻ tuổi nhưng đã có 6 năm làm CĐTB. Hơ Ren chia sẻ, do địa bàn xã cách trở nên việc tuyên truyền đến bà con rất khó khăn, song bất kể trời mưa trời nắng, đêm hôm khuya khoắt, chị vẫn băng rừng đến với bà con.

“Chúng em thương dân bản khó khăn, muốn chăm sóc cho họ, nhất là việc sinh đẻ của chị em” – Cô đỡ Hơ Ren chia sẻ.

Có những ca sinh khó, cách nhà đến 15 cây số, nhưng hễ dân bản gọi là Hơ Ren tức tốc lên đường ngay.

Ký ức đáng nhớ nhất với Hơ Ren có lẽ là ca sinh lúc 1 giờ đêm, chị phải đi xe máy và mang theo con nhỏ mới 6 tháng tuổi để đến đỡ đẻ tại nhà.

Dù chưa có một chế độ phụ cấp gì, nhưng Hơ Ren vẫn tự nguyện giúp đỡ bà con và mong muốn những cố gắng của mình sẽ được người dân ở đây thấu hiểu, biết chăm sóc bản thân và trẻ sau sinh tốt hơn.

Gỡ “nút thắt” cho bài toán sinh con tại nhà

Ông Đào Duy Khánh – Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho biết, mặc dù đã giảm đáng kể tỉ lệ tử vong mẹ, tử vong sau sinh, tử vong ở trẻ dưới 5 tuổi nhưng ở một số vùng đồng bào dân tộc thiểu số (như Ba na, Xê đăng…), việc sinh con tại nhà vẫn diễn ra phổ biến, có vùng đến 60-70% đẻ tại nhà.

Thống kê của ngành y tế tỉnh Kon Tum cũng cho thấy, mỗi năm có gần 1.000 trường hợp sinh con tại nhà không có CBYT chăm sóc trong quá trình đẻ cũng như sau đẻ. Đáng chú ý là trong năm 2018 đã xảy ra 2 trường hợp tử vong mẹ liên quan đến sinh đẻ tại nhà mà không có CBYT đỡ. Đây thực sự là con số rất nhức nhối.

Mổ xẻ nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, ông Khánh cho rằng, lý do cốt yếu là do phong tục tập quán lạc hậu ở một số nơi, họ muốn đẻ tại chính ngôi nhà của mình mà không đến cơ sở y tế. Mặc dù đội ngũ y tế thôn bản, CĐTB có tư vấn, vận động bà mẹ và gia đình nên đưa đến sinh tại TYT nhưng sự chuyển biến trong nhận thức vẫn còn hạn chế.

Một bà mẹ cho con đến tiêm chủng tại TYT xã Đắk Sao.

Luôn ưu tiên vấn đề CSSK bà mẹ, trẻ em vùng sâu vùng xa, tỉnh Kon Tum đã đào tạo gần 200 CĐTB – đây được coi là “cánh tay nối dài” của ngành y tế trong CSSK bà mẹ, trẻ em, CSSK ban đầu cho đồng bào dân tộc thiểu số. Song thực tế hiện nay số CĐTB làm việc và được hưởng chế độ phụ cấp chỉ có 63 cô đỡ; còn lại khoảng 102 CĐTB chủ yếu làm bằng lòng nhiệt tình, yêu nghề mà không có chế độ gì. Trước đây, theo Dự án của EU, mỗi CĐTB được phụ cấp 0,3 mức lương cơ sở nhưng đến hết năm 2016, Dự án kết thúc, các CĐTB không còn phụ cấp.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Kon Tum cho rằng, điều này cũng góp phần không nhỏ vào việc các CĐTB không phát huy hết vai trò của mình, có một số CĐTB đã được đào tạo nhưng phải đi làm việc khác kiếm sống. Chính vì vậy, nhiều ý kiến đề xuất về lâu dài cần có chính sách hỗ trợ cho các CĐTB ở vùng khó khăn, nơi vẫn có tỉ lệ đẻ tại nhà cao.

BS. Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế) cho biết, theo quy định hiện hành, kinh phí để duy trì đội ngũ CĐTB chủ yếu dựa vào nguồn ngân sách địa phương. Trong khi đó, hầu hết các địa phương có CĐTB hoạt động đều là những tỉnh miền núi, còn nghèo, chưa có đủ khả năng tự cân đối ngân sách. Đến nay mới chỉ có 4 tỉnh có chính sách chi trả phụ cấp cho CĐTB (gồm Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu, Ninh Thuận).

BS. Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế).

Hiện còn rất nhiều tỉnh chưa thực hiện được chế độ phụ cấp cho CĐTB, dẫn đến tình trạng các CĐTB nghỉ việc hoặc hoạt động cầm chừng. Các khóa đào tạo mới để phát triển đội ngũ CĐTB đòi hỏi kinh phí tốn kém do thời gian kéo dài ít nhất 6 tháng và mỗi khóa học phải hạn chế số học viên để đảm bảo chất lượng đào tạo; trong khi đó, nguồn kinh phí trung ương và nguồn viện trợ quốc tế đã và đang bị cắt giảm nghiêm trọng trong thời gian gần đây.

"Những cô đỡ thôn bản chính là “cánh tay nối dài” của ngành y tế trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho bà mẹ, trẻ em và đồng bào dân tộc thiểu số”- BS. Đinh Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em (Bộ Y tế)

Để tháo gỡ khó khăn trong việc duy trì, củng cố và phát triển đội ngũ CĐTB, Bộ Y tế đang chuẩn bị triển khai dự án hỗ trợ y tế thôn bản những vùng khó khăn. Theo Phó Vụ trưởng Đinh Anh Tuấn, dự án này ngoài đào tạo mới, đào tạo cập nhật cho CĐTB thì sẽ hỗ trợ kinh phí cho các CĐTB thực hiện các nhiệm vụ chính của mình.

Ví dụ: CĐTB thực hiện khám thai đủ 3 lần cho bà mẹ trong thai kỳ thì sẽ được hỗ trợ 300.000 đồng; vận động được một bà mẹ đến đẻ ở cơ sở y tế thì được hỗ trợ 250.000 đồng; phát hiện một trường hợp bà mẹ hoặc trẻ sơ sinh có dấu hiệu nguy hiểm chuyển tuyến kịp thời sẽ được hỗ trợ 200.000 đồng; thực hiện chăm sóc bà mẹ, trẻ sơ sinh sau đẻ tại nhà đủ 3 lần trong 42 ngày đầu sau đẻ cũng được hỗ trợ 300.000 đồng…

Dự kiến, dự án này sẽ được triển khai từ đầu năm 2020. Theo đánh giá của các chuyên gia, cách tiếp cận này sẽ rất thiết thực và hiệu quả giúp CĐTB thực hiện đúng và đầy đủ các nhiệm vụ của mình; đồng thời giúp họ vơi bớt khó khăn trong đời sống hàng ngày khi họ vẫn thực hiện đầy đủ nhiệm vụ nhưng chưa được hưởng phụ cấp từ nguồn ngân sách của địa phương.

Những đứa trẻ vui đùa ở bản làng Tây Nguyên.

Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn