Hà Nội

Cô đỡ thôn bản xóa hủ tục lạc hậu

27-04-2013 09:00 | Tin nóng y tế
google news

Năm 1997, bắt nguồn từ sáng kiến của GS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản được triển khai.

Năm 1997, bắt nguồn từ sáng kiến của GS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng - Bệnh viện Từ Dũ TP.Hồ Chí Minh, chương trình đào tạo cô đỡ thôn bản được triển khai. Đến nay, đã có hơn 1.300 cô đỡ thôn bản được các chương trình, dự án khác nhau đào tạo. Hiện có khoảng 80% số này đang làm việc và có những đóng góp không nhỏ vào công tác chăm sóc bà mẹ, trẻ em, làm giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng.

“Bà đỡ” của đồng bào vùng sâu, vùng xa

Chị Chamaléa Thị Thuế, 31 tuổi, gắn bó với vai trò cô đỡ thôn bản của đồng bào Raglai ở thôn Rã Trên, xã Phước Trung, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận gần 5 năm nay. Thôn của chị có 145 hộ, địa bàn rộng, chị thường phải đi xa, trèo đèo lội suối để thăm khám sức khỏe cho chị em phụ nữ mang thai vào các buổi chiều, bởi họ chỉ có nhà vào thời gian từ 6 - 7 giờ tối. Là người dân tộc Raglai, chị Thuế đã tham gia đào tạo 9 tháng tại Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh rồi trở về làm cô đỡ thôn bản tại xã Phước Trung. Qua 4 năm 4 tháng, chị Thuế đã khám thai, đỡ đẻ tại nhà và tại trạm y tế, chăm sóc sau sinh cho 611 phụ nữ. Bản thân chị đã đỡ cho 23 ca sinh tại nhà. Chị Thuế tâm sự, là người địa phương, điều thuận lợi nhất là hiểu được phong tục, tập quán sinh đẻ và tuyên truyền bằng tiếng Raglai, qua đó bà con và chị em phụ nữ hiểu lợi ích của việc khám thai đầy đủ trong thai kỳ và đến sinh con tại trạm y tế.

Gặp chị Sùng Thị Kía, dân tộc Mông, 21 tuổi, là cô đỡ thôn bản của Trạm y tế xã Phố Cáo, huyện Đồng Văn, Hà Giang. Chị Kía cho biết, từ năm 2010, Kía tham gia chăm sóc sức khỏe cho các chị ở bản mình. Trước đó, chị được đào tạo 18 tháng tại BVĐK tỉnh Hà Giang. Công việc hằng ngày của chị khá vất vả, sáng đi làm nương, chiều trèo đèo dốc đi khám cho các bà mẹ. Trong thời gian làm việc, chị đã vận động 25 phụ nữ có thai sinh con tại trạm y tế, từng tự tay đỡ đẻ cho 10 chị em.

Trao đổi với phóng vên, Phó Giám đốc Sở Y tế Ninh Thuận - Trương Văn Thọ cho biết, từ năm 2006, tỉnh đã gửi đào tạo 45 cô đỡ thôn bản tại Bệnh viện Từ Dũ, TP. Hồ Chí Minh. Học xong, họ về địa phương tham gia công tác chăm sóc sức khỏe cho bà mẹ, trẻ em. Ban đầu, các chị gặp nhiều khó khăn do không nhận được sự giúp đỡ của chính quyền, cán bộ y tế địa phương, người dân chưa thật sự tin tưởng. Vượt qua những rào cản, hiện có, 64 cô đỡ thôn bản đang làm việc ở Ninh Thuận. Điều thuận lợi là các cô rất yêu nghề, làm việc tích cực, trong quá trình đỡ đẻ và chuyển tuyến chưa để xảy ra sai sót hoặc tai biến, được các già làng và nhân dân trong vùng tín nhiệm.

Cô đỡ thôn bản xóa hủ tục lạc hậu 1
 Cô đỡ thôn bản hướng dẫn bà mẹ chăm sóc trẻ sơ sinh.

Y tế đến gần dân

Năm 1998, Bệnh viện Từ Dũ bắt tay vào đào tạo thí điểm cho hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước, sau đó phát triển thành chương trình “Đào tạo 500 cô đỡ thôn bản người dân tộc thiểu số”. Thời gian đào tạo kéo dài 6 tháng với các nội dung như: chăm sóc trước, trong và sau đẻ, chăm sóc trẻ sơ sinh, tư vấn kế hoạch hóa gia đình, giáo dục giới tính về chăm sóc sức khỏe ban đầu và các nội dung khác. Bên cạnh đó, hỗ trợ các chị vận động phụ nữ khám thai và đỡ đẻ tại cơ sở y tế, nếu không thuyết phục được đồng bào thì khám thai và đỡ đẻ tại nhà. Phương pháp đào tạo chính là cầm tay chỉ việc, tập trung đào tạo kỹ năng thực hành.

Hoạt động của cô đỡ thôn bản nhận được sự đánh giá cao và ủng hộ của các già làng, trưởng bản và cơ quan địa phương các cấp. Cộng đồng chấp nhận các dịch vụ do họ thực hiện. Các thai phụ có nguy cơ được phát hiện sớm và chuyển tuyến kịp thời. Đặc biệt, chưa xảy ra tai biến trầm trọng nào đối với những ca có sự hỗ trợ của cô đỡ thôn bản.

GS.TS. Nguyễn Thị Ngọc Phượng, “bà đỡ” của chương trình đánh giá cao sự ra đời của Thông tư 07/2013 của Bộ Y tế, chính thức có hiệu lực vào ngày 1/5, bởi theo bà, sau hơn 15 năm, các cô đỡ thôn bản đã đóng góp nhiều cho xã hội nay đã được chính thức công nhận. Văn bản tạo chính sách hỗ trợ tốt cho phụ nữ dân tộc ít người nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số nói chung. Các địa phương cần chuẩn bị chương trình đào tạo, bổ sung kiến thức cho đối tượng này, đáp ứng nhu cầu chuẩn hóa, thu hút thêm nhiều cô đỡ thôn bản có thể trở lại với công việc. Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến, Thông tư 07/2013/TT-BYT ra đời chính thức đưa cô đỡ thôn bản là một chức danh trong hệ thống y tế Việt Nam, là một loại hình của nhân viên y tế thôn, bản được hưởng phụ cấp theo Quyết định số 75/2009/QĐ-TTg ngày 11/5/2009 của Thủ tướng Chính phủ.

Vai trò của cô đỡ thôn bản đối với vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn là không thể phủ nhận đã góp phần làm giảm tỷ lệ tử vong mẹ và tử vong trẻ sơ sinh, giảm tai biến sản khoa tại cộng đồng. Trong những năm qua, đội ngũ này đã có đóng góp tích cực vào việc xóa bỏ rào cản văn hóa và ngôn ngữ giữa người cung cấp dịch vụ và người dân; góp phần tăng cường tính sẵn có của dịch vụ làm mẹ an toàn, giảm sự bất bình đẳng của người dân trong tiếp cận dịch vụ y tế, đóng góp vào việc giảm tử vong mẹ và tử vong sơ sinh tại các vùng miền núi khó khăn của Việt Nam.    

Mai Hoàng


Ý kiến của bạn