Nhân mùa tuyển sinh...

15-09-2016 12:15 | Y tế

SKĐS - "Nhất Y, nhì Dược”, câu nói đó bao nhiêu năm nay vẫn là niềm tự hào của các em thi đỗ vào khối Y. Và điểm sàn của khối bác sĩ đa khoa tại các trường danh tiếng vẫn luôn cao ngất ngưởng.

"Nhất Y, nhì Dược”, câu nói đó bao nhiêu năm nay vẫn là niềm tự hào của các em thi đỗ vào khối Y. Và điểm sàn của khối bác sĩ đa khoa tại các trường danh tiếng vẫn luôn cao ngất ngưởng.

Điểm vẫn cao vì chúng ta phải chọn và đào tạo ra những con người phục vụ trực tiếp trên bệnh nhân để đảm bảo sức khỏe và sinh mạng của họ. Chúng tôi vẫn quen gọi là khối lâm sàng. Khối y tế công cộng, xét nghiệm, kỹ thuật y học… là khối phục vụ và hành chính cho khối lâm sàng. Những bác sĩ lâm sàng cần có kiến thức sâu rộng, bản lĩnh nghề nghiệp vững vàng, đạo đức trong sáng, sự xả thân và hy sinh không kém gì lực lượng vũ trang. Thời chúng tôi là 64 môn học, 6 môn thi tốt nghiệp, 2 năm nội trú hoặc cao học, 4 năm tiến sĩ… Khi thấy mình làm việc khá tự tin và thoải mái thì… đầu đã muối nhiều hơn tiêu, tuổi đã gần 50. Sáu năm học tập dưới mái trường có hơn 90 năm tuổi, kỷ luật học tập - thi cử - trực bệnh viện không khác gì quân đội,  kiến thức đến từ những người thầy giỏi nhất vào thời đó, ngoại ngữ là chìa khóa phải có để mở cửa những kho tàng kiến thức vô tận. Vậy nên ai học tập từ Trường ĐH Y Hà Nội ra cũng là những bác sĩ đa khoa vững vàng. Tất nhiên trừ những ai dừng lại quá sớm, bỏ nghề hoặc không tự học liên tục. Kiến thức phổ thông phải đủ giỏi để lĩnh hội và phát triển các kiến thức về y học cơ sở, các môn học lâm sàng và cận lâm sàng. Đây là điều kiện bắt buộc. Nếu không đồng nghĩa là bệnh không khỏi, bệnh nhân sẽ chết, những ai yếu kém và sai lầm sẽ phải trả giá hoặc ân hận cả đời. Tôi thực sự thấy yên tâm vì các trường y trong đó có trường của tôi vẫn “duy trì phong độ”  như xưa về điểm chuẩn đầu vào.

 

Người thầy thuốc luôn đặt quyền lợi của bệnh nhân lên trên.

Cái gì có thể mất chuẩn hoặc mai một? Đó là ý thức kỷ luật, mai một tinh thần học tập, ích kỷ hay biến thái. Ngày nay, sinh viên y đã đủ ăn đủ mặc, xe máy đi học, béo tốt hơn xưa. Nhưng đôi khi các bạn đã có thể quên hoặc bỏ trực mà thời của tôi đồng nghĩa với trượt môn và thi lại. Sự lăn xả vào phục vụ bệnh nhân, giúp đỡ đồng nghiệp và bệnh viện cũng hao hụt hơn xưa. Ngày ấy, anh bạn tôi hà hơi thổi ngạt cho một bệnh nhân lao phổi. Tôi cầm máu, đem phân bệnh nhân hàng đêm đi xét nghiệm… Thời nay chắc hiếm. Tôi đúc kết được ở tuổi gần 50 rằng: chịu khó thêm một tí, hy sinh thêm một chút, cúi mình và lắng nghe khi chăm sóc bệnh nhân thì họ sẽ đỡ đau đớn và khổ sở, đỡ tàn phế hoặc bỏ mạng. Chỉ mong lớp trẻ làm ngay hay làm sớm hơn tôi thì tốt biết bao.

Ở mỗi thái cực của sự chuẩn và mất chuẩn chúng ta đều có những ví dụ ngược lại. Anh bạn thân của tôi thi Đ Y Hà Nội, 3 năm liên tục, 2 năm đầu mỗi năm chỉ thiếu 0,5 điểm. Năm cuối đủ điểm nên bây giờ đã là một bác sĩ khá nổi tiếng ở Bệnh viện Việt Đức. Không ai cho rằng anh là một học sinh phổ thông xoàng. Và nếu năm thứ 3 điểm thi không hạ xuống chút ít thì chúng ta đã mất đi một bác sĩ “xịn”? Thế nhưng thi cử muôn đời nay vẫn vô tình như vậy. Một vài bệnh viện đã có các bác sĩ du học tự túc về làm việc. Điểm thi đại học của họ chẳng ai muốn biết, học y không bằng tiếng mẹ đẻ nghe mông mênh lắm… nhưng rồi sau bao năm tháng tự dùi mài, bổ khuyết..., cuối cùng cũng có những người là bác sĩ tốt. Vậy mới thấy ngành y là ngành học cả đời, cống hiến cả đời và thận trọng cả đời. Quay đầu nhìn lại, đang miệt mài học tập hay đang ở ngưỡng đầu vào bạn có thấy tôi đúng?


BS. Hoàng Cương
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn