Phú Quang làm nên 'thương hiệu âm nhạc' về Hà Nội
Đạo diễn Lê Hoàng chia sẻ gặp nhạc sĩ Phú Quang từ lâu, 3 bộ phim của Lê Hoàng từng được nhạc sĩ Phú Quang viết nhạc. "Phú Quang là một người thực tế. Anh yêu âm nhạc, yêu Hà Nội nhưng tuyệt nhiên không phải yêu đơn phương. Bày tỏ như thế nào, bày tỏ ra sao và dưới dạng gì đó là việc của Hà Nội, anh không quan tâm nhưng không quên", đạo diễn phim Ai xuôi Vạn Lý (tác phẩm điện ảnh do Phú Quang viết nhạc) chia sẻ.
Theo đạo diễn Lê Hoàng, đối với nhạc Phú Quang, Hà Nội là chuông chùa Hồ Tây, là sương mù Quảng Bá, là hoa sữa, hoa sấu, cùng lắm là tiếng tàu điện leng keng. Tóm lại, Hà Nội của Phú Quang ngơ ngác, mờ ảo, thoang thoảng, phất phơ. Phú Quang không chọn được, không hiểu được và không bao giờ muốn hiểu Hà Nội kẹt xe, Hà Nội bia hơi, Hà Nội văn phòng hoặc Hà Nội cao ốc.
Tác giả Điều giản dị muốn đổi phắt Hà Nội này lấy Hà Nội kia, hình như bằng bất cứ giá gì. Đạo diễn phim Lọ lem hè phố nhận định như thế. Ông cũng cho rằng, chưa nhạc sĩ nào có nhiều đêm nhạc Hà Nội như Phú Quang. Cả nhạc sĩ Phú Quang và Hà Nội đều nương tựa vào nhau mà sống, ca ngợi nhau một cách chân thành nhất.
Nhà văn Hoài Hương nhiều lần ghé nhà nhạc sĩ Phú Quang tại Hà Nội để phỏng vấn, từng nghe show nhạc của ông ở Thủ đô. Chị cho biết, Phú Quang đã có thời gian ở Sài Gòn, nhưng chỉ là thân Sài Gòn mà thần ở Hà Nội. Khi ấy tình yêu Hà Nội trong Phú Quang thật sâu thật đằm, có cả cái nhói buốt tim vì nhớ đến thắt ruột thắt gan…, và với nhạc sĩ này không có gì có thể so với Hà Nội, kể cả chiếc lá cũng thua vẻ đẹp.
Trong hơn 600 ca khúc, chỉ có một số bài nổi tiếng ông gọi đích danh Hà Nội: Em ơi, Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Lãng đãng chiều đông Hà Nội, Hà Nội và em khi thu chớm đông sang, còn lại đa phần không cần chỉ dấu "Hà Nội", nhưng ai nghe cũng biết ca khúc nói về Hà Nội.
"Phú Quang dung nạp những hình ảnh phố cổ, hoa sữa, cây bàng, gió mùa đông bắc, cơn heo may tiếng dương cầm, nóc nhà thờ, sóng sông Hồng... làm nên một Hà Nội đẹp trong tĩnh lặng, thâm nghiêm, trầm mặc, lãng mạn, nên thơ, sang quý và cả buồn man mác riêng tư bởi những hao hụt thời gian", nhà văn Hoài Hương chia sẻ.
Hà Nội trong Phú Quang không là một Hà Nội lộng lẫy, ngược lại là những hồi niệm gắn với ký ức của những đổ vỡ, phai tàn. Cảm xúc về Hà Nội trong nhạc Phú Quang là nỗi nhớ nhung, hoài niệm về miền ký ức phố đẹp đẽ, êm đềm, dịu ngọt, đôi khi thổn thức thao thiết đến nghẹn ngào rưng rưng...
Không phải Hà Nội hiện đại, xô bồ với nhịp sống hối hả mà là Hà Nội trữ tình, yên bình, một Hà Nội với đêm mùa thu trăng lạnh trong Im lặng đêm Hà Nội. Hà Nội với mùa thu lá vàng trong Đâu phải bởi mùa thu hay Hà Nội với gió mùa đông bắc se lòng trong Nỗi nhớ mùa đông.
Những bản tình ca đậm tình yêu Hà Nội với hàng trăm ca khúc về mảnh đất này không chỉ hát về sự lãng mạn của mùa thu, chất chứa của mùa đông, lãng đãng của những con phố để có thể làm người nghệ sĩ lang thang hoài trên phố/Bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường. Những bản tình ca ấy đôi khi chẳng cần lời lẽ, câu từ, chỉ có âm nhạc cũng đủ chạm sâu vào trái tim để mà thao thiết đắng ngọt nỗi nhớ tình yêu Hà Nội.
Nhạc sĩ Phú Quang đã được tôn vinh và nhận "Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội" năm 2020 bởi những tác phẩm đặc sắc của ông về Thủ đô. Hội đồng giám khảo giải thưởng đánh giá, trong vệt bài hát, Phú Quang ngoài việc tự thổ lộ nỗi nhớ của mình, cái đáng kể là ông rất giỏi biến nỗi nhớ của nhiều nhà thơ về Hà Nội trở thành nỗi nhớ của mình. Giỏi đến nỗi khi Phú Quang chọn bài thơ nào, thì bài thơ đó qua cung bậc nhớ của ông, nó đã hóa thân một cách tự nguyện vào bài hát và để rồi người ta nhớ đến nó chính là nhớ đến cái giai điệu hát nó lên.
Với nỗi nhớ Hà Nội theo kiểu riêng của mình, Phú Quang đã "chộp" rất "trúng" những bài thơ đồng điệu với nỗi nhớ kiểu riêng anh. Có thể kể ra những cung bậc nhớ ấy gồm: Chiều hoang, Chiều phủ Tây Hồ phổ thơ Thái Thăng Long, Hà Nội ngày trở về (thơ Thanh Tùng), Nỗi nhớ mùa đông (thơ Thảo Phương), Lãng đãng chiều đông Hà Nội (thơ Tạ Quốc Chương)…
Nhạc sĩ Phú Quang - dấu ấn sáng tác khí nhạc ít ai biết
Trong lời chia buồn phát đi gửi đến gia đình nhạc sĩ Phú Quang, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP. HCM (HBSO) nhấn mạnh, Phú Quang - chàng nhạc sĩ lãng du của Hà thành đã nhẹ bước ra đi và gửi mình lại mảnh đất mà ông đã tận hiến cả cuộc sống và sự nghiệp sáng tác.
Người yêu nhạc Việt Nam nhớ tới Phú Quang với sự nghiệp sáng tác hàng trăm ca khúc nổi tiếng, rất nhiều bài trong đó đã trở thành niềm say mê của công chúng, nhất là những tuyệt phẩm về Hà Nội. Bên cạnh đó, có một phần giá trị lớn trong sự nghiệp sáng tác của nhạc sĩ Phú Quang mà công chúng ít biết tới hơn là mảng những sáng tác cho khí nhạc.
Xuất thân, nhạc sĩ Phú Quang cũng là nghệ sĩ chơi kèn Cor trong dàn nhạc giao hưởng và cũng là một trong những thành viên đầu tiên của HBSO khi Nhà hát được thành lập năm 1993. Thời gian làm việc cùng HBSO, nhạc sĩ Phú Quang say mê với việc dàn dựng, chỉ huy và sáng tác khí nhạc.
Vở vũ kịch Lời sám hối muộn màng, biên đạo múa NSND Vũ Việt Cường, NSND Kim Quy, âm nhạc được viết bởi nhạc sĩ Phú Quang và chính ông chỉ huy, đã được biểu diễn rất thành công tại TP.HCM. Phú Quang còn sáng tác âm nhạc cho nhiều tác phẩm múa khác với phần biên đạo của NSND Vũ Việt Cường. Một trong những tác phẩm giá trị khác đó là bản Tình yêu của biển viết cho flute độc tấu cùng dàn nhạc giao hưởng.
"Với những cống hiến to lớn trong nghệ thuật âm nhạc, nhạc sĩ Phú Quang sẽ mãi mãi chiếm vị trí một quan trọng trong những trái tim yêu nhạc Việt Nam", HBSO khẳng định.
Lời hẹn của saxophonist Trần Mạnh Tuấn theo người về cõi nhớ
Tháng 4/2020, nghe tin nhạc sĩ Phú Quang sức khỏe không được tốt và phải nằm viện điều trị tích cực, nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn rất lo lắng. Nhưng một tối giữa tháng, Trần Mạnh Tuấn nhận được điện thoại của chị Anh Thư - vợ nhạc sĩ Phú Quang, báo tác giả Em ơi, Hà Nội phố đã khỏe lại. Trần Mạnh Tuấn vội gọi điện thoại có chức năng video để hỏi thăm, "nghe thấy tiếng chú nói và nhìn mặt tươi, da hồng hào làm tôi mừng tý rơi nước mắt!".
Kỷ niệm nhạc sĩ Phú Quang và Trần Mạnh Tuấn lưu diễn châu Âu. Nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn ngẫu hứng thổi ca khúc Đâu phải bởi mùa thu. (Nguồn video: Youtube Trần Mạnh Tuấn).
Theo chia sẻ của nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn, anh và nhạc sĩ Phú Quang đã có nhiều vui buồn cùng nhau trong các chuyến lưu diễn khắp châu Âu và Nga, đã từng ở cùng những khách hạng sang và cả khách sạn 1 sao giường tầng. "Gần 20 năm không có chương trình nào của nhạc sĩ Phú Quang mà không có Trần Mạnh Tuấn biểu diễn. Mê và biểu diễn những tác phẩm của nhạc sĩ Phú Quang nhiều năm nên yêu cả con người đầy đam mê nhưng thẳng tính, đôi khi có tý ngang tàng trong đó, chả sao cả vì đó là nhạc sĩ Phú Quang", nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn cho biết.
Thời điểm tháng 4 năm ngoái, khi sức khỏe của nhạc sĩ Phú Quang cải thiện, Trần Mạnh Tuấn đã gửi lời cầu chúc tới tác giả Điều giản dị sớm bình phục, "để sau dịch chúng ta lại có những show hoành tráng và những tác phẩm để đời về Hà Nội của chú lại vang lên tại thánh đường Nhà hát Lớn vào một ngày gần nhất".
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và bản thân nhạc sĩ Phú Quang sau đó phải điều trị bệnh dài ngày, đến sáng 8/12/2021 ông qua đời. Lời hẹn của Trần Mạnh Tuấn với nhạc sĩ Phú Quang hôm nào vì thế đã mãi mãi theo người về cõi nhớ. Nhạc sĩ Phú Quang đã không còn "lang thang hoài trên phố", cũng ra đi nhẹ nhàng dù có lúc "chẳng nhớ nổi một con đường"...