Chẳng biết may hay rủi. Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình có nhiều người làm ngành y. Trong những năm 80 đầu 90 ấy, một gia đình đông con ăn học, nhất là lại học ngành y thì thật vất vả và khó khăn biết bao. Những cái Tết trong một gia đình cán bộ viên chức thời đó, của một sinh viên trường y... nhớ lại vẫn thấy như vừa mới đây thôi. Cảm giác vừa sợ khi phải nhớ lại, vừa thương mong được sống lại thời đó, buồn nhớ vì biết bao cảnh xưa người cũ đã không bao giờ có thể gặp lại nữa...
Không khí Tết thường ập đến thật nhanh. Sinh viên trường y không được nghỉ Tết liên tục dài như các trường khác. Trực viện, trực trường là nhiệm vụ không thể thoái thác. Cánh sinh viên ngoại tỉnh táo tác tìm cách bàn thảo, đổi chác để được về nhà ăn Tết lâu hơn. Cánh sinh viên ngoại trú ở Hà Nội như tôi thường xung phong giúp các bạn vài buổi trực. Khi các bạn ngoại tỉnh về quê, nghỉ học, trường lớp thật vắng vẻ, buồn bã...
Những ngày trực Tết thường rất khó quên. Cái giờ khắc giao thừa ngồi trong bệnh viện tĩnh lặng, mùi hương tiếng pháo ở rất xa... mới thấy thấm thía một điều: vào nghề y là chấp nhận hy sinh, là lấy cái cho người khác làm cái được của mình. Trưởng tua trực thường gọi các sinh viên vào mừng tuổi cho điếu thuốc, chén rượu xuân. Người nhà bệnh nhân, bác sĩ, sinh viên trong tiết xuân ấm cúng cũng bớt câu nệ, chan hòa và tình người hơn. Người ham học như tôi cũng tranh thủ làm được nhiều thủ thuật mà ngày thường không đến tay sinh viên. Ngày Tết quán xá nghỉ cả. Bánh chưng là thức ăn chính của mấy anh em sinh viên. Có khi chuột ăn mất góc này, sinh viên ta vẫn phải ăn góc còn lại. Cái Tết năm mà trong gia đình 3 anh em, mẹ tôi ốm nặng, bố làm bác sĩ ở bệnh viện thật đơn giản nhưng cũng không phải là không có gì để nhớ. Bệnh viện của bố tôi có Tết chia thịt lợn tại viện. Cả bệnh viện và tập thể mà tôi sống như bị xới tung lên bởi niềm vui có thịt. Nhiều gia đình chung lòng lợn vào để nấu cháo, liên hoan, uống rượu. Tiếng dao thớt, mùi xào nấu tỏa ra khắp nơi. Tôi là con trai nên đi lại như con thoi, vận chuyển hoa quả, thực phẩm Tết về nhà. Bánh chưng có khi phải gửi luộc chung, khi thì ở quanh xóm, khi thì tận nhà bếp Bệnh viện Việt - Xô. Được tắm lá mùi, ăn cái bánh đầu tiên rồi bày bánh lên bàn thờ, những giờ phút ngồi bên nồi bánh trò chuyện nhìn ngọn lửa hồng thầm ước cho một tương lai sáng sủa hơn... nay ngày càng khó làm lại.
Là bác sĩ gia đình của xóm, tôi thường được mọi người mời xông nhà. Nhất là các bà, các cô có vấn đề về sức khỏe. Mẹ tôi yếu lắm, nghèo lắm nhưng cũng mừng tuổi tôi thật to khi tôi tự đi ra ngoài sau giao thừa rồi lại quay vào chúc mẹ mạnh khỏe, sống lâu. Tôi lấy mừng tuổi rồi sau đó “mừng” lại mẹ. Phút quây quần bên mâm cơm giao thừa, khi mà tôi có thể ăn giò và thịt thoải mái, em tôi cắm lọ hoa và treo thiệp do anh tôi học bác sĩ ở Liên Xô gửi về, bố tôi nhâm nhi chén rượu, mẹ tôi cố gắng ăn nhiều hơn.., có lẽ là vui nhất mà không bao giờ gia đình tôi có lại được.
Ngày Tết dù không mong cũng nhanh đến, nhanh đi. Tôi thường đi chơi chúc Tết một vòng bạn bè, họ hàng. Tôi không có bạn gái vì tự nhủ rằng nếu yêu ai hoặc ai yêu mình đều sẽ chịu khổ cả: nhà nghèo, đông con, mẹ bệnh nặng, tương lai còn mờ mịt... Nhóm bạn thân hồi đó bây giờ vẫn cố gắng thăm nhau ngày Tết nhưng đã thành những bậc trung niên cả rồi.
Nối nghiệp cha, anh tôi rồi tôi cũng làm bác sĩ, chị và em gái đều làm trong bệnh viện... Cả một gia đình làm ngành y. Không bắt buộc, cũng chẳng định hướng nhưng rồi như số mệnh, mọi người đều theo nghề, làm nghề. Người bác sĩ bây giờ vẫn được xã hội trọng vọng như xưa mà cuộc sống lại được cải thiện nhiều. Thật may mắn! Tất cả chúng tôi đều yên tâm học hỏi, cống hiến và hưởng thụ hạnh phúc từ cuộc sống.
Tết đã gần lắm rồi! Cái ồn ã, tưng bừng, náo nhiệt đã tung hoành khắp ngõ phố muốn cuốn trôi đi tất cả, giục giã ta hăm hở sống và làm việc. Thế nhưng những phút lắng lòng, hồi tưởng, mất mát, thương nhớ về một quãng đời sinh viên trường y luôn đến với tôi và chắc là với nhiều người cũng vậy.
BS. Hoàng Cương (BV Mắt TW)