Ðấu tranh với tin y tế xấu độc: Cuộc chiến còn dài

21-06-2024 13:34 | Xã hội

SKĐS - Việc đấu tranh loại trừ thông tin y tế xấu độc trên mạng xã hội là cuộc chiến không dễ và cần sự chung tay của toàn xã hội.

Những thông tin y tế thiếu căn cứ, thiếu kiểm chứng, phản khoa học, thông tin thổi phồng kiểu chữa bách bệnh, chữa khỏi ung thư… liên quan đến chăm sóc sức khỏe cộng đồng khi xuất hiện thường được chia sẻ với tốc độ chóng mặt, gây hoang mang dư luận. Việc đấu tranh loại trừ thông tin y tế xấu độc trên mạng xã hội là cuộc chiến không dễ và cần sự chung tay của toàn xã hội.

Muôn kiểu tung tin giả, tin phản khoa học về y tế

Thời đại công nghệ 4.0, việc chia sẻ thông tin chưa bao giờ dễ dàng đến thế. Bất cứ ai, làm bất cứ ngành nghề nào điều có thể chia sẻ thông tin và lan truyền nó trên các nền tảng online. Việc tiếp nhận thông tin không được kiểm chứng, không đảm bảo tính chính xác là rất nguy hại. Ðặc biệt là trong lĩnh vực y tế sức khỏe, khi tiếp nhận những thông tin sai lệch sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, thậm chí là đe dọa tính mạng.

Ðấu tranh với tin y tế xấu độc: Cuộc chiến còn dài- Ảnh 1.

Tình trạng tiền mất tật mang do tin tưởng các thông tin, quảng cáo trên mạng là không hề ít. Tư tưởng "chữa bệnh truyền miệng", tin mù quáng vào mẹo vặt dân gian hay thậm chí các "thầy thuốc dởm" với những phương pháp chữa trị phản khoa học vẫn còn tồn tại.

Thời gian qua, có nhiều câu chuyện đáng tiếc được cảnh báo về những trường hợp tin vào thực dưỡng, tập thiền, điều trị ung thư. Cách đây không lâu, Bệnh viện K đã tiếp nhận điều trị nữ bệnh nhân ung thư vú di căn, nhập viện trong tình trạng sức khỏe suy kiệt. Khai thác thông tin từ gia đình bệnh nhân cho biết, thời gian gần đây bệnh nhân nghe lời một người bạn về chữa bệnh theo phương pháp thực dưỡng, bỏ thuốc bác sĩ kê trong quá trình điều trị ngoại trú.

"Là bác sĩ điều trị chuyên ngành ung thư, chúng tôi rất lấy làm tiếc trước những trường hợp từ chối điều trị theo phương pháp y học hiện đại, đặt niềm tin vào những lời quảng cáo, truyền tai nhau uống thuốc Nam hay thực dưỡng. Ðấy cũng là điều chúng tôi thường xuyên tuyên truyền tại bệnh viện, tại khoa điều trị để tâm lý người bệnh luôn ổn định, đặt niềm tin vào các bác sĩ"- một chuyên gia của Bệnh viện K chia sẻ.

GS.TS. Lê Văn Quảng - Giám đốc Bệnh viện K, trong một chia sẻ về vấn đề này đã thẳng thắn cho rằng, có một số định kiến sai lệch về bệnh ung thư. Ðịnh kiến sai lầm phổ biến nhất là mắc bệnh ung thư thì đương nhiên là mang bản án tử hình, nếu có điều trị thì cũng chỉ có thể vớt vát, kéo dài sống thêm một thời gian ngắn. Hệ lụy của định kiến này là tâm lý bi quan quá mức, buông bỏ và không tuân thủ điều trị, trong khi đó bệnh nhân lại nghe theo những cách chữa bệnh chưa được kiểm chứng, những thông tin truyền miệng, mách bảo, thông tin lan truyền trên mạng.

Giám đốc Bệnh viện K cũng nhìn nhận, khách quan mà nói một số cơ chế bệnh sinh học ung thư còn chưa được làm sáng tỏ, căn bệnh này vẫn còn nhiều bí ẩn cần được khám phá, nhiều phương thức điều trị mới cần được nghiên cứu để chữa trị. Dường như điều này lại là nguyên nhân thông tin về bệnh ung thư dễ bị sai lạc, phản khoa học, dẫn tới không ít người bệnh ung thư bị lợi dụng.

"Chúng tôi cho rằng, điều đúng đắn nhất và nên làm là người bệnh và gia đình hãy trao đổi trực tiếp với bác sĩ chuyên khoa để hiểu rõ nhất về bệnh, điều trị và tiên lượng cũng như dùng các phương thức, thuốc điều trị chính thống tại cơ sở chuyên khoa, không nghe theo những lời đồn đại để mất đi thời gian quý báu có thể chữa được bệnh, kết cục là tiền mất tật mang" - GS.TS. Lê Văn Quảng nhấn mạnh.

Thực tế, với các tiến bộ y học ngày nay đã giúp nhiều người chữa khỏi hoặc có thể kéo dài sống thêm đáng kể tùy loại ung thư và giai đoạn bệnh. Một số loại bệnh ung thư có tỉ lệ khỏi bệnh trên 5 năm vượt quá 90% nếu phát hiện ở giai đoạn sớm và điều trị kịp thời như ung thư tuyến giáp, ung thư vú, ung thư tiền liệt tuyến, ung thư đại tràng... Hiện tại Bệnh viện K có rất nhiều bệnh nhân ung thư đã chữa trị ổn định 10 năm, 20 năm, 30 năm…

Trong lĩnh vực y tế, thông tin giả, tin gây hoang mang, đặc biệt về dịch bệnh thường có tốc độ lan truyền đến chóng mặt. Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh phát hiện một tài khoản đăng tải thông tin "Dịch bệnh đang nguy hiểm lắm, BV Nhiệt đới đã có 140 ca biến chủng mới của COVID-19". Lãnh đạo Bệnh viện khẳng định: "Thông tin trên là hoàn toàn sai sự thật. Người dân tránh nghe những thông tin thất thiệt như trên gây hoang mang, lo lắng".

Ðây chỉ là một trong vô vàn tin giả, tin thất thiệt về dịch bệnh xuất hiện trong giai đoạn chống dịch COVID-19. Và đã không ít lần Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông phải vào cuộc xử lý một số trang mạng xã hội cố tình thông tin phản khoa học, tin giả về dịch bệnh, gây hoang mang dư luận…

Ðấu tranh với tin y tế xấu độc: Cuộc chiến còn dài- Ảnh 2.

Những quảng cáo về thuốc với thông tin không tin cậy khiến người tiêu dùng dễ hiểu nhầm.

Lợi dụng hình ảnh y, bác sĩ nổi tiếng để tung tin giả nhằm bán thực phẩm chức năng, thuốc chữa bệnh

Tình trạng mạo danh chuyên gia, bác sĩ làm việc ở các bệnh viện lớn để trục lợi vẫn tiếp diễn. Chiêu thức điển hình là dùng tên tuổi, hình ảnh của bác sĩ, lập ra các trang giả danh trên mạng xã hội để bán thuốc. Mới đây trên mạng xã hội xuất hiện nhiều thông tin chia sẻ hình ảnh của PGS.TS. Ðồng Văn Hệ - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Ðức, chuyên gia về phẫu thuật thần kinh bỗng được "biến hóa" thành chuyên gia Viện Sốt rét Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương rao bán các sản phẩm diệt côn trùng.

PGS.TS. Phan Hướng Dương - Phó Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương tá hỏa và bức xúc khi được các đồng nghiệp cho biết về sự xuất hiện của một trang Facebook mạo danh mình. Trang giả mạo này không chỉ tư vấn sai về chuyên môn mà còn để bán thuốc trá hình. Người nhẹ dạ cả tin tốn tiền mua phải thuốc không rõ nguồn gốc đã đành, nhiều khi còn bỏ lỡ thời điểm chữa bệnh tốt nhất khiến bệnh càng nặng thêm.

Hay một website đã ngang nhiên lấy hình ảnh GS.TS. Nguyễn Lân Việt - nguyên Hiệu trưởng Trường Ðại học Y Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Tim mạch Việt Nam để quảng cáo cho sản phẩm Hypercare. Theo như nội dung tại website này, người giới thiệu về sản phẩm là GS.TS. Ðào Thiện Hải - bác sĩ tim mạch nổi tiếng hàng đầu tại Việt Nam, tuy nhiên hình ảnh sử dụng quảng cáo lại là GS.TS. Nguyễn Lân Việt.

Trước đó, một website khác cũng ngang nhiên sử dụng hình ảnh PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Ðại học Y Hà Nội, để quảng cáo cho sản phẩm Hypercare. Nội dung ngôn từ quảng cáo giống hệt website này, chỉ thay hình ảnh của PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu thành GS.TS. Nguyễn Lân Việt để quảng cáo.

PGS.TS. Nguyễn Lân Hiếu khẳng định: "Chúng tôi - những bác sĩ chuyên khoa tim mạch không bao giờ quảng cáo cho các thuốc chữa dứt điểm bệnh tăng huyết áp vô căn".

Thổi phồng quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe: Nguy hiểm cho người sử dụng

Tại tọa đàm "Ðạo đức trong quảng cáo thực phẩm chức năng" do Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam phối hợp với Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) tổ chức gần đây, PGS.TS. Trần Ðáng - Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam bức xúc: Quảng cáo sai trong lĩnh vực thực phẩm chức năng gây ra những tác hại hết sức nguy hiểm cho xã hội.

Thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho thấy, hiện nay có tới 80% các quảng cáo trong lĩnh vực phòng và hỗ trợ điều trị bệnh gây bức xúc trên môi trường internet, mạng xã hội, nền tảng thương mại điện tử... là "trá hình" thực phẩm chức năng.

Hiện tượng sai phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng không chỉ gây ra hậu quả "tiền mất, tật mang" cho người tiêu dùng mà còn làm giảm giảm uy tín của ngành thực phẩm chức năng, làm lẫn lộn giữa các doanh nghiệp làm ăn chân chính với doanh nghiệp làm ăn gian dối, đánh đồng sản phẩm thật và sản phẩm giả.

"Có 4 hiện tượng vi phạm đạo đức liên quan đến quảng cáo thực phẩm chức năng: quảng cáo sai sự thật, lừa gạt, giả mạo; quảng cáo phóng đại, thổi phồng sản phẩm; quảng cáo mơ hồ gây hiểu nhầm; quảng cáo nhắm vào các đối tượng nhạy cảm (người bệnh ung thư, hiểm nghèo).

Thông điệp mà những lời quảng cáo đưa ra như những quả bom dội vào nhận thức công chúng: Cam kết điều trị dứt điểm không hết không lấy tiền; đánh bay tiểu đường type 1 type 2, dứt điểm hoàn toàn huyết áp cao, gia truyền… Không sản phẩm khoa học nào có tác dụng như thế" - PGS.TS. Trần Ðáng lên tiếng.

Còn PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế cho rằng: Nguy hại về quảng cáo gian dối trong lĩnh vực y tế không chỉ về tài chính. Người bệnh nan y phát hiện điều trị sớm có thể khỏi, chí ít kéo dài sự sống, nhưng những quảng cáo "cam kết chữa khỏi" là vi phạm với quy định về quảng cáo, lừa dối người tiêu dùng.

"Người dùng cần biết, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức là không có tác dụng điều trị bệnh… Nếu quảng cáo như vậy là hành vi gian dối. Người có bệnh nếu mua sản phẩm quảng cáo gian dối đó sẽ không thể khỏi bệnh, mà nếu mắc bệnh nặng như ung thư sẽ mất thời gian vàng điều trị bệnh" - ông Phong lo ngại.

PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cho biết thêm, qua thanh kiểm tra, cơ quan chức năng đã phát hiện và chuyển cơ quan công an xử lý hình sự nhiều cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng giảm cân, xương khớp, tăng cường sinh lý nam có chứa chất cấm (theo quy định Bộ Y tế đã ban hành) trong thành phần.

Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Thanh Lâm nhận định, thực trạng quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật là vấn đề nhức nhối trong cộng đồng suốt thời gian qua, mặc dù đã đưa ra nhiều biện pháp nhưng chưa đủ mạnh để triệt tận gốc.

Ðấu tranh với tin y tế xấu độc: Cuộc chiến còn dài- Ảnh 3.

Mọi người cần chung tay đẩy lùi thông tin y tế xấu độc.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, việc quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay không chỉ nằm ở đơn vị phát hành quảng cáo, những nền tảng xuyên biên giới như TikTok, Facebook mà còn cả trí tuệ nhân tạo, các thuật toán… Ðây là những khó khăn đặt ra trong việc quản lý, xử lý và cảnh báo tới người tiêu dùng.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, để kiểm soát được những nội dung quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật, cần chú ý đến không gian mạng. Hiện nay, đã có nhiều biện pháp xử lý đối với những tên miền, doanh nghiệp vi phạm về quảng cáo như chặn tên miền quốc tế hoặc xử phạt trong nước.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho rằng, chúng ta có thể xếp hạng theo chuẩn mực đạo đức trong lĩnh vực quảng cáo. Song song với đó là thống kê, phát hiện xử phạt vi phạm, cần cho những nhãn hàng vi phạm vào "danh sách đen" để cảnh báo đến các đơn vị hợp tác và cả người tiêu dùng. Những doanh nghiệp nào nằm trong danh sách này sẽ dễ dẫn đến rủi ro, khủng hoảng nhãn hiệu…

Cuộc chiến đấu tranh với tin y tế xấu độc xem ra không dễ dàng và cần sự chung sức của cả cộng đồng. Ðể đấu tranh với tin y tế xấu độc, mỗi cá nhân hãy là những người tiêu dùng thông thái, không tin vào những tin y tế không được kiểm chứng, không mua và sử dụng thuốc tùy tiện theo lời mách bảo. Khi mắc bệnh, mọi người nên đến bệnh viện để khám và tuân thủ các chỉ định điều trị của bác sĩ.

Thái Bình
Ý kiến của bạn