PGS.TS.BS Cao Minh Thành cùng các đồng nghiệp của BV Đại học Y Hà Nội vừa có chuyến hải trình đặc biệt đến Trường Sa khám, chữa bệnh cho quân và dân huyện đảo của Tổ quốc.
"Chuyến hành trình đầy tự hào và có một không hai", PGS Thành nói với ánh mắt long lanh, như giúp tôi cùng đi theo hải trình của những người thầy thuốc.
"Tôi nhận tin là thành viên của đoàn công tác BV Đại học Y Hà Nội đến với Trường Sa như không tin nổi, tôi ngỡ như mình nghe nhầm. Cảm giác lâng lâng, vui tột cùng. Nghe xong điện thoại được đi Trường Sa, tôi gọi ngay về gia đình thông báo tin vui cho cả nhà", PGS Thành kể.
BS Thành giọng tự hào: "Không chỉ riêng tôi, mà tôi tin rằng bất cứ ai khi được nhận tin này cũng sẽ có tâm trạng tương tự. Vì Trường Sa luôn là điều hùng vĩ, thiêng liêng lắm. Được chạm, ngắm nhìn và hít hà không khí ở Trường Sa là điều may mắn".
PGS Thành bảo, chuyến công tác của BV Đại học Y Hà Nội ra Trường Sa có 2 đoàn thầy thuốc. Mỗi đoàn có 14 người. Nhóm của BS Thành có 7 bác sĩ và 7 điều dưỡng, trong đó có 6 thầy thuốc là phụ nữ.
Ngày 9/7/2024, đoàn công tác của BV Đại học Y Hà Nội di chuyển vào Cam Ranh, sau đó lên tàu Kiểm Ngư 473 ra đảo Trường Sa.
Bác sĩ Thành nhớ lại: "Vì lần đầu được đi tàu trên biển dài ngày, cả đoàn đều hứng khởi. Chúng tôi cùng thách đố xem ai không cần dùng thuốc chống say mà vẫn còn "nguyên vẹn" (cười). Nhưng vừa mới ra khỏi Vịnh, tàu của chúng tôi gặp ngay cơn áp thấp nhiệt đới. Sóng lớn khiến tàu rung lắc mạnh, gần như cả đoàn đều say sóng, không ai ăn uống được. Chỉ có tôi và 1 điều dưỡng là còn tỉnh tảo".
Màu Trường Sa trong mắt người 'lính áo trắng'
PGS.TS Cao Minh Thành kể: "Sau gần 2 ngày vượt biển, chúng tôi cập bến đảo Trường Sa Lớn. Trường Sa khác xa so với những gì tôi được biết và tưởng tượng. Khung cảnh bình yên đến lạ, tiếng sóng vỗ mạnh vào bờ cát, kè chắn sóng khiến trong tôi dội lên 1 cảm giác xúc động không thể diễn tả thành lời.
Tôi chợt tự hỏi: "Mình đã đến Trường Sa thật rồi sao?", rồi lặng người ngắm nhìn toàn cảnh nơi đây. Một lần nữa tôi chợt nghĩ: "Không biết người dân và chiến sĩ nơi đây họ sống thế nào?". Cái đập vai của cậu đồng nghiệp mới khiến tôi giật mình trở về với thực tại.
Chúng tôi được mọi người ở Trường Sa chào đón thân tình, chân tình đến mức khiến tôi cảm thấy thân quen, gần gũi như việc họ đón tiếp người thân đã quá lâu rồi mới trở về nhà.
"Những người dân ở Trường Sa quý người, mến người từ đất liền ra nên quân và dân trên đảo đã dành những điều tốt đẹp nhất cho khách. Họ trao cho chúng tôi những chiếc khăn mặt thơm tho và một chậu nước ngọt nhỏ để rửa mặt. Lúc này tôi ước mơ sẽ là 1 cây cầu lớn có thể kết nối giữa đất liền và đảo. 28 con người chúng tôi là 28 cây cầu, làm sứ mệnh cầu nối giữa tình cảm đất liền với đảo xa… Tôi kỳ cục quá phải không?".
Theo BS Thành, Trường Sa có 1 màu nắng rất khác biệt. Nắng từ trời xanh rọi thắng xuống mặt đất, chứ không phải nắng thi thoảng bị che phủ bởi mây hay khói bụi như ở Hà Nội. Trường Sa có 1 bầu trời rộng lớn và xanh biếc, cao vời vợi… Cái nắng của Trường Sa cũng khiến màu của cảnh vật và con người nơi đây trở nên sạch hơn. Ở đây chỉ có tình yêu thương, tình đồng chí.
"Sau 1 ngày có mặt trên đảo, đoàn công tác của chúng tôi bắt bắt đầu thực hiện công việc của mình. Nhưng lần này thật khác biệt vì chúng tôi thực hiện công việc khám chữa bệnh ngay trên tàu. Di chuyển đến đảo hoặc nhà giàn nào là đoàn công tác lại gửi tặng cho điểm đó những món quà mà BV Đại học Y Hà Nội đã chuẩn bị trước đó. Quà của BV chỉ là những trái bưởi, cân trà Thái đơn giản, nhưng đó là những tình cảm của toàn bộ lãnh đạo, cán bộ cũng như các y bác sĩ của BV muốn gửi gắm đến nơi này", BS Thành chia sẻ.
Trong đợt công tác này, đoàn của BS Thành đã gửi tặng Trạm xá đảo Phan Vinh 1 đèn Clar của Đức; tặng 2 đèn Clar loop cho trạm xá của đảo Tiên Nữ và đảo Song Tử Tây. Những đèn này có thể sử dụng để khám tai mũi họng và dùng trong những ca phẫu thuật. BS Thành hy vọng, món quà nhỏ bé sẽ phần nào giúp cho việc thăm khám, chữa bệnh trên đảo được thuận lợi hơn.
"Đoàn công tác của PGS Thành thực hiện khám bệnh cho các cán bộ, chiến sĩ, người dân trên 16 đảo: Trường Sa Đông – Đá Đông – Phan Vinh – Tốc Tan – Núi Le – Tiên Nữ - Sinh Tồn Đông – Sinh Tồn – Len Đao – Cô Lin - Đá Lớn - Nam Yết- Sơn Ca - Đá Thị - Đá Nam – Song Tử Tây. Dự kiến theo kế hoạch chúng tôi sẽ cập cảng Cam Ranh vào ngày 2/8, nhưng do thời tiết không thuận lợi, có áp thấp nhiệt đới nên đoàn không thể biết được chính xác thời gian về đất liền.
Trong đoàn chúng tôi có nữ bác sĩ không được khỏe, 1 bác sĩ khác chuẩn bị thi lên BSCKII. Bản thân tôi còn quá nhiều công việc ở bệnh viện nên không thể ở lại thêm. Vậy là 3 người chúng tôi đành phải chào tạm biệt mọi người ở trên đảo vào ngày thứ 20 của cuộc hành trình.", BS Thành nói.
Được hỏi tâm trạng trở về đất liền như thế nào? BS Thành trầm ngâm: "Tâm trạng ư? Có lẽ chỉ có sự tiếc nuối không nỡ rời xa… Tôi muốn được ở lại thật lâu để cống hiến cho nơi đây, chăm sóc sức khỏe cho các các bộ, chiến sĩ. Họ ngày đêm bảo vệ sự bình yên cho Tổ quốc, giữ vững chủ quyền biển đảo. Chúng tôi chăm sóc sức khỏe cho các cán bộ, chiến sĩ cũng là góp phần cho công cuộc bảo vệ Tổ quốc. Biết là sức mình nhỏ bé lắm, nhưng hễ góp được bao nhiêu là muốn góp bấy nhiêu…
Tôi rất ít khi rơi nước mắt, nhưng ngắm nhìn Trường Sa lần cuối trước khi lên tàu khiến tôi không kìm nén được cảm xúc của mình. Cái ôm chặt của những người chiến sĩ khiến tôi không muốn rời đi. Tôi thương họ vì mang trọng trách trên vai, có những người chiến sĩ trẻ buộc phải trở nên rắn rỏi sớm hơn so với tuổi đời vì huấn luyện hằng ngày. Bước chân của tôi trở nên nặng nề hơn bao giờ hết, tôi bước lên tàu không dám ngoảnh đầu nhìn lại phía sau…".
Trường Sa là nơi ấm áp tình người
Bác sĩ Thành cho biết, nếu so với đất liền thì ngoài tình người, ở đây còn thiếu thốn nhưng trong cảm nhận của bác sĩ, vượt lên tất cả gian khổ là tình yêu Tổ quốc, biển đảo quê hương cháy bỏng trong mỗi người dân, người chiến sĩ.
"Tôi nhớ, có chiến sĩ tâm sự: "Nếu vào mùa khô, quần áo của bọn em mấy ngày mới giặt 1 lần vì phải tiết kiệm nước. Mỗi người chúng em chỉ được chia 20 lít nước/ngày, nhưng đã phải dành 5 lít để uống và nấu ăn, nên việc tắm rửa, giặt giũ, vệ sinh cá nhân phải thực sự tiết kiệm nước. Điện ở đây dù đã sử dụng máy phát điện, khai thác tối đa các nguồn năng lượng sạch như Turbine gió và tấm pin mặt trời cần phải tiết kiệm".
Đấy chỉ là 1 phần cái khó, vất vả của chiến sĩ nơi đây. Vì còn nhiều thứ chưa trải nghiệm hết, nhất là cảm giác phải xa nhà thời gian dài.
Có câu nói của 1 chiến sĩ trẻ khiến tôi bận tâm, đó là khi vừa lên tàu bắt đầu ra đảo được nửa ngày thì nghe tin cha mất, nhưng không thể quay lại. Người chiến sĩ trẻ ấy chỉ biết khóc, quỳ xuống nơi mạn tàu, dập đầu lậy cha lần cuối… Lúc đó, chỉ có tình người, những cái ôm động viên, chia sẻ của đồng đội mới có thể an ủi được phần nào nỗi đau của bạn chiến sĩ trẻ ấy. Thế mới biết, tình yêu Tổ quốc của người chiến sĩ lớn lao đến nhường nào đã truyền sang chúng tôi những người bác sĩ trên đầu đã 2 thứ tóc, về lòng tự hào dân tộc và tình yêu dành cho biển đảo quê hương.
"Cũng phải nể phục những đồng nghiệp của chúng tôi nơi Trường Sa. Dù trang thiết bị y tế hạn chế nhưng họ vẫn hoàn thành tốt công việc của mình. Chẳng hề nề hà, ngại khó. Vẫn khám và chữa bệnh cho cán bộ, chiến sĩ, nhân dân nơi huyện đảo Trường Sa rất tốt", BS Thành nói.
Những trải nghiệm lần đầu tiên trong đời
Thoát khỏi sự trầm ngâm, BS Thành vui vẻ cho biết, sau 20 ngày được sinh sống và làm việc tại Trường Sa, BS có thêm nhiều trải nghiệm mới, nếu không được trở lại nơi đây thì sẽ không bao giờ có lại được. Đó là gần như nói "không" với điện thoại, nói "không" với tivi; Lần đầu tiên được ăn rau lạc tiên mọc dại vì trên đảo rau rất khan hiếm; Lần đầu tiên được uống nước dừa nhưng có vị ngọt mặn của biển chứ không phải vị ngọt chua của dừa trồng trên đất liền; Lần đầu tiên khám chữa bệnh trên tàu thuyền; Lần đầu tiên ngắm nhìn bầu trời cao trong xanh đến thế…
"Nếu để cảm nhận Trường Sa trong tôi là 1 màu nắng tuyệt đẹp, hòa quyện với màu xanh của trời và biển. Nếu hít hà sẽ thấy mùi của biển và vị mặn nơi đây sẽ đánh thức được giác quan, mọi tế bào trong cơ thể….
Giờ đây, tôi không bao giờ quên tiếng sóng vỗ táp mạnh ở Trường Sa. Cột mốc chủ quyền và hình ảnh người chiến sĩ hải quân đang bồng súng đứng gác trang nghiêm, với ánh mắt trong sáng, khuôn mặt đen sạm, rắn rỏi, như đang gọi tôi trở lại... Nếu được, tôi mong muốn sẽ được cống hiến cho Trường Sa thật nhiều, nhiều hơn…", giọng nói BS Cao Minh Thành nghẹn lại.