Từ cô đỡ thôn bản đến... thuận tự nhiên

24-03-2018 08:48 | Xã hội
google news

SKĐS - Tây Nguyên những năm 70 và 80 của thế kỷ trước, trong các báo cáo của chính quyền các cấp thường xuyên thấy có 2 nhiệm vụ nổi lên, là tuyên truyền để nhân dân bỏ tục chôn chung và vào rừng đẻ.

Hàng tháng, hàng năm các báo cáo đều có mục đã giảm được bao nhiêu, có những vụ nào xảy ra gây hậu quả.

Chôn chung thì hậu quả còn... từ từ chứ tự mình vào rừng đẻ thì hậu quả nhãn tiền, có điều hồi ấy chưa có mạng thông tin như bây giờ nên ai mần nấy chịu, ít người biết.

Quãng năm 82, 83 thế kỷ trước tôi thường xuyên xuống làng, ăn ở dưới ấy để làm việc, và rất nhiều lần phải làm cán bộ y tế bất đắc dĩ.

Thường là khi cái bụng bà mẹ đã lùm lùm thì ông chồng xách rựa vào rừng làm một cái chòi, đúng nghĩa là chòi, lớn bằng chừng... 2 cái chiếu. Sàn lát le, 4 cái cọc chênh vênh và lợp tranh. Gần ngày sinh (theo kinh nghiệm thôi chứ có khám khiếc gì đâu mà biết) thì bà mẹ chuyển lương thực vào chòi, gồm nước, gạo, rau (thường là bí đỏ và đu đủ để giữ được lâu), củi lửa, các tấm dồ (vải do chị em dệt, có thể làm váy, chăn và... tã quấn cho em bé)... rồi vào ở luôn.

Nói thật, tuổi trẻ nên cũng chả tìm hiểu xem chị em tự đẻ thế nào, ngồi hay nằm hay đứng, chỉ biết là đẻ xong mấy hôm thì tự ôm con về.

Nhưng mà số chỉ có mẹ về không có con cũng nhiều, số cả mẹ và con cùng không về cũng không ít, còn nếu mẹ chết mà con sống thì con sẽ được... chôn theo mẹ, bởi nếu sống thì nuôi nó bằng cách nào, cho nó đi theo mẹ là nhân văn nhất, ấy là người Tây Nguyên nghĩ thế. Nên mới có mấy cô nhi viện, các sơ khi nghe tin ở đâu có bà mẹ vừa đẻ con bị chết là lặn lội đến, thuyết phục, hứa hẹn để mang đứa bé về cô nhi viện nuôi, mà cái cô nhi viện lớn nhất là ở Kon Tum, sát nhà thờ gỗ.

Trong rất nhiều chính sách cho vùng sâu vùng xa, “cô đỡ thôn bản” là chính sách thiết thực với người dân nhất. Đấy thực sự là một cuộc cách mạng ghê gớm trong nhận thức của bà con dân tộc từ sinh đẻ tự nhiên, tự mình, sang có sự chăm sóc của cán bộ chuyên môn.

Trong rất nhiều chính sách cho vùng sâu vùng xa, “cô đỡ thôn bản” là chính sách thiết thực với người dân nhất. Đấy thực sự là một cuộc cách mạng ghê gớm trong nhận thức của bà con dân tộc từ sinh đẻ tự nhiên, tự mình, sang có sự chăm sóc của cán bộ chuyên môn.

Và khi về thì chúng được “ứng xử” y như mọi người. Năm ấy lạnh lắm, mùa khô gió rông rốc trên mái nhà rông, bụi đỏ mù mịt, đứa bé nhà tôi ở được mẹ bế ra suối... tắm. Mà nó mới 7 ngày tuổi. Tôi gần như vừa quát vừa năn nỉ mẹ nó ôm con về chứ dìm xuống suối thì nó sẽ chết là cái chắc.Nhưng đứa bé vẫn được mẹ dìm xuống suối tắm. Và mẹ nó cũng... tắm.

Có người giải thích cho tôi, tỷ lệ trẻ sơ sinh ở Tây Nguyên tử vong rất nhiều, nhưng bù lại, đứa nào vượt qua được, sống sót được, thì nó rất khỏe, khả năng miễn dịch rất cao, lớn lên chả bệnh tật gì vật được nó.

Lần khác cũng ở nhà một đứa bé mới sinh được 10 ngày. Đứa bé này có bố đang học ở Trường trung cấp Y tế Gia Lai. Đêm xuống nó liên tục tiêu chảy, cứ xoèn xoẹt xoèn xoẹt dăm mười phút một lần. Đoàn chúng tôi đi sưu tầm văn nghệ dân gian do một giáo sư âm nhạc nổi tiếng làm trưởng đoàn. Chúng tôi cứ thon thót nằm nghe nó xoèn xoẹt, và đến lúc không chịu được nữa, tôi thì thào với giáo sư: Vợ em có gói cho em một ít thuốc thông thường, trong ấy có clorocid, em cho bé uống nhé, bởi cứ thế này sáng mai nó cũng sẽ chết vì mất nước, còn nếu cho uống nó sẽ... gần chết vì đắng, nhưng chắc chắn là cầm, vì cơ thể nó chưa bao giờ uống thuốc, không bị kháng.

Tôi dậy, nghiền một góc viên clorocid rồi bảo mẹ đứa bé vắt cho ít sữa, hòa thuốc đổ vào miệng bé. Và sau một tiếng khóc ré lên thì nó... thưa dần rồi hết xoèn xoẹt. Về, kể với vợ, là cán bộ trung tâm y tế dự phòng tỉnh, thị bảo: Nhẽ ra anh cho mẹ uống thuốc rồi cho con bú. Chắc chiều mẹ nó ăn gì nên đứa bé bị.

Lần khác, vào nhà một vợ chồng già có đến mấy người phụ nữ vừa đẻ, có một đứa bé ốm nhách, khóc nhoe nhoe mà mẹ chả biết làm gì, cả mấy người đàn bà có con nhỏ đều không biết làm gì, chỉ ngồi ôm con nhét vú vào miệng nó. Mẹ teo tóp chả có sữa, bèn nhai miếng đu đủ xanh rồi nhét vào mồm đứa bé. Tôi sang trường học gần đấy kể chuyện với mấy cô giáo, một cô bảo, em còn ít sữa (sữa lon nước đặc ấy, hồi ấy thế là xịn rồi) để dành cho con, để em mang sang cho nó một ít. Cô đổ ra cái chén (bát) một ít rồi mang sang, ngoảnh đi ngoảnh lại chưa kịp làm gì thằng chồng non choẹt chừng mười mấy tuổi lấy cái thìa xúc một thìa dí ngay vào miệng con. Cả tôi và cô giáo hét lên, còn đứa bé thì... sặc, dù rất may là mới có một ít sữa được đổ vào mồm nó...

Nhưng mà hồi ấy, quả là, nếu có bầu rồi khi đẻ đưa đến trạm xá thì quả là điều khá không tưởng, bởi các làng Tây Nguyên ở xa nhau, khi đau đẻ đưa ra được đến trạm xá là cả vấn đề, mà người Tây Nguyên, đưa một người đi bệnh viện là gần... nửa làng đi theo, chỗ đâu mà chứa?

Thế là “cô đỡ thôn bản” ra đời.

Trong rất nhiều chính sách cho vùng sâu vùng xa, tôi đánh giá đây là chính sách thiết thực với người dân nhất. Chính họ, những cô đỡ thôn bản, một mặt trực tiếp làm giảm tỷ lệ tử vong cả mẹ và con khi sinh đẻ rất cao, mặt khác, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò của y tế, đẩy lùi nhiều thầy cúng nhố nhăng và những điều mê tín dị đoan đến tàn bạo vẫn tồn tại trong các buôn làng.

Đấy thực sự là một cuộc cách mạng, một sự thay đổi ghê gớm trong nhận thức của bà con dân tộc từ sinh đẻ tự nhiên, tự mình, sang có sự chăm sóc của cán bộ chuyên môn. Ánh sáng khoa học cứ nhích dần từng tí một vào đời sống còn nhiều u mê của đồng bào dân tộc vùng sâu vùng xa.

Và đến bây giờ thì hầu như, chỉ trừ những trường hợp đẻ rơi, mà việc này thì đến ngay cả người thành phố văn minh cũng bị, còn lại khi sinh nở đồng bào đều chủ động nhờ cán bộ y tế giúp đỡ. Không còn thấy những cái chết thảm thương cả mẹ lẫn con do không được chăm sóc y tế nữa, tất nhiên những tai nạn do bất khả kháng thì không nói.

Nhưng bây giờ, thì chính ở thành phố, lại đang rộ lên trào lưu “thuận tự nhiên”.

Thú thật tôi đã rợn người khi xem ảnh cháu bé sơ sinh nằm cạnh cái nhau đến mấy ngày trời để đợi nó tự bong dây rốn ra, và càng hãi khi nghe một bác sĩ nói: Miếng thịt để vài tiếng đã thiu mà để cái nhau đến mấy ngày như thế thì... tôi không dám tưởng tượng tiếp nữa.

Thuận tự nhiên nhất là đẻ một cách bình thường, có sự chăm sóc của bác sĩ. Mươi năm trở lại đây có trào lưu “mổ bắt con”, (chính xác là mổ lấy con ra nhưng không hiểu sao lại có chữ “bắt” ở đây). Đây là một thủ thuật bắt buộc dành cho những bà mẹ không sinh con tự nhiên được, nhưng một số người đã... tận dụng để sinh cho đúng ngày đúng giờ, một số thì giữ cho chỗ sinh nở đẹp. Thượng đế sinh ra cái gì cũng đều có lý của nó. Phàm đã là con người thì ít nhất một lần trong đời phải chui qua cửa “càn khôn” ấy, nó mới bình thường, nó mới điều hòa âm dương, trừ những trường hợp bất khả kháng, tất nhiên.

Phong trào “thuận tự nhiên” nở rộ đến mức, một nhà báo, vừa sinh xong, đang nằm phòng hậu phẫu phải viết: “Một bà mẹ không thuận theo tự nhiên cho biết: Hai lần đi đẻ, lần đầu suýt chết. Nếu không cấp cứu kịp thời. Lần 2 mổ cấp cứu tiếp. Nằm bẹp mấy ngày không ngồi dậy được. Đến khi ngồi được lên thì trước mặt có nghìn vì sao lấp lánh, như là vô thức thều thào nói: trời đêm nay đẹp quá.

Thế nên các mẹ bỉm sữa mông muội ạ. Các mẹ làm ơn đừng đòi giải tán hệ thống bệnh viện sản được không. Nếu thuận theo tự nhiên, thì những con ngu nên chết bớt đi cho đường đỡ tắc. Con nào truyền bá ba vụ thuận tự nhiên nhảm nhí đáng phải cho đi gặp Châu Việt Cường. Vào bệnh viện trang bị tận răng, tiệt trùng khắp nơi mà vẫn còn sợ biến chứng, nhiễm trùng, rủi ro các kiểu nữa là ở nhà. Bọn man di mọi rợ này giết người không dao ấy...”.

Một bạn đọc ở Úc, xem qua cái món... “thuận tự nhiên pháp” hoảng quá nhắn tin cho tôi: “Post anh nhiều người theo dõi, anh truyền tải thông tin này hộ em với. Cái chứng chỉ từ Đại học Monash của Úc “Thực phẩm là thuốc” “Food as Medicine” của cô này (cô gái truyền bá món thuận tự nhiên, kể cả dùng sữa mẹ chữa bách bệnh) không có giá trị gì cả.

Đây là một khóa học trực tuyến miễn phí, kéo dài hai tuần. Muốn học chỉ việc ghi danh. Trong hai tuần đó trường gửi tài liệu cho mình tự học. Thế thôi ạ. Khóa học chỉ trang bị kiến thức cho cá nhân, chứ không là một chứng chỉ được công nhận.

Ở Úc cũng có vụ sinh ở nhà/ trong hồ tắm cho tự nhiên. Nhưng họ có bà đỡ và y tá hỗ trợ. Tiền thuế y tế/medicare của Úc hiện giờ là 2% trên tổng số thu nhập chịu thuế. Mức thu nhập trên $90,000 một năm phải đóng thêm từ 1%, 1,25% và nhiều nhất là 1,5%. Nhờ đó mà người dân có quốc tịch hoặc thường trú nhân đều được hưởng dịch vụ y tế miễn phí. Tuy nhiên, bệnh viện công thường quá tải nên dân vẫn mua bảo hiểm y tế tư để có quyền tự chọn và được điều trị ở viện tư. Bảo hiểm này tốn từ $1.000-3.000/năm, tùy gói. Với phụ nữ mang thai ở Úc, từ lúc có thai đến lúc sinh đều phải khám thai thường xuyên. Nếu người mẹ chọn sinh tại gia, thì bà đỡ tại gia sẽ đến tận nhà chăm sóc. Để là bà đỡ tại gia thì bà đỡ phải có chứng chỉ và đăng ký mới được hành nghề. Trách nhiệm của họ trong thời gian chăm sóc thai phụ là để theo dõi xem mẹ và bé có mạnh khỏe và thích hợp sinh tại gia không. Nếu trong quá trình theo dõi mà bà đỡ không cố vấn kịp thời để sản phụ gặp sự cố thì bà đỡ lãnh đủ. Vì thế, họ phải mua bảo hiểm nghề nghiệp để công ty bảo hiểm gánh nợ khi gặp sự cố. Nhưng càng ngày Chính phủ và các công ty bảo hiểm y tế càng siết chặt điều kiện để tránh những hậu quả không tốt cho thai phụ. Sinh ở nhà tốn từ $3.000-5.000 Úc. (Lương $90.000 sau khi trừ thuế còn chừng $60.000/ năm là cao). Một số công ty bảo hiểm tài trợ/trả tiền cho dịch vụ sinh tại gia. Bà đỡ khi hành nghề phải trang bị đầy đủ dụng cụ, tạo điều kiện tốt nhất cho mẹ và bé. Sau khi sinh, cũng sẽ tiếp tục chăm sóc cho mẹ và bé, thường là trong một tháng. Nếu trong lúc sinh gặp sự cố thì phải chuyển vào nhà thương ngay. Do đó, dịch vụ này chỉ có ở những thành phố lớn. Trong 7 tiểu bang của Úc thì chỉ có Queensland là cho bà đỡ tiếp tục lo cho mẹ và bé khi vào viện. Tất cả các tiểu bang khác thì bà đỡ không được phép. Tóm lại là dịch vụ sinh tại gia ở Úc có. Nhưng thai phụ được theo dõi đều, mẹ và bé được chăm sóc đầy đủ, và chỉ thích hợp cho những ca sức khỏe tốt, giai đoạn thai nghén không có triệu chứng gì là bất ổn, bà đỡ phải qua khóa đào tạo, có đăng ký và được phép hành nghề”.

Thực ra thì, tôi biết, ở Việt Nam ta, số người bắt đầu mang thai đã phải lo chạy tìm cơ sở y tế tốt, bác sĩ giỏi để thăm khám thường xuyên và theo luôn đến lúc sinh là rất nhiều, số “thuận tự nhiên” rất là ít, nhưng không thể không có những cảnh báo, những phân tích thấu đáo để có thể hiểu thuận tự nhiên nó khác xa với phản khoa học, với đi ngược lại văn minh mà con người phải đời này qua đời khác nghiên cứu, lao tâm khổ tứ mới có được...


VĂN CÔNG HÙNG
Ý kiến của bạn