Hà Nội

Nguyên nhân gây huyết áp thấp và cách điều trị

08-08-2024 10:47 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Không giống như tăng huyết áp, huyết áp thấp không phải là một bệnh mà đó chỉ là một trạng thái hay một triệu chứng gặp trong rất nhiều trường hợp khác nhau. Vậy huyết áp thấp do đâu, cách điều trị huyết áp thấp thế nào?

Nguyên nhân gây huyết áp thấp

Huyết áp không phải luôn luôn cố định, nó thay đổi theo thời điểm trong ngày, tùy thuộc theo vị trí cơ thể, nhịp thở, mức độ căng thẳng, tình trạng sức khỏe, thuốc đang uống, chế độ ăn uống. Huyết áp thấp có thể gặp trong các trường hợp:

- Do thuốc: Một số loại thuốc có thể gây ra huyết áp thấp, bao gồm thuốc lợi tiểu và các thuốc điều trị cao huyết áp; thuốc tim mạch như thuốc chẹn beta; thuốc điều trị bệnh Parkinson; thuốc chống trầm cảm ba vòng; thuốc rối loạn cương dương; ma túy và rượu. Sử dụng kết hợp các thuốc không cần kê đơn với các thuốc điều trị cao huyết áp có thể gây hạ huyết áp.

- Dị ứng và sốc phản vệ: Sốc phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể gây tử vong nếu không cấp cứu kịp thời. Sốc phản vệ có thể xảy ra ở những người nhạy cảm với các loại thuốc như penicillin, các loại thực phẩm như đậu phộng, ong đốt… Các biểu hiện nhận biết gồm các vấn đề hô hấp, nổi mề đay, ngứa, sưng cổ họng và giảm huyết áp đột ngột.

- Hạ huyết áp do hệ thần kinh: Rối loạn này gây ra huyết áp giảm sau khi đứng trong thời gian dài, dẫn đến các triệu chứng như chóng mặt, buồn nôn và ngất xỉu. Tình trạng này chủ yếu hay gặp ở những người trẻ tuổi và có bất thường tín hiệu thần kinh giữa tim và não.

- Thiếu hụt dinh dưỡng: Thiếu các vitamin thiết yếu B12 và acid folic có thể gây thiếu máu và dẫn đến huyết áp thấp.

Nguyên nhân gây huyết áp thấp và cách điều trị- Ảnh 1.

Thiếu các vitamin thiết yếu B12 và acid folic có thể gây thiếu máu và dẫn đến huyết áp thấp.

- Mang thai: Trong 24 tuần đầu của thai kỳ, thường gặp huyết áp giảm.

- Bệnh lý tim mạch: Một số bệnh tim có thể dẫn đến huyết áp thấp như rối loạn nhịp tim chậm, bệnh van tim, nhồi máu cơ tim và suy tim. Khi người bệnh mắc các bệnh này thì tim không có khả năng cung cấp đủ máu cho hệ tuần hoàn cơ thể.

- Bệnh lý nội tiết: Đây là các bất thường trong sản xuất hormone trong cơ thể như suy tuyến giáp, bệnh tuyến cận giáp, suy tuyến thượng thận, hạ đường huyết và một số trường hợp bệnh tiểu đường.

- Nhiễm trùng nặng và sốc nhiễm trùng: Sốc nhiễm trùng xảy ra khi vi khuẩn xâm nhập vào máu sản xuất độc tố tác động lên các mạch máu làm tụt huyết áp nặng đe dọa tính mạng.

- Giảm thể tích máu: Sự giảm thể tích máu cũng làm huyết áp giảm. Mất máu đáng kể do chấn thương nặng, mất nước hoặc chảy máu bên trong cơ thể nhiều làm giảm lượng máu dẫn đến giảm huyết áp nghiêm trọng.

Xử trí huyết áp thấp

Các triệu chứng huyết áp thấp hay gặp là chóng mặt, ngất xỉu, mất nước và khát nước bất thường.

Người bệnh còn có biểu hiện sốt, buồn nôn, tiêu chảy nặng, lạm dụng thuốc lợi tiểu và lao động vất vả có thể dẫn đến mất nước. Thiếu tập trung, nhìn mờ, da lạnh, nhợt nhạt; thở nhanh, thở nông; mệt mỏi, suy yếu, suy nhược.

Khi không có triệu chứng xuất hiện, huyết áp thấp không phải là một vấn đề lo ngại. Khi có các triệu chứng như trên cần phải khám và được điều trị bởi lúc này huyết áp thấp có thể do một nguyên nhân nào đó.

Nguyên nhân gây huyết áp thấp và cách điều trị- Ảnh 2.

Huyết áp hạ thấp người bệnh có thể nằm nghỉ ngơi một lúc hoặc uống nước trà gừng ấm.

Xử trí huyết áp thấp phải tùy thuộc vào bệnh lý chính gây ra huyết áp thấp. Trong trường hợp nếu huyết áp hạ thấp đến mức choáng váng thì người bệnh cần nằm nghỉ ngơi một lúc hoặc uống nước trà gừng ấm để huyết áp trở lại bình thường.

Nếu vẫn chưa hết, có thể sử dụng tạm thời một số thuốc nâng huyết áp theo chỉ định của bác sĩ. Sau khi tạm thời dùng các thuốc, nếu thường xuyên vẫn thấy các triệu chứng của huyết áp thấp, cần phải đi khám toàn diện để phát hiện các bệnh lý gây nên triệu chứng này và điều trị kịp thời. Tránh uống các thuốc nâng huyết áp thường xuyên, kéo dài có thể dẫn đến các tác dụng phụ bất lợi.

Điều trị huyết áp thấp như thế nào?

Đối với điều trị, tùy từng trường hợp cụ thể của các bác sĩ mà có phác đồ điều trị cụ thể. Nguyên tắc nếu huyết áp thấp mà không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ thì không cần điều trị.

Nếu có triệu chứng thì điều trị nguyên nhân gây huyết áp thấp như mất nước, suy tim, suy tuyến giáp… vì huyết áp thấp chỉ là hậu quả của bệnh nguyên nhân. Ví dụ trong trường hợp dùng quá liều các thuốc hạ huyết áp thì phải điều chỉnh lại thuốc và liều lượng, hay do các bệnh nội tiết thì phải điều trị các bệnh nội tiết. Nếu huyết áp thấp do mất nước và điện giải (trong các trường hợp tiêu chảy, nôn mửa…) thì phải bổ sung nước và điện giải kết hợp với dùng các thuốc nâng huyết áp.

Nếu nguyên nhân không rõ ràng hoặc không có phương pháp điều trị hiệu quả thì cần nâng huyết áp để giảm triệu chứng.

Ngoài ra, người huyết áp thấp có thể thực hiện các cách sau đây:

- Ăn nhiều muối hơn: Đối với người huyết áp thấp đây có thể xem là một giải pháp, tuy nhiên dùng nhiều muối có thể làm suy tim nên cần trao đổi với bác sĩ khi quyết định tăng lượng muối trong khẩu phần ăn.

- Uống nhiều nước: Uống đủ nước tốt cho sức khỏe của tất cả mọi người, điều này đặc biệt đúng đối với những người có huyết áp thấp.

- Mang tất y khoa: Tất y khoa thường được sử dụng để làm giảm đau và sưng tĩnh mạch, có thể làm giảm sự tích tụ của máu ở chân.

Trường hợp nặng cần dùng thuốc điều trị tuy nhiên bệnh nhân cần tuân thủ nghiêm túc chỉ định của bác sĩ và tái khám định kỳ. Tuyệt đối không tự mua thuốc điều trị.

Huyết áp thấp cực kỳ nguy hiểm nếu không xử lý kịp thờiHuyết áp thấp cực kỳ nguy hiểm nếu không xử lý kịp thời

SKĐS - Huyết áp thấp là một bệnh thường gặp, xuất hiện cả ở nam lẫn nữ giới, ở lứa tuổi dậy thì và người cao tuổi.

BS Lê Văn Tâm
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn