Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy tim trái

05-08-2024 12:09 | Tra cứu bệnh

SKĐS - Bệnh suy tim trái cần được theo dõi, điều trị lâu dài. Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp cải thiện tình trạng.

1. Đông y có chữa khỏi bệnh suy tim trái?

Theo y học cổ truyền, suy tim trái thuộc phạm trù tâm quý, chính xung, khái suyễn, hư hao, thủy thũng... Nguyên nhân căn bản là tâm và huyết mạch bất túc, nguyên nhân ngoại tà, ăn uống không điều độ là yếu tố dẫn phát bệnh. Suy tim trái có các thể sau:

Thể khí huyết đều hư

  • Tim hồi hộp, khó thở, mệt mỏi, đầu váng, mắt hoa, hụt hơi, ngại nói, môi nhợt, sắc mặt tối, chất lưỡi nhợt bệu, rêu mỏng, mạch tế vô lực.

Thể tâm thận hư

  • Khó thở, hồi hộp, khó ngủ, miệng khát họng khô, hai gò má đỏ, tai ù, chất lưỡi đỏ.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy tim trái- Ảnh 1.

Theo bác sĩ, Đông y có thể được sử dụng kết hợp với Tây y để điều trị suy tim trái.

Thể tâm huyết ứ

  • Người mệt mỏi, vô lực, hồi hộp, nhịp loạn, suyễn thở, khó thở khi nằm, mặt tối, môi tím, đầu ngón tay xanh tím.

Các bài thuốc thường được sử dụng như:

  • Thiên vương bổ tâm đan.
  • Giao thái hoàn.
  • Sâm phụ long mẫu thang.
  • Hồi dương cấp cứu thang.
  • Bình bổ trấn tâm đan.

Các bài thuốc Đông y là một phương pháp điều trị hiệu quả cho bệnh nhân suy tim trái. Bệnh nhân cần sử dụng thuốc theo hướng dẫn của thầy thuốc.

Đông y có thể được sử dụng kết hợp với Tây y để điều trị suy tim trái. Việc kết hợp hai phương pháp điều trị này giúp tăng hiệu quả điều trị và giảm nguy cơ biến chứng.

2. Cách sơ cứu bệnh nhân suy tim trái

Suy tim trái là một cấp cứu nội khoa, cần đưa bệnh nhân vào viện để được bác sĩ chuyên khoa theo dõi. Trong trường hợp nặng, bệnh nhân có thể mất ý thức. Không cố gắng di chuyển bệnh nhân nếu họ bị đau ngực hoặc khó thở nặng, lúc này cần gọi cấp cứu ngay.

3. Cách chăm sóc bệnh nhân suy tim trái tại nhà

Chăm sóc bệnh nhân suy tim, góp phần nâng cao hiệu quả điều trị, kéo dài thời gian tiến triển của bệnh, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống của bệnh nhân.

Dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng giúp tăng cường thể trạng:

  • Chế độ ăn cung cấp đầy đủ vitamin và dinh dưỡng, tăng cường bổ sung ăn rau xanh, trái cây, các sản phẩm từ sữa, cá, thịt nạc, thịt gia cầm, trứng, sản phẩm từ đậu nành và dầu thực vật.
  • Đối với bệnh nhân suy tim trái có dùng thuốc chống đông nên hạn chế ăn các loại rau quả có lá màu xanh sẫm màu như cải bó xôi, đậu Hà Lan, đậu xanh, củ cải...
  • Khi chăm sóc bệnh nhân suy tim nên chế biến món ăn dưới dạng mềm, nhừ. Không nên cho bệnh nhân ăn các loại thức ăn lên men như cải bắp, đậu đỗ, dưa muối.
  • Hạn chế ăn muối, nhất là bệnh nhân suy tim nặng, thường giới hạn < 1.5g muối mỗi ngày.
  • Nên ăn tối sớm để đảm bảo bữa ăn phải xa giờ ngủ ban đêm, sau khi ăn cần phải nghỉ ngơi khoảng 30-40 phút.
  • Giảm uống rượu, bỏ thuốc lá.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy tim trái- Ảnh 2.

Việc giảm bia rượu, bỏ thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong điều trị bệnh suy tim trái.

Hoạt động thể chất

  • Tập thể dục đều đặn, tùy theo giai đoạn bệnh và tình trạng sức khỏe, bệnh nhân chọn các môn tập vừa sức như đi bộ, ngồi thiền, đạp xe.
  • Không tập những môn thể thao cần nhiều sức lực như chạy bộ, nâng tạ. Những hoạt động gây ra triệu chứng khó thở, chóng mặt, đau ngực, choáng váng, buồn nôn, vã mồ hôi lạnh,...
  • Tránh tập thể dục ngoài trời khi trời quá nóng, quá lạnh, ẩm ướt.
  • Nếu cảm thấy mệt mỏi ngay sau khi tập hoặc ngày hôm sau, thì bệnh nhân cần giảm bớt cường độ tập luyện.

Tuân thủ điều trị

  • Việc sử dụng thuốc điều trị suy tim không chỉ giúp cải thiện triệu chứng mà có thể giúp kéo dài đời sống và giảm tỷ lệ tử vong của bệnh nhân.
  • Hiểu được tầm quan trọng của việc tuân thủ theo các điều trị được khuyến cáo và duy trì động lực giúp bệnh nhân suy tim trái tuân thủ kế hoạch điều trị.
  • Khi bệnh nhân cảm thấy khỏe hơn nhiều, không còn triệu chứng, cũng không được tự ý ngưng thuốc hay thay đổi liều hoặc uống bất kỳ loại thuốc nào khác mà không hỏi ý kiến của bác sĩ điều trị.

Những lưu ý khác khi chăm sóc bệnh nhân suy tim trái

  • Khi bệnh nhân có nhiều hơn một trong những dấu hiệu khó thở, mệt mỏi, sưng phù ở chân hay mắt cá chân, chán ăn, buồn nôn, nhịp tim tăng cần đưa đến cơ sở y tế khám, điều trị.
  • Thực hiện tiêm phòng cúm và viêm phổi do phế cầu theo hướng dẫn của bác sĩ.
  • Đi du lịch cần lựa chọn các hoạt động giải trí tùy theo tình trạng sức khỏe.
  • Hỏi ý kiến với nhân viên y tế và đảm bảo an toàn khi sinh hoạt tình dục. Bệnh nhân ổn định có thể sinh hoạt tình dục bình thường.

4. Bệnh suy tim trái có chữa khỏi không?

Suy tim trái là bệnh lý mạn tính cần được theo dõi và điều trị lâu dài. Hiện nay, bệnh chưa thể chữa khỏi hoàn toàn.

Việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt. Phương pháp điều trị tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của bệnh.

5. Lưu ý với người đái tháo đường, phụ nữ có thai khi mắc bệnh suy tim trái

Người đái tháo đường bị suy tim trái

  • Đái tháo đường là một yếu tố quan trọng cần lưu ý trong đánh giá bệnh nhân suy tim trái.
  • Không chỉ gây xơ vữa động mạch làm hẹp/tắc mạch máu nuôi tim, đái tháo đường còn làm tăng sự xơ hóa cơ tim, phản ứng viêm và các biến đổi cấu trúc làm suy giảm chức năng của tim, dẫn tới suy tim.
  • Các nghiên cứu cho thấy, những bệnh nhân mắc tiểu đường khoảng 5 năm thông thường sẽ bắt đầu xuất hiện các biểu hiện về bệnh tim mạch đi kèm.
Câu hỏi thường gặp liên quan đến bệnh suy tim trái- Ảnh 3.

Theo bác sĩ tim mạch, bệnh suy tim trái hiện chưa thể chữa khỏi hoàn toàn tuy nhiên việc phát hiện và điều trị sớm có thể giúp cải thiện tình trạng bệnh tốt.

  • Sự kết hợp của tiểu đường và tim mạch làm cho tỉ lệ tử vong ở người bệnh tăng lên gấp 3 lần so với người bệnh tim mạch đơn thuần.
  • Nhiều nghiên cứu đã chứng minh bệnh nhân tiểu đường kiểm soát được glucose huyết là giảm được biến chứng tim mạch.
  • Cần kiểm soát đường huyết, tùy theo lứa tuổi và tình trạng bệnh lý kết hợp.
  • Cần kiểm soát tốt huyết áp, mỡ máu.
  • Cần thay đổi khẩu phần ăn, giảm cân, phòng tránh béo phì.
  • Có chế độ ăn uống lành mạnh, điều độ: giảm ăn muối, tinh bột, chất béo, đạm, tăng ăn rau xanh và các thực phẩm tươi sống.
  • Kiểm soát căng thẳng, ngủ đủ giấc: Hormone tiết ra khi căng thẳng làm tăng huyết áp và khó kiểm soát đường máu.
  • Cần hạn chế rượu bia, giảm và dừng hút thuốc.
  • Tăng cường vận động thể lực, tốt nhất nên tập thể. Cách thức tập thể dục phụ thuộc vào từng cá nhân cụ thể, cần tập cho ra mồ hôi.

Phụ nữ mang thai bị bệnh suy tim trái

  • Khi phụ nữ mang thai đòi hỏi tim phải làm việc nhiều hơn. Do đó, việc mang thai có thể khiến bệnh tim trở nên trầm trọng hơn hoặc xuất hiện các triệu chứng lần đầu tiên của bệnh tim.
  • Suy tim khi mang thai là một tình trạng nguy hiểm nhưng nếu được điều trị và chăm sóc y tế phù hợp, hầu hết phụ nữ mang thai bị suy tim có thể sinh con khỏe mạnh.
  • Điều quan trọng nhất là phụ nữ mang thai bị suy tim cần gặp bác sĩ ngay lập tức để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
  • Phụ nữ mang thai bị suy tim cần tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ một cách nghiêm ngặt.
  • Bên cạnh đó, phụ nữ mang thai bị suy tim cần kiểm soát cân nặng, có chế độ ăn hợp lý, tránh hoạt động thể lực, vận động nghỉ ngơi hợp lý.

6. Chi phí khám chữa bệnh suy tim trái

Chi phí điều trị suy tim trái cụ thể tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như:

  • Chi phí dùng thuốc: Chi phí cho các loại thuốc điều trị suy tim thông thường như thuốc lợi tiểu, thuốc ức chế men chuyển/angiotensin (ACE), thuốc chẹn beta và thuốc chẹn kênh canxi.
  • Chi phí can thiệp tim mạch: Chi phí cho các can thiệp tim mạch như đặt stent mạch vành,...
  • Chi phí cấy ghép tim: Chi phí cấy ghép tim tại Việt Nam hiện nay dao động từ 1 - 2 tỷ đồng.
  • Ngoài ra còn các chi phí khác như: Chi phí khám bệnh, xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, chi phí nhập viện. Chi phí chăm sóc sau xuất viện.
Suy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnhSuy tim trái: Nguyên nhân, triệu chứng, cách điều trị và phòng bệnh

SKĐS - Suy tim trái xảy ra khi khả năng bơm máu của tim bị suy yếu khiến các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ lượng oxy cần thiết. Nếu không kịp thời điều trị, suy tim trái có thể dẫn đến nhiều biến chứng hoặc tử vong.


ThS.BS Lê Thị Thanh Thủy
Trung tâm Tim mạch, Bệnh viện Trung ương Huế
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn