Nhà báo, liệt sĩ đầu tiên của nền Báo chí Cách mạng
Những ngày cuối tháng 5, phóng viên Báo Sức khỏe và Ðời sống có mặt tại Nhà lưu niệm liệt sĩ Trần Kim Xuyến, đại biểu Quốc hội khóa I, nhà báo, Phó Giám đốc Nha Thông tin (Ðài Tiếng nói Việt Nam và Thông tấn xã Việt Nam ngày nay) để thành kính dâng hương tưởng nhớ nhà báo đầu tiên hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Ông là tấm gương sáng ngời của nền Báo chí Cách mạng.
Nhà báo Trần Kim Xuyến sinh năm 1921 tại Sơn Mỹ, Hương Sơn, Hà Tĩnh (nay là xã Tân Mỹ Hà), nơi có truyền thống đấu tranh kiên cường chống ách thống trị của thực dân phong kiến. Lớn lên giữa những ngày sôi động của phong trào Xô Viết - Nghệ Tĩnh, ông chứng kiến khí thế cách mạng sục sôi của giai cấp công nhân, nông dân dưới sự lãnh đạo của Ðảng và sớm giác ngộ cách mạng.
Tốt nghiệp Trường Quốc học Vinh (Nghệ An) với kết quả cao, Trần Kim Xuyến thi vào ngạch thông phán, được bổ nhiệm làm việc ở Tòa sứ tỉnh Bắc Giang. Trong thời gian này, ông vừa bí mật hoạt động cách mạng, vừa công khai hoạt động xã hội. Năm 1943, Trần Kim Xuyến chuyển về Hà Nội hoạt động cách mạng. Năm 1944, ông bị thực dân Pháp bắt giam ở nhà tù Hỏa Lò. Nhật đảo chính Pháp ngày 9/3/1945, ông cùng một số đồng chí tổ chức vượt ngục, đẩy mạnh tuyên truyền cách mạng, chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Hà Nội.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông được Bác Hồ chỉ thị tham gia thành lập Ðài Phát thanh Quốc gia. Sau Cách mạng tháng Tám, Trần Kim Xuyến được giao nhiệm vụ tiếp nhận, quản lý, vận hành các cơ quan thông tấn, cơ sở vật chất kỹ thuật thông tin của chính quyền cũ. Chính phủ lâm thời được thành lập, nhà báo Trần Kim Xuyến được cử làm Phó Giám đốc Nha Thông tin (tiền thân của Thông tấn xã Việt Nam và Ðài Tiếng nói Việt Nam ngày nay), là đơn vị thuộc Bộ Thông tin Tuyên truyền. Ông được giao trực tiếp phụ trách Việt Nam Thông tấn xã.
Tháng 1/1946, ông được bầu làm đại biểu Quốc hội khóa I ở khu vực Bắc Giang và là một trong những đại biểu trẻ nhất của Quốc hội. Ngày 3/3/1947, phát hiện đài phát sóng của ta ở chùa Trầm, thực dân Pháp huy động quân giới ào ạt tấn công, Trần Kim Xuyến đạp xe đi các nơi để chỉ huy việc sơ tán tài liệu. Trong quá trình thực thi nhiệm vụ, ông đã trúng đạn và hy sinh.
Ngày 23/4/1949, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh truy tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến. Trong đó nhấn mạnh: "Là một cán bộ tuyên truyền có tài. Trước ngày khởi nghĩa đã tích cực hoạt động giữa Thủ đô, mặc dầu chịu sự khủng bố, kiểm soát chặt chẽ của Pháp và Nhật; đã có công lớn xây dựng Nha Thông tin và Ðài Tiếng nói Việt Nam".
Nhà báo Trần Kim Xuyến ra đi khi mới 26 tuổi, ông là nhà báo đầu tiên của Báo chí Cách mạng Việt Nam hy sinh trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.
Những ngày cuối tháng 5, chúng tôi có dịp về thăm quê hương của liệt sĩ Trần Kim Xuyến. Giờ đây, người thân của ông còn rất ít. Suốt nhiều năm qua, trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, bà Nguyễn Thị Cưu (76 tuổi, em dâu của nhà báo Trần Kim Xuyến) vẫn một mình chăm lo hương khói cho ông.
Chỉ tay về ngôi nhà tưởng niệm Trần Kim Xuyến, bà Cưu cho biết, được sự quan tâm của cơ quan Thông tấn xã Việt Nam cùng chính quyền địa phương và anh em họ hàng, năm 2012, gia đình bà đã hiến đất để làm chỗ thờ tự cho nhà báo Trần Kim Xuyến. "Từ khi xây được ngôi nhà tưởng niệm để thờ cúng, lưu giữ kỷ vật cho anh chồng, tôi thấy rất vui. Ðây là niềm an ủi, động viên cho gia đình. Dù đã đi xa mấy chục năm, nhưng tên tuổi của anh luôn sống mãi", bà Cưu tâm sự.
Trong nhà tưởng niệm Trần Kim Xuyến, mỗi kỷ vật đều nhắc nhở về nhà báo quả cảm đã ngã xuống vì độc lập dân tộc, khiến niềm tự hào, khâm phục dâng trào trong mỗi chúng tôi.
Người "truyền lửa" cho thế hệ sau
Cả cuộc đời hoạt động cách mạng của nhà báo Trần Kim Xuyến đã cống hiến hết mình cho đất nước, cho nền Báo chí Cách mạng Việt Nam. Với Trần Kim Xuyến, dù ở bất cứ cương vị nào ông cũng luôn tận tâm, tận lực, cống hiến, hy sinh vì Tổ quốc.
Ông đã được Nhà nước truy tặng Huân chương Ðộc lập hạng Nhì, Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Em trai ông, liệt sĩ Trần Kim Luyện cũng đã hy sinh tháng 2/1954 trong một trận chống càn ác liệt ở Hà Nam. Mẹ ông, cụ Nguyễn Thị Lan được Nhà nước phong tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.
Tại Thủ đô Hà Nội có một con đường khang trang được mang tên Trần Kim Xuyến và ở huyện Hương Sơn - nơi ông sinh ra cũng đã gắn biển tên đường Trần Kim Xuyến. Con đường có chiều dài hơn 2km, rộng 12m, bắt đầu từ ngã tư Phố Châu, huyện Hương Sơn nối đường Hồ Chí Minh.
Ông Trần Anh Nam, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Hương Sơn cho biết, hàng năm, tại quê hương ông, vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam 21/6, Giải bóng chuyền nữ huyện Hương Sơn tranh cúp Trần Kim Xuyến được tổ chức, thu hút các câu lạc bộ bóng chuyền trong và ngoài tỉnh tham gia. Giờ đây, quê hương của ông, xã Tân Mỹ Hà, huyện Hương Sơn ngày càng đổi mới, giàu đẹp hơn. Ngày 21/8/2019, ngôi trường trung học cơ sở mang tên Trần Kim Xuyến được thành lập, trên cơ sở sáp nhập Trường THCS Bằng Phúc và Trường THCS Thủy Mai, đóng chân trên địa bàn xã Sơn Bằng, huyện Hương Sơn.
Ngoài ra, dịp kỷ niệm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, những người làm báo ở Hà Tĩnh lại hành hương về huyện Hương Sơn, dâng hương tại nhà tưởng niệm của nhà báo Trần Kim Xuyến, cùng với đó là chuỗi các hoạt động thăm tặng quà cho các trường hợp khó khăn, vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Những hoạt động này vừa để tri ân công lao của liệt sĩ, cũng là dịp nhắc nhở các thế hệ làm báo, nhất là những người trẻ, luôn phải học tập, noi gương các vị tiền bối, thường xuyên trau dồi kỹ năng để ngòi bút phải luôn hướng đến cộng đồng.
Trên đường đến nhà tưởng niệm liệt sĩ Trần Kim Xuyến là những con đường bê tông khang trang, nhiều nhà vườn không gian sạch đẹp. Từng ngôi nhà, từng khu vườn đều được chỉnh trang, quy hoạch trở thành những vườn mẫu tuyệt đẹp trong phong trào đẩy mạnh nông thôn mới.
Ông Trần Kim Chi, Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà cho biết, việc xây dựng nhà tưởng niệm là sự ghi nhớ công lao của nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến đã ngã xuống trong những ngày đầu kháng chiến. "Ðây là một "địa chỉ đỏ" để giáo dục truyền thống cho thế hệ mai sau, cũng là sự ghi nhớ công lao của một người con anh dũng của mảnh đất Hương Sơn", ông Chi nói.
Theo Chủ tịch UBND xã Tân Mỹ Hà, toàn xã có 1.700 hộ dân với gần 6.000 nhân khẩu, chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Trước đây, Tân Mỹ Hà là xã thuộc vùng hạ lưu của huyện có địa hình trũng, thường xuyên hứng chịu thiên tai, dịch bệnh, thời tiết khắc nghiệt nên đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù xã Tân Mỹ Hà còn nghèo nhưng giàu truyền thống cách mạng. Trên địa bàn xã có 296 người con của quê hương đã ngã xuống vì đất nước. Nhà báo Trần Kim Xuyến và người em trai Trần Kim Luyện là những liệt sĩ tiêu biểu trong số đó.
Cùng với hàng trăm nhà báo đã ngã xuống trong các cuộc trường chinh của dân tộc, sự hy sinh của nhà báo, liệt sĩ Trần Kim Xuyến đã truyền lửa cho các thế hệ sau, nối dài hành trình dấn thân không ngừng nghỉ của những người làm báo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.