Là người phổ nhạc rất nhiều bài thơ, nhạc sĩ Phú Quang không câu nệ đó là nhà thơ nổi tiếng hay vô danh. Có những bài ông được giới thiệu, rồi bạn bè nhờ vả cũng nhiều nhưng có bài là do ông tự tìm đến, vì thấy đồng cảm.
Gọi là phổ thơ nhưng có nhiều bài nổi tiếng, nhạc sĩ chỉ lấy ý, lấy tứ. Khi xử lý một bài thơ nào đó, ông không lệ thuộc vào lời thơ nguyên bản quá nhiều mà căn cứ vào cảm xúc cá nhân khi tiếp cận nó. Ông cũng chỉ phổ khi bài thơ ấy khiến ông tìm thấy cảm xúc của mình, để sự đồng điệu được chắp cánh. Vì thế, thơ và nhạc có sự hoà quện, gắn bó như của chính tác giả vậy.
Một bài hát nổi tiếng được nhiều người nhắc đến là Em ơi Hà Nội phố, phỏng theo bài thơ Hà Nội phố của cố nhà thơ Phan Vũ (ông vốn là đạo diễn sân khấu - điện ảnh, hoạ sĩ) có thể nói là điển hình trong cách phổ thơ "thương hiệu" Phú Quang.
Bài Hà Nội phố vốn là trường ca dài 443 câu, chia thành 24 khổ, được Phan Vũ viết vào những ngày tháng Chạp năm 1972 - những ngày bi thương của Hà Nội. Bài thơ có đề từ là "Gửi những người Hà Nội đi xa".
Trong 443 câu, nhạc sĩ Phú Quang chỉ lấy 6 câu nguyên bản. Gồm ba câu mở đầu trong bài thơ (cũng là mở đầu cho bài hát): "Em ơi! Hà Nội phố/Ta còn em mùi hoàng lan/Ta còn em mùi hoa sữa"; "Ta còn em một màu xanh thời gian"; và: "Người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/Bỗng thấy mình không nhớ nổi con đường".
Còn lại, ông chỉ "nhặt" vài ý nhỏ trong trường ca, như: "Ai đó chờ ai, tóc xoã vai mềm" trong ý thơ: "Ta còn em một gốc cây/Một cột đèn/Ai đó chờ ai?/Tóc cắt ngang/Xoã xoã bờ vai".
Điều đặc biệt ở ca khúc này là từ bài thơ nói về sự buồn thương, nỗi xót xa khi Hà Nội tang tóc trong trận dội bom của không quân đế quốc Mỹ năm 1972, nhạc sĩ Phú Quang - ở thời điểm năm 1986 - đã đưa bài hát thành thời đại của mình, cảnh sống của mình (khi nhạc sĩ đang sống ở Sài Gòn). Những câu thơ lột tả về sự mất mát trong chiến tranh, nhạc sĩ chỉ nhắc nhớ ký ức một cách ẩn dụ: "Ta còn em cây bàng mồ côi mùa đông/Ta còn em nóc phố mồ côi mùa đông/Mảnh trăng mồ côi mùa đông/Mùa đông năm ấy/Tiếng dương cầm trong căn nhà đổ".
Nếu như Phan Vũ gợi nỗi tiếc thương với người đã đi xa thì Phú Quang là sự nhớ nhung của người mong ngóng trở về. Nếu Hà Nội phố là cảm xúc sau chiến tranh thì Em ơi Hà Nội phố là tình yêu của thời bình.
Vì thế, bài hát không có ký ức đau thương như: "Em ơi! Hà Nội - phố.../Ta còn em mảnh đại bác/Ghim trên thành cổ/Một thịnh, một suy/Thời thế/Lẽ hưng vong/Người qua đó hững hờ bài học sử...";
Hay nỗi đau: "Đôi tân hôn chưa kịp nằm chiếu hoa/Đã có tên trong vòng hoa tưởng niệm..."; mà là cảm giác bâng khuâng, nhớ nhung về Thủ đô với cảm xúc lãng mạn, hào hoa mà cũng đầy buồn thương, day dứt của người đi xa nhớ về. "Tôi yêu Hà Nội, tình yêu cực đoan đến nỗi khi nhìn chiếc lá, trong phút ngông cuồng tôi đã nghĩ lá ở Hà Nội xanh hơn nơi khác" - nhạc sĩ Phú Quang từng tâm sự về nỗi nhớ Hà Nội trong những ngày nặng gánh mưu sinh.
Dù vậy, có lần nhạc sĩ Phú Quang tâm sự rằng phải đến 10 năm sau, Em ơi Hà Nội phố mới trở nên nổi tiếng. Ngược với bài Mẹ của ông, chỉ 1 năm sau đã được phổ biến rộng rãi. Thậm chí, khi mới được phát lần đầu, có nhiều người hoảng hốt nói: "Ông viết như thế sắp mất Hà Nội đến nơi rồi!". Vậy mà 10 năm sau, nó là một trong những bài hát hay nhất về Hà Nội.
Sau này, có nhiều ca sĩ nổi tiếng thể hiện Em ơi Hà Nội phố như Ngọc Tân, Bằng Kiều, Thanh Lam, Mỹ Linh, Cẩm Vân, Tuấn Ngọc... nhưng nhạc sĩ Phú Quang nói rằng ông thích bản thể hiện của Hồng Nhung hơn cả "vì Hồng Nhung đã hát bằng cách dung dị nhất".
Gọi là phổ thơ nhưng Phú Quang chỉ nhặt ý, lẩy ý chứ ít khi lấy nguyên của bài. Như bài Đâu phải bởi mùa thu được dựa theo bài thơ Yên tĩnh của nữ sĩ Giáng Vân viết năm 1983. Từ "đá núi trụi trần vết tạc thời gian" trong thi ca sang "đá núi tật nguyền vết sẹo thời gian", hay "cây lá có rơi nhiều, xin đừng hỏi mùa thu" thành "lá trút rơi nhiều, đâu phải bởi mùa thu" được cho là sắc và tinh tế hơn.
Với bài Hà Nội ngày trở về cũng vậy. Trong bài thơ, nhà thơ Doãn Thanh Tùng viết những câu mà theo nhạc sĩ là "rất ghê": "Hà Nội ơi, tôi đã cất giữ người cẩn thận/Như dưới làn da kia dẫu đã héo nhàu, máu vẫn âm thầm chảy"; Hay: "Mỗi lần ra đi/Nặng nề như có chửa/Và vội vàng của một kẻ tham lam". Bằng sự tinh tế, nhạy cảm và tài hoa, nhạc sĩ Phú Quang đã khiến ca khúc trở nên lãng mạn và da diết hơn.
Ngược lại, có bài ông gần như giữ nguyên, chỉ thay đúng 1 từ là bài Khúc mùa thu của nhà thơ Hồng Thanh Quang. "Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/Mãi cô đơn vằng vặc giữa trời", nhạc sĩ đổi: "Sẽ chỉ còn quầng thu thuở ấy/Nỗi cô đơn vằng vặc giữa trời".
Những ngày này khi người nhạc sĩ tài hoa ấy đã mãi mãi rời xa, người yêu Hà Nội, yêu tiếng lòng của ông cảm giác như người thân của mình vừa đi xa. Và có lẽ, một phần nào đó của Hà Nội dường như cũng đi theo Phú Quang.
Xem thêm video đang được quan tâm
Căng thẳng tinh thần trong đại dịch COVID-19, nên làm gì?