Có lẽ bạn sẽ bảo tôi rằng nắng thì ở đâu trên trái đất này chả giống nhau mà còn phân biệt, lại còn màu sắc. Nhưng cho phép tôi được nghĩ riêng và viết riêng về màu nắng ở nơi tôi đã đến và đã thấy những rung động chưa từng có trong đời: Trường Sa
Tôi đến Trường Sa trên chuyến hải trình tháng Tư mang tên KN290 do Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân – Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân và Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc dẫn đầu nhân Kỷ niệm 49 năm Giải phóng Trường Sa, Kỷ niệm 49 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30/4) và Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (7/5).
Ngoài những háo hức như mọi người trong đoàn gần 200 đại biểu của TPHCM, tôi có mang theo một áp lực vô cùng lớn: Viết về điều gì đây? Những tiền bối của tôi, đồng nghiệp của tôi hàng năm đều có người đi và viết về Trường Sa. Những thiên phóng sự, bút ký, thơ văn chắc không còn thiếu bài nào để ca tụng những điều tuyệt vời ở ngoài trùng khơi thiêng liêng kia. Tôi không muốn lặp lại những điều tuyệt vời đã được nhắc đến nhiều lần. Nhưng tôi cũng không muốn xúc cảm của mình trở thành hời hợt.
Và khi con tàu rời bến, tôi quyết định một điều quan trọng: Không suy tính gì cả. Nghĩa là, tôi mặc cảm xúc của mình theo sóng nước. Mà sóng nước đến Trường Sa không lúc nào yên.
Trần Gió - người lính gác Hải quân đầu tiên tôi gặp trên đảo Sinh Tồn da cháy nắng, đen nhẻm. Cái tên thật đặc biệt. Lúc chúng tôi đến, nắng gay gắt, gió biển thổi ào ạt về phía Gió. Ánh nắng rọi trên da thịt chàng trai tuổi 20 đứng nghiêm trang, mắt hướng về phía biển xanh.
Nắng trên khuôn mặt người lính trẻ cộng với xúc cảm khi đến với điểm đảo đầu tiên sau gần 48 giờ lênh đênh khiến tôi ngỡ màu nắng là màu da thịt ấy.
Hình hài chiến sĩ đổ bóng dài bên cây bàng vuông là một sự chào đón không thể tuyệt vời hơn cho tôi khi đầu óc đang xoay vần những ý tưởng.
Từ âu tàu đi vào một đoạn nữa, chúng tôi đã thấy cột mốc chủ quyền ở đảo Sinh Tồn. Lại một người lính tuổi đôi mươi nữa bồng súng giữa chói chang. Mồ hôi lấm tấm. Da người sạm nắng. Và bóng người lính trẻ cũng đổ dài bên bóng hình cột mốc thiêng liêng. Tôi bất giác đọc nhẩm:
Cờ Tổ quốc nơi con đứng gác
Phấp phới ánh sao vàng và bóng nắng tuổi đôi mươi
Đi cùng chúng tôi hôm ấy có một người mẹ tên Nguyễn Thị Lành, gốc Thừa Thiên Huế, đang sống tại Phường 15, quận Tân Bình, TPHCM. Câu thơ trên tôi dành tặng chị.
Chỉ vài phút sau, người mẹ ấy khấp khởi mừng vui, tuôn trào nước mắt, nắm chặt lấy một cậu lính Hải quân trẻ. Đó là Huỳnh Thế Sơn, con trai chị, vừa đúng đôi mươi. Sơn ngượng ngùng không dám ôm mẹ trước mặt mọi người. Còn chị Lành vừa nắm tay vừa sờ nắn xem cái sự rắn rỏi của đứa con đến đâu sau bao ngày xa cách. Lúc chị cười, lúc khóc. Và dù khóc thì đó vẫn là những giọt nước mắt hạnh phúc, tự hào.
Sơn là một trong ba quân nhân tiêu biểu ở Trường Sa được Quân chủng Hải quân và Đoàn công tác số 12 của TPHCM bố trí cho gặp người thân ngay trên đảo. Được đến Trường Sa đã là một vinh dự, một sự kiện hi hữu trong đời người, cuộc đoàn viên giữa mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc, giữa muôn trùng biển khơi của mẹ con chị Lành vì thế càng trở nên đặc biệt.
Mọi người xúm lại hỏi han, động viên, chúc mừng và cả khích lệ cho chàng lính trẻ tự tin mà ôm chặt lấy mẹ. "Làm phiền" mãi rồi cả đoàn mới để cho chị Lành và con được riêng tư trò chuyện, bên ấm trà và những đồng đội của Sơn.
Trường Sa đây
Con của mẹ đây
Chàng trai bé nhỏ nay thành chiến sĩ
Nở nụ cười giòn đón mẹ giữa trùng khơi
Trong tờ giấy chị Lành run run cầm lấy từ tay tôi có mấy câu thơ như vậy. Cả đời bôn ba của chị, đây là những ngày hạnh phúc nhất. An lòng khi thấy con vững vàng, mạnh khỏe, được thủ trưởng tin tưởng, được đồng đội thương yêu. Tự hào vì con đang hiến dâng tuổi trẻ cho Tổ quốc, đang kiên cường canh giữ biển trời quê hương. Và may mắn vì là một trong số ít những bà mẹ được gặp con giữa Trường Sa. Chị Lành bảo cả đời chị chưa bao giờ có niềm vui lớn đến thế.
Huỳnh Thế Sơn bên mẹ đã ngượng như vậy, cậu lính trẻ Thái Gia Bảo còn "nghịu" gấp vài lần. Bố của Bảo – anh Thái Văn Vũ - được lên đảo Tốc Tan C gặp con với chú gấu bông trên tay.
Cái sự lúng túng của bố và con trai trong phút giây trùng phùng giữa biển đảo quê hương cũng đáng yêu vô cùng. Chị Nguyễn Thị Lành còn biết ôm chầm lấy con, chứ anh Thái Văn Vũ chỉ biết hưởng niềm hạnh phúc ấy bằng ánh mắt.
Nhưng cách yêu thương của người bố có lẽ là vậy, vẫn đủ để không ít thành viên trong đoàn rơm rớm mừng cho cha con anh, dù có lúc anh khiến cả đoàn cười phá lên vì hồi hộp định tặng luôn bó hoa cho vị Trưởng đoàn đại biểu Nguyễn Phước Lộc – Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, thay vì cho con trai Thái Gia Bảo.
Và đến bây giờ, mọi người vẫn đồn chú gấu bông kia không phải bố tặng con trai, nghe kỳ lắm, mà là của bạn gái Bảo gửi ra Trường Sa.
Quả thế thật thì Bảo hơn anh em chiến hữu vài phần. Huỳnh Thế Sơn đã làm gì có người yêu.
Đến đảo Trường Sa Lớn (tên gọi quen thuộc của điểm đảo Trường Sa thuộc quần đảo Trường Sa), tôi lại may mắn được thấy một bóng nắng đôi mươi nữa đang đợi mẹ. Mà chính xác là mẹ đang đợi.
Lúc này, lãnh đạo đoàn công tác và các đại biểu đang dâng hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh. Có chàng lính trẻ Võ Thành Trung ôm súng đứng gác phía trước. Còn mẹ của Trung đang khóc phía xa, kế bên nhà chuông. Hai mẹ con nhìn thấy nhau một lúc rồi mà chưa thể lại gần ôm nhau một cái.
Chị Trần Kim Châu (xã Long Hòa, huyện Cần Giờ, TPHCM) mắt rơm rớm nói với tôi rằng phải đợi Trung làm nhiệm vụ xong thì mẹ con mới gặp nhau được. Vậy mà cũng khá lâu. Và chị cứ đứng đó đợi trong sự mong ngóng và tự hào.
Ánh mắt chị Châu không rời khỏi nơi cậu con trai đang đứng gác. Rồi cũng đến lúc hai mẹ con đoàn tụ, trước cổng Chùa Trường Sa. Thế là không biết bao nhiêu nức nở xen lẫn tiếng cười cứ tuôn trào mãi.
Thật là những cuộc hội ngộ "đặc biệt, có một không hai", hệt như lời Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc nhiều lần chia sẻ trên chuyến tàu KN290. Và không chỉ của chị Lành, chị Châu, anh Vũ với con trai, mà còn là duyên hội ngộ đặc biệt có một không hai của chính tôi. Tôi chưa bao giờ thấy những cuộc đoàn viên nào như thế.
Từ đảo Sinh Tồn đến Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa Lớn và cuối cùng là Nhà giàn DK1/17, ở điểm nào tôi cũng thấy màu xanh. Màu xanh cây lá giữa màu xanh của biển cả mênh mông quyện vào nhau giữa nắng gắt tạo một cảm xúc kỳ lạ. Những vườn rau tăng gia của bộ đội Hải quân trở thành điểm "check-in" của hầu hết đại biểu trong đoàn.
Sự tươi xanh mơn mởn ấy mạnh mẽ, kiên cường như lính đảo. Trên chói chang nắng, che bởi một tấm lưới và mành mỏng, dưới là những chậu đất nhỏ cũng đến từ đất liền, mầm xanh cứ thế vươn lên ở nơi không có mùa đông.
Cải xanh, bầu, bí, mùng tơi, rau húng, ớt… chen chúc tốt tươi, không phụ công chăm bón của các chiến sĩ. Nhưng cũng có lúc nắng và gió thổi táp đi gần hết. Và bàn tay cần cù của lính đảo lại hồi sinh tất cả.
Rau trên đảo và Nhà giàn DK1. Ảnh: Việt Nguyễn
Trên đảo tôi còn thấy cả những mầm xanh của tương lai. Cô giáo Nguyễn Thị Duyên Hồng - Hiệu trưởng Trường Mầm non Bông Sen (TPHCM) có lẽ sẽ không bao giờ quên được hình ảnh các em bé trong trang phục lính Hải quân nhỏ xíu ùa ra từ cổng Trường Tiểu học xã Sinh Tồn để nhận những chiếc kẹo và bóng bay dễ thương cô mang từ đất liền ra đảo. Chúng cười đùa sung sướng, cũng có lúc chí chóe với nhau vì lựa quà.
Những đứa trẻ ấy là mầm xanh của tương lai, đang ngày ngày được vun trồng bởi thầy Phạm Quang Tuấn, người lái con đò tri thức đã 35 năm trước khi xung phong đến Trường Sa để tiếp tục gieo con chữ.
Trong lớp học chỉ có 4 chiếc bàn nhỏ xíu, thầy Tuấn trầm ngâm kể về khát vọng hạnh phúc của đời mình. Và thầy đã tìm thấy ở nơi đây, giữa muôn trùng biển khơi.
Những đứa trẻ ấy hết tiểu học thường sẽ được vào đất liền để học tiếp. Thầy Tuấn đã tuổi hưu, có thể sẽ không dạy mãi được ở đây, nhưng những mầm xanh ở Sinh Tồn sẽ trưởng thành, sẽ mãi là những chứng nhân, những cột mốc chủ quyền sống giữ gìn biển đảo Tổ quốc. Màu xanh của sự sống dưới màu nắng Trường Sa bền bỉ và trường tồn như ý chí của dân tộc Việt Nam.
Không có hạnh phúc nào mà không phải đánh đổi bằng hi sinh. Hòa bình và yên ấm từng đổi bằng xương máu. Trên mênh mông Trường Sa bây giờ cũng thế. Để những mầm xanh ở xã Sinh Tồn, thị trấn Trường Sa, Song Tử Tây… yên bình vươn lên trong nắng rồi tiếp nối cha mẹ giữ biển giữ trời thì đã từng có những người lính nằm lại dưới biển sâu.
Chiều muộn 28/4, còn chưa đầy 2 ngày nữa là đến 30/4 – Kỷ niệm giải phóng quần đảo Trường Sa và Kỷ niệm 49 năm giải phóng miền Nam thống nhất đất nước. Khi ấy đoàn chúng tôi tập trung hết lên khu vực sân bay trực thăng của tàu KN290 làm buổi lễ đặc biệt, ở một vị trí rất đặc biệt.
Chúng tôi đang đứng giữa vùng biển đảo Cô Lin – Len Đao – Gạc Ma thuộc quần đảo Trường Sa, nơi mà cách đây 36 năm về trước đã diễn ra cuộc chiến đấu và hi sinh anh dũng của cán bộ, chiến sĩ Hải quân Nhân dân Việt Nam để bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Nắng chiều giữa biển mênh mông nghiêng xuống giữa con tàu, cùng lúc đổ vàng trên khuôn mặt hàng trăm người đang đứng lặng trước vòng hoa và khói nhang nghi ngút. Trong số họ có cả những đồng đội của các liệt sỹ đã cùng chiến đấu trên con tàu HQ505 năm xưa.
Con tàu trong nguy nan đã được chỉ huy cho lao lên bãi đá Cô Lin, biến Cô Lin và tàu trở thành cột mốc sống để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, ngay gần Gạc Ma của chúng ta đã bị chiếm đóng trái phép. Hôm nay, họ trở lại đây để thắp nén tâm nhang cho đồng đội đã mãi mãi nằm lại biển sâu.
"Máu của các anh đã tan vào biển mặn, hòa vào cánh sóng, hóa linh hồn bất tử, nhắc nhở thế hệ muôn đời sau tinh thần quyết tử để bảo vệ chủ quyền Tổ quốc… Biển thì rộng mà sức người có hạn, đến nay xương cốt nhiều cán bộ, chiến sĩ của Hải quân chúng tôi vẫn đang nằm lại dưới biển sâu lạnh lẽo, đang hàng ngày hàng giờ, mòn mỏi trong thời gian, quặn đau trong sự khắc nghiệt của thiên nhiên, bão tố. Gia đình, người thân của các đồng chí chỉ biết lấy nước biển nơi các anh đã hi sinh để thay cho xương cốt về thờ cúng…"
Các anh hóa cánh chim muôn dặm sóng
Hướng về nơi đất mẹ vẫn mong chờ
Nếu gặp mẹ cánh chim về từ biển
Con đấy mà, mẹ đã nhận ra chưa
Lời điếu xúc động của đồng chí cán bộ Cục Chính trị Quân chủng Hải quân cùng mấy câu thơ vừa dứt, một số đại biểu nữ dự lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hi sinh tại quần đảo Trường Sa đã không cầm được nước mắt.
Gần 200 đại biểu lần lượt lên thắp hương. Vòng hoa từ từ được thả xuống mạn tàu, những bông cúc, bông hồng không biết từ lúc nào đã bồng bềnh trôi trên sóng nước. Ráng chiều phản chiếu trên mặt biển, lấp lóa hình cờ đỏ sao vàng vẽ vội trên hạc giấy, lênh đênh và dần chìm trôi, hướng về nơi các anh đã ngã xuống.
Rất ít người trong chúng tôi là chứng nhân lịch sử nhưng xúc cảm với sự linh thiêng, cao quý mang tên Tổ quốc thì giống nhau.
Suốt hải trình từ cảng Cát Lái đến các đảo Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa và Nhà giàn DK1/17, chúng tôi có thêm nhiều lần được lắng lại như thế, thêm những lần tưởng niệm và gửi hoa xuống biển, để nghe và nghĩ về những điều vĩ đại của các bậc cha anh.
Còn tôi thì thấy thêm một màu nắng lấp lóa dưới mặt nước rất đẹp mỗi khi nhớ về hình ảnh đầy thổn thức: tàu đậu bên đảo Cô Lin và nhìn xa xăm thấy Gạc Ma của chúng ta./.
Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân – Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân:
"Chuyến đi đong đầy tình cảm của quân - dân TPHCM với biển đảo và các chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam. Điều đó tạo động lực to lớn để mỗi cán bộ, chiến sĩ Hải quân chúng tôi tiếp tục vượt qua mọi khó khăn gian khổ, hiểm nguy, đoàn kết một lòng, trụ vững nơi đầu sóng ngọn gió, hoàn thành trọng trách hết sức vinh quang của Đảng, Nhà nước, Tổ quốc giao phó".
VIỆT NGUYỄN
Ghi chép trong chuyến thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 tháng 4/2024