Hà Nội

Phú Quang và Hà Nội chưa ... chán nhau?

16-11-2017 19:44 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Năm 1988, nhạc sĩ Phú Quang làm liveshow đầu tiên tại Nhà hát Lớn TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó rất nhiều nhạc sĩ đã ái ngại: Dại thế, sao lại dám làm riêng một tác giả? Không cẩn thận thì chết đứng giữa sân khấu.

Ấy vậy mà cú liều mạng đó đã thành công ngoạn mục. Kể từ đó đều đặn một năm nhạc sĩ làm 2 liveshow, cho đến tận bây giờ.

Một Phú Quang rất quen

Nhiều nhạc sĩ đã thực hiện những đêm nhạc riêng nhưng đều như vắt chanh, miệt mài năm này qua năm khác duy nhất có Phú Quang. Không còn nghi ngờ gì nữa, anh là nhạc sĩ kinh doanh bản thân thành công nhất. Những đêm nhạc của riêng anh nối nhau đều đặn ra đời, quen thuộc đến mức Hà Nội cứ chớm vào thu hay đầu xuân là người ta lại hỏi nhau: Phú Quang có sắp làm liveshow không nhỉ? Như thể những cơn gió xao xác sang mùa nhắc nhớ tìm lại cảm giác mê đắm đã từng qua. Người viết tình khúc sang nhất có lẽ là kẻ yêu tình yêu, yêu đắm đuối, yêu say mê, nên lo lắng, nên ngơ ngẩn, nên vụng dại và thường là ngập ngừng do dự. Nhà thơ Lê Đạt đã nói như vậy. Ông thêm: Tôi yêu tiếng tỏ tình ngập ngừng do dự trong nhạc Phú Quang. Chất mơ màng trong sáng sâu lắng của tình khúc Phú Quang dễ chạm vào góc đa cảm bất cứ hồn ai. Nhạc của anh có thể thay lời tình tự, bởi vậy mà nó sống dai dẳng trong ký ức, hiện tại và chắc là cả tương lai của một đời người. Hiếm có ca khúc nào của Phú Quang bỗng nhiên hot bùng lên như một hiện tượng âm nhạc mà quảng đại quần chúng nhân dân suốt ngày nghêu ngao dạng như Chiếc khăn gió ấm, Lạc trôi, Chúng ta không thuộc về nhau, Em gái mưa... - So sánh thế này tôi cũng hơi sợ nhạc sĩ giận đấy - thế nhưng tiêu chí ở đây là độ phủ sóng ca khúc. Nhạc Phú Quang là thức dành cho những tâm hồn đã đi qua những ngấu nghiến nghiền ngẫm kiếp u tình, những được mất đời người ai cũng có. Và vì thế khi nó đọng lại thì như một cái dằm trong tim người, không làm sao lẩy ra được.

Có phải vì thế mà những liveshow Phú Quang lần nào cũng không còn ghế trống. Thậm chí người ta phải kê thêm cả ghế trong những lô VIP của Nhà hát Lớn Hà Nội hay dãy ghế cuối cùng của tầng 1 thường không đánh số để dành cho cánh nhà báo nay cũng được đánh số chả sót ghế nào. Với cái tên Phú Quang - đó là một hình ảnh quen, thật quen.

Nhạc sĩ Phú Quang.

Nhạc sĩ Phú Quang.

Để có một chỗ ngồi đường hoàng trong đêm nhạc Phú Quang người ta phải bỏ ra số tiền không nhỏ. Vài triệu đồng, ấy là nỗi đắn đo ngay cả với dân đông tiền lắm bạc. Thế nhưng nhạc sĩ quyết không bao giờ hạ giá, chỉ là: Nếu làm chương trình cho sinh viên, tôi sẵn lòng làm miễn phí. Anh muốn nâng tầm nghệ thuật lên đúng với giá trị của nó. Theo Phú Quang, tiền triệu người ta ăn nhậu hay đi chơi một buổi cũng hết, cớ sao lại hà tiện với nghệ thuật? Chủ đích này đã sàng lọc khán giả của nhạc Phú Quang. Họ hiển nhiên là những người khá giả nhưng hơn cả là tâm thế bước vào những đêm nhạc sang trọng ấy như thể đặt chân vào thánh đường - nơi họ biết chắc mình sẽ được trải qua những rung động lộng lẫy. Phú Quang thành công không chỉ vì những đêm nhạc chất lượng cao mà còn vì đã xác lập được đẳng cấp của khán giả. Có mặt trong những đêm nhạc đó chắc chắn là sự hãnh diện. Xúc cảm ấy hình như khó mua được chỉ bằng tiền.

“Có người bảo tôi tổ chức chương trình giỏi thế. Tôi mới bảo sao ông không bảo tôi làm chương trình hay thế. Tôi có thể tự tin mà nói rằng tôi bán vé chạy vì tôi làm chương trình hay” - Phú Quang nói.  Một sự tự tin hoàn toàn có cơ sở. Những đêm nhạc ấy, bao năm rồi vẫn những Em ơi Hà Nội phố, Hà Nội ngày trở về, Khúc mùa thu, Tình khúc 24, Mơ về nơi xa lắm, Biển nỗi nhớ và em, Dương cầm lạnh, Đâu phải bởi mùa thu, Romance, Mẹ, Hà Nội và em khi thu chớm đông sang... Mãi mà Phú Quang và Hà Nội chưa... chán nhau, kể cũng nên tính là một hiện tượng. Người biểu diễn thì ngoài đội nòng cốt Thanh Lam, Tấn Minh, Ngọc Anh, Mỹ Hạnh, Đức Tuấn, Trần Mạnh Tuấn, Trinh Hương, Bùi Công Duy... hầu như lần nào cũng xuất hiện thì thi thoảng mới có thêm cái tên mới, như Minh Chuyên, Minh Thu...  Liệt kê như thế để thấy Phú Quang - quen lắm ấy mà nói phũ thì cũ lắm rồi, cũng được. Ấy vậy thì giải thích làm sao với những đêm diễn chật ních khán giả, tiếng vỗ tay vang dội sau mỗi tiết mục và tất cả đều ngồi lại đến hết chương trình, khi đêm đã xuống rất sâu?

Chắc chỉ có thể giải thích là bởi tình yêu. Yêu thật sự thì sẽ chả bao giờ thấy chán. Một ngày không gặp người yêu thì nhớ. Thậm chí đang nằm bên nhau còn thấy nhớ, ấy là cảm giác của những kẻ đang yêu. Từng đã có nhiều đêm nhạc lớn của những sao đình đám một thời được tổ chức tại Việt Nam, dễ dàng nhận thấy rằng khán giả chỉ ngóng chờ những ca khúc hit một thời. Như là Boney M với Jingle Bells, Daddy Cool, Rivers of Babylon, Ma Baker, Marys Boy Child. Hay Smokie với Living Next Door to Alice, Stumblin’ In, Midnight Lady. Hay là chỉ một nửa thành viên của Modern Talking đến Việt Nam nhưng khán giả vẫn háo hức nghe lại You’re My Heart, You’re My Soul, Cheri Cheri Lady, Brother Louie, You Can Win If You Want. Hoặc giả như đêm nhạc Chế Linh - Thanh Tuyền cũng trong tháng 11 này, người ta vẫn mong nghe Tình bơ vơ, Con đường xưa em đi...

Từ đó mà suy ra, hiểu vì sao Phú Quang vẫn còn đầy hấp lực với dân đã trót mê đắm nhạc tình của ông.

Một Phú Quang lạ

Trên sân khấu Nhà hát Lớn đêm mùng 10 tháng 11 vừa rồi, tiếng kèn Trần Mạnh Tuấn da diết cất lên với Một dại khờ một tôi Mơ về nơi xa lắm... Có những trường đoạn khán phòng lặng đi, đồng điệu với xúc cảm nghệ sĩ. Nhưng đêm sau anh cống hiến cho khán giả những phút phiêu bồng khác, vẫn là mà lại không hẳn nó. Cái sự quen quen lạ lạ trong những đêm nhạc tình Phú Quang chắc hẳn là một thứ ma túy âm nhạc.

Nhưng Phú Quang không bao giờ bê nguyên xi kiểu bình mới rượu cũ để đãi khán giả. Với nghệ thuật, anh luôn nghiêm túc, trân trọng khán giả. Mỗi chương trình của anh đều là kết quả của sự dốc lòng, chỉ cho một mục tiêu duy nhất: chất lượng. Bởi thế mà sân khấu Cho những ngày thu muộn (10-11/11/2017) mới cồn cào da diết với Thanh Lam qua Khúc mùa thu - bài hát mặc định thuộc về Lê Dung thuở nào; Với Minh Thu khắc khoải lắng đọng nhả từng tiếng vi vút Thu rất thật thu là khi chớm đông sang...; Tấn Minh bùng cháy với Mẹ; Mỹ Hạnh lâu lắm rồi mới hát Chiều không em - ca khúc khán giả mong chờ nghe lại nhất từ cô. Rồi Đức Tuấn, giọng nam đầu tiên thể hiện Tình khúc 24. Và chắc chắn không nên kiệm lời khen dành cho Minh Chuyên, cô ca sĩ nhỏ bé nhưng có giọng hát xuyên thấm không gian, đẩy cảm xúc của người nghe đến tận cùng, vỡ òa nức nở cùng cô với khúc Romance 2, Trong giấc mơ xưa.

Một đêm nhạc hơn 3 giờ đồng hồ mà dìu cảm xúc của cả khán phòng dồn lên dập xuống, như thể hình sin hay là mô phỏng nhịp đập trái tim - đủ thấy tài của chung cư Phú Quang. Đó là từ nhạc sĩ dùng để tả một người bạn đa tài, nhiều nhà trong một nhà. Tôi cũng muốn lặp lại để miêu tả về anh, nhạc sĩ/ đạo diễn show nhạc/ nhà sản xuất/ nhà tổ chức. Vai nào cũng tròn vẹn.

Phú Quang lạ vì mỗi lần gặp lại anh trong âm nhạc người ta lại nhận ra một điều gì đó mới. Như tình yêu, có ai dám nói đã hiểu hết được, định nghĩa hết được?

Phú Quang - Chuyện bình thường và những mảnh hồi ức chợt hiện

Đó là tên cuốn hồi ký mà nhạc sĩ không còn giữ bí mật với công chúng. Sách để trong hộp gỗ nâu sang trọng, được bày bán ở sảnh Nhà hát Lớn trong hai đêm nhạc. Ấn phẩm này hẳn là dành cho những người yêu Phú Quang, yêu nhạc Phú Quang. Ở trong đó có những ca khúc chọn lọc trong số hơn 400 bài anh đã viết, kẻ khuông nhạc cẩn thận, kèm theo những lời tự tình của tác giả hoặc những bức tranh có xuất xứ xa vời nhưng rõ ràng có sự kết nối cảm xúc giữa chúng. Phần thứ hai của sách chính là những mảnh hồi ức chợt hiện, nhạc sĩ viết về Tôi, Các con tôi, Một vài kỷ niệm với bạn bè và những người anh, Khán giả của tôi... Phần cuối là khoảng 20 bài báo trong số rất nhiều bài báo từng viết về anh, mang tính trang trí là chính vì chữ nhỏ đến mức phải soi kính lúp mới đọc rõ. Tôi đồ là rất nhiều người vốn ghen tị với Phú Quang, khi đọc xong sẽ gạt bỏ được tính xấu đó. Một Phú Quang cuộc đời không hề rải sẵn hoa hồng, làm đâu thắng đấy như những gì mà nhiều người vẫn mặc định. Trái lại, đó là một số phận đã đối mặt với cái chết ngay từ ấu thơ và về sau nhiều sự không may mắn chồng lên.

Tôi bị ám ảnh chia sẻ của nhạc sĩ: Khi nhận được tin bị ung thư tôi đã buồn nhiều. Mỗi ngày tôi uống hết một chai rượu và nhìn ngọn nến cháy rồi nghĩ đến mình. Và tôi viết bài Ngọn nến: Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm xa/ Em có thấy thời gian đang qua đi vội vã/ Khi từng giọt nến lặng lẽ rớt vào đêm sâu/ Ta chợt nghe mùa thu trắng trên đầu. Tôi đã tính buông xuôi nhưng phép màu đã xảy ra. Tôi được một người thầy hướng dẫn luyện tập và các khối u dần biến mất. Bởi thế, tôi mới nghiệm ra rằng cái chính là cần lòng tin, khi có lòng tin bạn sẽ vượt qua được nhiều chuyện tưởng như không thể.


Võ Hồng Thu
Ý kiến của bạn