Ai dễ mắc huyết áp thấp?
Huyết áp thấp do nhiều nguyên nhân gây nên. Một số người luôn có huyết áp thấp hơn bình thường, kể cả khi nghỉ ngơi, nhưng nó không gây ra triệu chứng. Trong những trường hợp này, nguyên nhân của huyết áp thấp thường không rõ ràng.
Các trường hợp thường gây hạ huyết áp đột ngột là: Đứng lên một cách nhanh chóng khi đang ngồi hay nằm. Sau bữa ăn. Cảm xúc căng thẳng, sợ hãi, bất an hoặc đau đớn.
Một số tình trạng có thể gây hạ huyết áp là: Bệnh thần kinh; Mất máu nặng do chấn thương, tai nạn, chảy máu trong, hiến máu, tình trạng rong kinh; Mất nước (do sốt, nôn mửa hoặc tiêu chảy); Mang thai; Bệnh lý tim phổi…
Những người dễ bị giảm huyết áp có thể kể đến như:
- Những người có các vấn đề về tim: Một số bệnh nhân có bệnh tim dễ có huyết áp thấp, bao gồm nhịp tim chậm, các vấn đề van tim, đau tim và suy tim. Các điều kiện này có thể gây hạ huyết áp, vì nếu nhịp tim dưới 60 nhịp/phút sẽ không đủ lượng máu và ôxy lưu thông trong cơ thể. Đây là một lý do dẫn tới huyết áp thấp.
Những người mắc bệnh về nội tiết: Đó là những người có tuyến giáp kém hoặc tuyến giáp hoạt động quá mức, cả hai hiện tượng này đều có thể gây hạ huyết áp. Khi cơ thể bị thiếu hụt hàm lượng hormone của tuyến giáp sẽ dẫn tới nguy cơ mắc chứng huyết áp thấp, kèm theo các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, rụng tóc. Ngoài ra, một số người bị suy thượng thận (bệnh Addison), đường huyết thấp (hạ đường huyết) và trong một số trường hợp, người bị bệnh đái tháo đường cũng có thể gây ra huyết áp thấp.
Những người bị thiếu chất dinh dưỡng: Tình trạng thiếu các vitamin B12 và folate có thể gây ra thiếu máu, một tình trạng mà cơ thể không sản xuất đủ các tế bào máu đỏ, gây ra huyết áp thấp.
- Phụ nữ có thai: Đây là bệnh lý bình thường đối phụ nữ mang thai, nên bạn không cần quá lo lắng, chỉ số huyết áp sẽ trở lại bình thường sau khi sinh em bé.
-Người bị mất máu, thiếu sắt: Các tế bào hồng huyết cầu không được tái tạo kịp thời, lượng máu ít cũng dẫn đến tụt huyết áp.
-Người bị mất nước: Sốt, nôn mửa, tiêu chảy nặng hoặc tập luyện thể lực quá mức, làm việc ngoài trời nắng nóng nhiều mà không bổ sung nước đầy đủ.
-Người trong tình trạng bị nhiễm trùng nặng: Vi khuẩn ở khu vực bị nhiễm trùng sẽ đi vào máu gây nhiễm trùng máu và làm giảm huyết áp.
-Người sử dụng thuốc lợi tiểu, thuốc Viagra, thuốc chống trầm cảm, thuốc trị bệnh Parkinson… sẽ có tác dụng phụ gây huyết áp thấp.
Ngoài ra, người sử dụng nhiều rượu bia, làm việc trong môi trường áp lực căng thẳng… Người lớn tuổi cũng có nguy cơ mắc các triệu chứng huyết áp thấp cao hơn, chẳng hạn như ngã, ngất xỉu hoặc chóng mặt khi đứng dậy hoặc sau bữa ăn. Người lớn tuổi có nhiều khả năng bị huyết áp thấp do tác dụng phụ của thuốc dùng để kiểm soát huyết áp cao.
Huyết áp thấp đột ngột nên làm gì?
Huyết áp giảm đột ngột nếu không được xử lý kịp thời có thể dẫn đến nguy hiểm cho sức khỏe, nên để người bệnh từ từ nằm xuống mặt phẳng chắc chắn. Tư thế chân cần kê cao trên gối để giúp tăng cường tuần hoàn máu. Nơi nằm nghỉ cần yên tĩnh, thoáng đãng, tránh môi trường quá nóng hay quá lạnh.
Sau đó người bệnh cần được bổ sung nước bằng nước điện giải, nếu không thì có thể uống nhiều nước lọc hoặc một ly nước pha ít muối hay đường, nước chanh, trà gừng, cà phê hoặc đơn giản chỉ cần uống nhiều nước lọc là được. Những thức uống này sẽ giúp cải thiện triệu chứng của tình trạng giảm huyết áp.
Có thể dùng tay massage huyệt thái dương. Cần uống đủ nước để duy trì lượng dịch trong cơ thể và giúp cải thiện tuần hoàn. Ngoài ra, giữ đủ nước cho cơ thể cũng có nghĩa giúp cơ thể loại bỏ một triệu chứng của huyết áp thấp là mất nước.
Khi triệu chứng đã giảm cũng không nên đột ngột ngồi dậy, vì có thể tụt huyết áp sẽ trở lại, thay vào đó hãy từ từ thay đổi tư thế. Nếu áp dụng những biện pháp này mà tình hình không cải thiện thì cần đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.