Tính nhân văn trong báo chí hiện đại

21-06-2024 15:18 | Xã hội

SKĐS - Dù có phải bảo đảm thông tin mới, nóng và truyền tải thông tin nhanh, chính xác, thì điều quan trọng nhất trong mỗi bài báo vẫn là tính nhân văn.

Mỗi thông tin trên báo chí hiện đại cộng hưởng với mạng xã hội có sức lan tỏa rất nhanh và có thể hủy hoại sự nghiệp, cuộc sống của một cá nhân, tổ chức... Vì vậy, mỗi phóng viên cần cân nhắc liều lượng, kiểm chứng thông tin trong tác phẩm báo chí...

Nhà báo Thiên Ðiểu (Báo Tuổi Trẻ TP.HCM): Tính nhân văn - đòi hỏi của đạo đức nghề báo lẫn bạn đọc

Tính nhân văn trong báo chí hiện đại- Ảnh 1.

Nhà báo Thiên Điểu (phải).

Tính nhân văn trong báo chí thời nào cũng cần, thời báo chí trực tuyến "chạy đua" với mạng xã hội này lại càng cần hơn nữa. Ðiều đó đồng nghĩa, gánh nặng các nhà báo phải mang càng tăng lên nhiều phần, bởi vừa phải tăng tốc vừa phải luôn bình tĩnh, cẩn trọng để giữ các bài báo ở ngưỡng nhân văn.

Công việc hiện nay đòi hỏi các nhà báo phải là người đưa tin bài nhanh nhất ở thời báo chí cạnh tranh tính bằng phút, nhưng đồng thời phải không được sai lầm, thậm chí phải luôn đảm bảo tính nhân văn trong từng bài báo, rõ ràng là một đòi hỏi rất khó dành cho các nhà báo ngày nay. Và trong nhiều trường hợp, một nhà báo, một tờ báo có bản lĩnh và nguyên tắc nghề nghiệp tốt cuối cùng đã lựa chọn tính nhân văn thay vì tốc độ hay view.

Làm việc tại một tờ báo chuyên nghiệp, có chuẩn mực nghề nghiệp tốt, trong quá trình hành nghề, tôi cũng đã học hỏi được rất nhiều bài học sâu sắc về tính nhân văn trong báo chí. Tại tờ báo tôi làm việc, chúng tôi được đòi hỏi phải luôn là người nhanh nhất nhưng đồng thời phải hay nhất và nhân văn. Những yêu cầu này trong nhiều trường hợp sẽ bị mâu thuẫn. Nếu tôi phải làm rất nhanh, tất nhiên tôi không có nhiều thời gian để kiểm chứng thông tin thật kỹ càng và suy xét về mọi hậu quả tốt - xấu mà bài báo có thể tác động đến nhân vật hay đến với một nhóm cộng đồng, thậm chí với xã hội. Tôi sẽ có quá ít thời gian để cân nhắc về tính nhân văn, về việc tôn trọng quyền riêng tư, đưa tin công bằng, khách quan và tránh phán xét.

Và trong một vài trường hợp, ban đầu tôi đã tưởng tôi có những bài báo rất thành công khi chúng tạo hiệu ứng xã hội rất rộng lớn, nhiều bạn đọc lẫn đồng nghiệp khen ngợi. Nhưng chính tôi sau một quãng làm nghề, một quãng sống đủ dài, lại bắt đầu tự vấn liệu những bài báo từng mang đến nhiều "tiếng tăm" cho tôi ấy đã thực sự là những bài báo rất tốt hay chưa? Liệu nếu ở thời điểm này tôi có lựa chọn viết như vậy hay sẽ cân nhắc vấn đề một cách thỏa đáng hơn, tránh phán xét đúng - sai bằng tư duy nhị nguyên hay không?

Tôi từng hơn một lần chứng kiến làn sóng dư luận xã hội và báo chí, vượt rất xa mức độ mà tôi có thể hình dung sau một bài báo nào đó của tôi; chứng kiến những lời nặng nề mà cộng đồng mạng dành cho những nhân vật ấy. Tất nhiên tôi không vui.

Sau những bài học như vậy, giờ đây, dù vẫn phải đối mặt với áp lực thời sự, tôi luôn dành cho mình một quãng thời gian để cân nhắc về mức độ ảnh hưởng của bài báo tới những nhân vật mà tôi đang viết để đưa ra một bài báo công tâm, khách quan, trung lập nhất có thể. Rất may mắn cho tôi, mặc dù áp lực thời sự rất lớn với tờ báo tôi đang làm việc nhưng tôi có nhiều đồng nghiệp, những người lãnh đạo tờ báo cũng rất coi trọng tính nhân văn trong báo chí.

Gần đây, tôi chứng kiến tờ báo của tôi đã từ chối không ít những bản tin mà dự đoán nếu chúng tôi đăng tải sẽ hút lượng bạn đọc rất lớn, chỉ vì chúng tôi tuân thủ nguyên tắc tôn trọng quyền riêng tư của cá nhân khi xác định câu chuyện ấy là bi kịch gia đình.

Ở một phía khác, tôi nhận thấy những bài báo nhân văn, với những câu chuyện tích cực, truyền cảm hứng, hướng thiện mà tôi từng thực hiện cũng thu hút lượng bạn đọc không thua kém bất kỳ bài báo "gai góc" nào. Báo chí cần tính nhân văn, đó không chỉ là đòi hỏi của nghề báo, của đạo đức báo chí, mà cũng là đòi hỏi của bạn đọc.

Nhà báo Minh Thu, Báo Ðiện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam): Nhân văn - góc nhìn tích cực ngay trong những vấn đề tiêu cực

Tính nhân văn trong báo chí hiện đại- Ảnh 2.

Nhà báo Minh Thu.

Những năm gần đây, việc xây dựng môi trường báo chí hiện đại, chuyên nghiệp và nhân văn đang trở nên hết sức quan trọng, trở thành chủ đề của nhiều diễn đàn về thông tin - truyền thông trong thời đại mới. Có thể thấy rằng, để bắt kịp với nhịp điệu của thời đại công nghệ 4.0, báo chí cũng phải trở nên hiện đại, chuyên nghiệp thì mới giữ chân được độc giả. Và để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình thì báo chí không thể thiếu hai chữ: nhân văn - mang lại những góc nhìn tích cực ngay trong những vấn đề tiêu cực, để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.

Gặp nhau bên lề các sự kiện, giữa những chuyến tác nghiệp, cánh báo chí chúng tôi vẫn tranh thủ chia sẻ với nhau về chuyện nghề, chuyện đời. Nhiều người than phiền rằng làm báo thời nay thật nhiều áp lực, làm sao có thể hút view, hút độc giả thì mới hoàn thành được nhiệm vụ, mới bán được báo, có thế mới làm được kinh tế báo chí, làm sao chạy đua với mạng xã hội khi mà mỗi người dân với chiếc smartphone trong tay đều có thể trở thành "phóng viên báo chí".

Làm việc trong một cơ quan báo chí chính thống, chúng tôi luôn tâm niệm rằng mình phải luôn ở trong dòng chảy chủ lưu, không thể bị các xu hướng tin tức trên mạng xã hội dẫn dắt, chi phối. Chúng tôi xác định rằng mình không chạy theo mạng xã hội để đưa tin phiến diện nhưng vẫn luôn bám sát mạng xã hội để biết được điều gì đang xảy ra, người đọc đang quan tâm đến điều gì.

Chẳng hạn như sự việc "em bé lớp 1 không được ăn liên hoan vì mẹ không đóng quỹ lớp" mới đây nhất. Với những thông tin như vậy, chúng tôi không vội phản ánh, giật tít, câu view mà sẽ chậm lại một nhịp để kiểm chứng, đối chiếu thông tin. Tất nhiên, với những tin tức nóng hổi, những vụ việc nhức nhối, dư luận đang xôn xao, báo chí không thể đứng ngoài cuộc, không thể chỉ chọn cho mình một chỗ an toàn quan sát, chờ xem diễn biến. Chúng tôi tìm cách cân bằng giữa việc "đưa tin nhanh" và "đưa tin chuẩn xác". Ðủ nhanh để độc giả không phải mòn mỏi chờ thông tin trên trang báo mà họ tin cậy. Ðủ chậm để kiểm chứng và có cái nhìn trung dung với sự việc. Luôn đặt ra câu hỏi: Nếu tin tức này xuất hiện trên báo, liệu có người vô tội nào bị tổn thương?

Có đôi lúc để bắt kịp dòng thời sự, tôi vẫn sẽ đưa tin nhưng cũng xin thêm ý kiến của cơ quan quản lý Nhà nước, hay các chuyên gia có trách nhiệm, có khả năng phân tích, bình luận về vấn đề, để sau khi phản ánh hiện tượng tiêu cực, bài báo có thể gợi mở giải pháp, đưa đến góc nhìn nhân văn hơn cho độc giả, cũng là tạo ra một cánh cửa mở cho bài báo của mình để mọi người có thể tiếp tục có cách nghĩ đa chiều hơn.

Nhất là khi các nền tảng mạng xã hội, trang thông tin điện tử phát triển mạnh như vũ bão hiện nay, có cơ quan báo chí đã "câu view" bằng mọi cách: Rút tít giật gân, xoáy sâu vào bi kịch cá nhân, miêu tả chi tiết các vụ án mạng, làm "nóng" sự việc... Những kiểu tin, bài như vậy có thể thu hút dư luận, song mật độ thông tin dày đặc sẽ tạo ra bầu không khí tiêu cực, nhìn đâu cũng thấy xã hội thiếu an toàn, văn hóa suy đồi...

Không phải ngẫu nhiên mà cơ quan quản lý Nhà nước nhấn mạnh vai trò của báo chí nhân văn, báo chí giải pháp trong thời đại ngày nay. Báo chí nhân văn có thể hiểu là việc báo chí phản ánh những câu chuyện truyền cảm hứng, "lấy cái đẹp dẹp cái xấu", thổi bùng những giá trị tốt đẹp, hoặc ngay cả trong những mặt tối của xã hội, báo chí cũng chọn lăng kính nhân văn để phản ánh, chỉ rõ cái xấu nhưng cũng đề cập giải pháp, giúp hóa giải bế tắc, gợi mở lối thoát để con người có thêm niềm tin vào cuộc sống tốt đẹp hơn.

Chắc chắn, dù có phải chạy theo thông tin nóng thì điều quan trọng nhất trong mỗi bài báo vẫn là tính nhân văn, tố chất giúp báo chí khác với mạng xã hội cũng là tính nhân văn và đa chiều. Vì vậy, mỗi phóng viên cần giữ "trái tim nóng và cái đầu lạnh" kiểm chứng thông tin trong tác phẩm báo chí, dùng lăng kính nhân văn để tác nghiệp.

Thanh Hà
Ý kiến của bạn