Hà Nội

Nguy cơ dịch tay chân miệng "chồng" dịch sốt xuất huyết ở TP.HCM

17-07-2023 21:16 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM, số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng và sốt xuất huyết đang tăng nhanh. Sở Y tế TP.HCM cũng dự báo, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng trên địa bàn tiếp tục gia tăng và có nguy cơ dịch "chồng" dịch.

Số ca bệnh tay chân miệng tăng nhanh

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho hay, tính từ ngày 3 đến 9/7/2023 (tuần 27), số ca mắc, nhập viện do tay chân miệng đang tăng nhanh tại TP.HCM.

Từ đầu năm đến tuần 27, TP.HCM ghi nhận các quận huyện có số mắc tay chân miệng trên 100.000 dân cao bao gồm quận Bình Tân, huyện Bình Chánh, quận Tân Phú, Quận 6, Quận 8.

Riêng trong tuần gần nhất đây (tuần 27), cả thành phố ghi nhận 1.614 ca, tăng gần 2,5 lần so với trung bình 4 tuần trước là 716 ca.

Được biết, số ca mắc bệnh tay chân miệng bắt đầu tăng liên tục từ ngày 8/5/2023, số ca bệnh nặng cũng gia tăng theo.

Theo BSCK1 Trần Ngọc Lưu - Khoa Nhiễm, Bệnh viện Nhi đồng 2, TP.HCM, tỉ lệ ca nhập viện đã tăng dần so với 1 tháng trước đây, trong đó có những ca có dấu hiệu trở nặng và các dấu hiệu về biến chứng thần kinh, phải nằm tại phòng Hồi sức để theo dõi sát.

Ngành y tế dự báo số ca mắc và số ca nặng bệnh tay chân miệng sẽ tiếp tục gia tăng trong những tuần sắp tới, có thể kéo dài nếu không quyết liệt có các biện pháp dự phòng bệnh.

"Hiện đang vào mùa nắng nóng thì những bệnh liên quan đến lây nhiễm qua đường hô hấp, tiêu hóa, trong đó, nhóm tay chân miệng có xu hướng gia tăng", bác sĩ Ngọc Lưu cho hay.

Nguy cơ dịch tay chân miệng "chồng" dịch sốt xuất huyết ở TP.HCM - Ảnh 1.

Bệnh nhân mắc bệnh tay chân miệng nặng điều trị tại khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Nhi đồng 1. Ảnh: BSCC.

Báo động dịch tay chân miệng "chồng" dịch sốt xuất huyết

Không chỉ bệnh tay chân miệng đang tăng nhanh, các bệnh viện nhi đồng cũng cho biết, hiện nay số trẻ mắc bệnh sốt xuất huyết đang có xu hướng tăng.

Theo HCDC, số liệu từ đầu năm đến tuần 27, TP.HCM ghi nhận các quận huyện có số mắc sốt xuất huyết trên 100.000 dân cao, bao gồm: Quận 1, huyện Bình Chánh, Quận 8, quận Bình Thạnh, quận Bình Tân.

Riêng trong tuần 27 cả thành phố ghi nhận 237 ca, tăng 32% so với trung bình 4 tuần trước là 180 ca.

BSCKII Nguyễn Hồng Tâm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM cho hay, hiện tại số ca mắc mới của tay chân miệng và sốt xuất huyết đều thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và chưa ghi nhận trường hợp tử vong do sốt xuất huyết. Tuy nhiên, đáng quan tâm đó là tỷ lệ ca bệnh nặng trên số ca mắc mới ở cả 2 dịch bệnh trên đều tăng. Ví dụ, nếu như năm trước 100 ca mắc thì chỉ có 10 ca bệnh nặng, còn năm nay, 100 ca mắc mới nhưng có khoảng 20 ca nặng.

Theo Sở Y tế TP.HCM, quy luật diễn tiến dịch bệnh hằng năm tại TP.HCM, mùa cao điểm của bệnh sốt xuất huyết đã bắt đầu tăng và sẽ tăng cao trong tháng 7, dự kiến kéo dài đến hết tháng 10 hằng năm.

Trong khi đó, qua giám sát, tỉ lệ phát hiện có lăng quăng tại các điểm nguy cơ gần 48% (49/103 điểm). Đây là con số đáng báo động. Tỉ lệ này sẽ cao hơn nữa khi TP.HCM mưa nhiều hơn và không có những biện pháp quyết liệt để kiểm soát các điểm nguy cơ sốt xuất huyết.

Nguy cơ dịch tay chân miệng "chồng" dịch sốt xuất huyết ở TP.HCM - Ảnh 2.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM. Ảnh tư liệu.

Trước thực tế này, BS. Trương Hữu Khanh - Phó Chủ tịch Liên chi hội Truyền nhiễm TP.HCM cho rằng, quan trọng nhất hiện nay là phải phòng ngừa cùng lúc 2 bệnh. Cụ thể, phòng tay chân miệng ở gia đình và cả ở trường học; còn phòng ngừa sốt xuất huyết là phải cùng nhau diệt muỗi, lăng quăng, dọn dẹp những khu vực đọng nước thì mới có hiệu quả.

Cũng theo BS. Trương Hữu Khanh, nguy cơ dịch tay chân miệng "chồng" dịch sốt xuất huyết rất khủng khiếp bởi nó tạo ra gánh nặng điều trị.

Trước dự báo tình hình dịch bệnh sẽ gia tăng, Sở Y tế TP.HCM đã chủ động triển khai hàng loạt biện pháp phòng chống dịch bệnh. Cụ thể, đã chỉ đạo các bệnh viện xây dựng kịch bản ứng phó và phân tầng điều trị bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng.

Theo đó, Sở Y tế đã xây dựng kịch bản ứng phó dịch tay chân miệng bao gồm 03 cấp độ, thực hiện phân tầng điều trị với tầng cuối là các bệnh viện chuyên khoa Nhi và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới.

Bên cạnh đó, Thành phố cũng thành lập tổ chuyên gia điều trị bệnh tay chân miệng nhằm tăng cường công tác hội chẩn các ca nặng cần chuyển tuyến hoặc ca khó với các đơn vị (trong Thành phố và các tỉnh/thành phố phía Nam) đảm bảo công tác chuyển viện an toàn. Phân công các Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Nhi đồng Thành phố và Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới tiếp tục hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật, chỉ đạo tuyến cho các bệnh viện thuộc tỉnh/thành phố phía Nam về công tác điều trị bệnh tay chân miệng để điều trị kịp thời và hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong.

Cũng theo Sở Y tế, để phòng bệnh sốt xuất huyết, mỗi người, mỗi nhà chủ động truy tìm và loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh. Người dân khi phát hiện các điểm nguy cơ, có thể phản ánh lên ứng dụng Y tế trực tuyến.

Để phòng bệnh tay chân miệng, người chăm sóc trẻ và trẻ em cần thường xuyên rửa tay, vệ sinh các vật dụng, đồ chơi của trẻ, bàn ghế, sàn nhà... Nếu phát hiện trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, phụ huynh hãy đưa trẻ đến khám tại các cơ sở y tế.

Tỷ lệ chuyển nặng của bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở TP. Hồ Chí Minh tăng mạnhTỷ lệ chuyển nặng của bệnh sốt xuất huyết và tay chân miệng ở TP. Hồ Chí Minh tăng mạnh

SKĐS - Theo BS Nguyễn Hồng Tâm, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM thì tỷ lệ chuyển nặng của cả sốt xuất huyết và tay chân miệng trên tổng số ca mắc đều tăng mạnh so với năm trước.


Vân Kim
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn