Trong thời gian 1 tuần từ 26/4 đến 2/5, Đoàn đại biểu TPHCM đã thăm cán bộ, chiến sĩ và nhân dân tại huyện đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1/17, đồng thời thực hiện nhiều hoạt động ý nghĩa đúng dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng quần đảo Trường Sa, Kỷ niệm 49 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước và hướng tới Kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ.
Chuyến tàu KN290 do Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân làm Trưởng đoàn công tác - đã đưa gần 200 đại biểu của TPHCM (do ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy làm Trưởng đoàn đại biểu) cùng nhiều hàng hóa, quà tặng đến với một số điểm đảo ở quần đảo Trường Sa (Sinh Tồn, Cô Lin, Núi Le B, Tốc Tan C, Đá Tây B, Trường Sa) và Nhà giàn DK1/17.
Ngoài hoạt động thăm và tặng quà, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên các điểm đảo, Đoàn đã tổ chức các buổi chào cờ, duyệt đội ngũ trên đảo Sinh Tồn, Trường Sa; tổ chức các lễ tượng niệm các cán bộ, chiến sĩ hy sinh vì nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo tại khu vực đảo Cô Lin và các cán bộ, chiến sĩ hy sinh trên thềm lục địa phía Nam; dâng hương đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ, Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh và các địa điểm tâm linh khác trên các đảo.
Một số hình ảnh xúc động trong chuyến hải trình 7 ngày đến Trường Sa và Nhà gian DK1 do PV Báo Sức khỏe & Đời sống ghi nhận:

Tàu kiểm ngư KN290 đưa Đoàn công tác số 12 đến Trường Sa và Nhà giàn DK1.

Trước khi rời bến, đoàn dâng hương tại đài tưởng niệm của Lữ đoàn 125.

Hải trình 7 ngày từ 26/4 đến 2/5 đi qua 6 đảo thuộc huyện đảo Trường Sa (tỉnh Khánh Hòa) và Nhà giàn DK1/17 (Bà Rịa - Vũng Tàu).


Điểm đến đầu tiên là xã đảo Sinh Tồn.

Người lính gác trên đảo Sinh Tồn.

Và người lính ở đảo Trường Sa Lớn.

Ngoài hàng trăm đại biểu, Đoàn công tác đưa một số lượng lớn hàng hóa, quà tặng trị giá gần 42 tỷ đồng đến các điểm đảo...

...để thăm hỏi động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên đảo (thứ hai từ trái qua là ông Nguyễn Phước Lộc - Phó Bí thư Thành ủy TPHCM trao quà cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo Tốc Tan C).

Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân - Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân trao quà cho cán bộ, chiến sĩ đảo Cô Lin.

Đoàn đã thực hiện nhiều nghi lễ xúc động khi đến các điểm đảo.

Lễ mít tinh trên đảo Trường Sa đúng dịp Kỷ niệm Giải phóng Trường Sa và Giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Chiến sĩ Hải quân duyệt đội ngũ trước cột mốc chủ quyền đảo Trường Sa.

Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sỹ hy sinh tại quần đảo Trường Sa được thực hiện ngay trên tàu KN290.

Ngoài quà tặng là các vật dụng thiết yếu, máy móc, đất liền còn gửi đến Trường Sa hệ thống vườn rau mái che để đảm bảo luôn đủ rau xanh trên đảo.

Vườn rau tăng gia của chiến sĩ đảo luôn xanh mướt.

Dãy nhà của 7 hộ dân trên đảo Trường Sa.

Văn nghệ gắn kết tình quân - dân.

Đặc biệt, Quân chủng Hải quân và Đoàn đại biểu TPHCM đã bố trí cho 3 chiến sĩ được gặp người thân ngay trên đảo (trong ảnh là chị Nguyễn Thị Lành trên tàu đến đảo Sinh Tồn để gặp con trai, Huỳnh Thế Sơn).


Phút giây đoàn tụ của mẹ con chị Lành...

...của chị Trần Kim Châu và chiến sĩ Võ Thành Trung...

... của hai bố con anh Thái Văn Vũ và chiến sĩ Thái Gia Bảo.

Những mầm xanh tương lai trên quần đảo Trường Sa.

Trang phục Hải quân dễ thương của các bé thường mặc khi đón các đoàn từ đất liền đến thăm.

Lớp học đặc biệt ở đảo Sinh Tồn.

Thầy giáo Phạm Quang Tuấn - người đã gắn với sự nghiệp giáo dục 35 năm trước khi xung phong ra Trường Sa tiếp tục gieo con chữ.

Mỗi điểm đảo là một biểu tượng thiêng liêng về ý chí và lòng dũng cảm của chiến sĩ Hải quân.

Ngọn hải đăng ở khu vực đảo Đá Tây B.

Hình ảnh cờ đỏ sao vàng phấp phới giữa biển khơi là những khoảnh khắc không thể nào quên với những ai một lần đến Trường Sa.

Nhà giàn DK1/17 là điểm cuối của hải trình trước khi con tàu KN290 trở về đất liền.