Gửi em, sinh viên y năm thứ 3

23-04-2016 10:15 | Y tế
google news

SKĐS - Anh không hơn em nhiều tuổi, cũng chỉ là bác sĩ mới ra trường. Nhưng hôm nay thấy em viết một status khoe rằng em đã khám và nắm được hết bệnh nhân trong khoa...

Anh không hơn em nhiều tuổi, cũng chỉ là bác sĩ mới ra trường. Nhưng hôm nay thấy em viết một status khoe rằng em đã khám và nắm được hết bệnh nhân trong khoa, từ mai em sẽ dành thời gian ngồi hành lang đọc sách. Anh chợt muốn viết cho em vài dòng.

... Tháng ba năm ấy, trời mưa phùn và lạnh. Chị bác sĩ mừng rỡ chạy vào khoe với mọi người trong tua trực đã tìm ra cách để chữa khỏi cho bệnh nhân rồi. Sau khi nghe chị trình bày, ai cũng gật đầu đồng ý. Tối chưa ăn xong, chị đã kéo anh đi cùng để thông báo tin vui với người nhà. Mọi người vui lắm, mừng lắm. Chị bác sĩ quay đi và dặn anh rút kim truyền cho bệnh nhân. Thấy mọi người ở lại bàn nhau, chi phí để điều trị theo phương pháp ấy quá đắt đỏ, lại phải ra nước ngoài… nhà làm nông nghèo túng nằm viện từng ấy ngày đã nợ chồng chất rồi... Nhưng vợ bệnh nhân vẫn động viên mọi người cố gắng góp nhặt, vay mượn thêm, chị cũng sẽ giúp một phần, tất cả vì bệnh nhân. Anh để ý khi vợ bệnh nhân nói xong, nước mắt ngắn dài, vội quay đi giấu. Bệnh nhân khi ấy vẫn ngủ ngon lành.

Chia sẻ với người bệnh giúp thầy thuốc trị bệnh hiệu quả hơn.

Đêm hôm ấy đang lơ mơ ngủ, anh nghe thấy tiếng bên ngoài hô hoán gọi bác sĩ... Bệnh nhân đã nhảy từ tầng 4 của bệnh viện xuống. May mắn thay, được các bác sĩ cấp cứu kịp thời và bệnh nhân qua cơn nguy kịch. Sau này kể lại, hoá ra khi mọi người bàn nhau là lúc bệnh nhân đã tỉnh rồi,  thấy vợ khóc, thấy mình còn sống thì còn khổ cho gia đình, tuyệt vọng quá, anh bước qua bờ vực.

Sau chuyện ấy, mỗi lần gặp lại, chị bác sĩ vẫn nhớ mà nhắc anh: "Sau này làm bác sĩ! Em nhớ phải quan tâm cả đến cuộc sống, hoàn cảnh, tinh thần của bệnh nhân. Đừng chỉ chăm chăm lo điều trị cho căn bệnh thể chất em nhé!"…

Đến bây giờ khi đã đi làm,  anh vẫn nhớ câu chuyện hồi ấy và lời dặn dò của chị. Nếu có dịp gặp và chia sẻ với em hay các em sinh viên sau này, anh sẽ nói với các em rằng, thời gian học ở mỗi khoa không dài, các em đừng cố gắng hỏi quá nhiều bệnh nhân. Hãy tìm và hỏi một bệnh nhân mới nhập viện (khi triệu chứng còn rõ ràng) cho một mặt bệnh mà em cần học. Nắm bắt thật tốt lý do vào viện, bệnh sử, tiền sử, khám cho họ thật kỹ, nghĩ xem em sẽ cho họ làm thêm các xét nghiệm cận lâm sàng gì, nghiên cứu hồ sơ bệnh án xem họ được điều trị ra sao... tất cả những điều đó phải có được sau khi các em đã đọc và nắm vững lý thuyết ở nhà. Hơn tất cả, đừng dừng lại ở đó! Sáng hôm sau hãy quay lại khám và theo dõi đúng bệnh nhân ấy! Không phải tìm một bệnh nhân khác mà đúng bệnh nhân em đã hỏi và khám hôm qua ấy, bởi triệu chứng bệnh nhân thay đổi mỗi ngày và em sẽ thấy rất nhiều điều kỳ diệu. Hãy tập thói quen theo dõi cho đến khi họ ra viện, kể cả khi em đã chuyển qua học khoa khác thì cũng hãy quay lại xem bệnh nhân của mình. Coi họ như người nhà mình, hỏi xem họ làm nghề gì, hoàn cảnh gia đình ra sao... Mỗi ngày đến khám, kể cả bệnh nhân có khó tính đến mấy thì em cũng đừng quên hào phóng mà cho đi một nụ cười, hỏi xem đêm qua họ có ngủ được không, ăn có ngon miệng không. Thỉnh thoảng em cũng hãy chia sẻ cho họ đôi chút về cuộc sống của mình, như thể em muốn họ đặt niềm tin nơi em thì cũng hãy để họ cảm thấy rằng em tin tưởng ở họ vậy.

Những gì anh chia sẻ chỉ là một cách học khác mà anh nghĩ em có thể tham khảo. Mong em luôn giữ được ngọn lửa đam mê với con đường đầy vất vả này, bởi khi nhìn thấy một người bệnh của mình khoẻ mạnh, trở lại với cuộc sống bình thường sẽ thực sự đẹp và sung sướng lắm.


BS. Dương Minh Tuấn
Ý kiến của bạn