Bình Dương: Bệnh sốt xuất huyết giảm mạnh, tay chân miệng vẫn tăng

14-07-2023 13:26 | Tin nóng y tế

SKĐS - Trong khi bệnh sốt xuất huyết đang được kiểm soát tốt, giảm tới 84% so với năm trước thì bệnh tay chân miệng có xu hướng tăng, nhiều ca nặng phải chuyển lên tuyến trên.

Bệnh tay chân miệng tăng 12%

Đây là thông tin do BSCKII Huỳnh Minh Chín, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết. Tính tới tuần 27, tình hình bệnh sốt xuất huyết đã có xu hướng giảm, toàn tỉnh ghi nhận gần 1.300 ca, giảm 84% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 420 ca là trẻ dưới 15 tuổi, có 35 ca nặng, chưa ghi nhận ca tử vong.

Ngược lại, bệnh tay chân miệng vẫn tăng trong những tuần gần đây, có một số ca chuyển nặng. Tính đến tuần 27, Bình Dương ghi nhận 1.800 ca, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, có 75 ca nặng, chủ yếu là trẻ em dưới 15 tuổi, trong đó có 2 ca tử vong.

Để phòng chống bệnh truyền nhiễm, bác sĩ Huỳnh Minh Chín cho biết đã triển khai đồng loạt nhiều biện pháp như tổng vệ sinh môi trường, tăng cường truyền thông cho người dân có kiến thức trong phòng, chống bệnh cho trẻ em.

Sở cũng triển khai tập huấn, đào tạo các phác đồ điều trị bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết cho tuyến cơ sở để có thể xử lý tốt các ca bệnh. 

Bình Dương: Bệnh sốt xuất huyết giảm mạnh, nhưng tay chân miệng vẫn tăng  - Ảnh 1.

TS. Vương Ánh Dương - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) thăm khu điều trị bệnh nhi mắc tay chân miệng ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Cũng theo BSCKII Huỳnh Minh Chín, Sở thực hiện dự báo bệnh tay chân miệng để các cơ sở y tế có biện pháp xử lý kịp thời. Với tình hình hiện nay, bác sĩ cho biết bệnh tay chân miệng vẫn có xu hướng tăng khi học sinh đi học trở lại. Sở đã chỉ đạo các đơn vị y tế chủ động lên kế hoạch khám, điều trị và cách xử trí trong trường hợp số ca bệnh tăng trong thời gian tới.

BSCKII. Nguyễn Văn Tính - Phó Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết đây là bệnh viện đa khoa hạng 1, với cơ cấu bệnh viện 1.500 giường. Mỗi ngày bệnh viện nhân trung bình 1.400 lượt người đến khám bệnh ngoại trú, chăm sóc điều trị từ 1.200 – 1.400 người bệnh nội trú.

Về tình hình điều trị bệnh truyền nhiễm, BSCKII. Nguyễn Văn Tính thông tin, 6 tháng đầu năm bệnh viện đã tiếp nhận 276 ca tay chân miệng, trong đó có 151 ca điều trị nội trú, đã chuyển lên tuyến trên 4 ca, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Hiện đang có 4 ca bệnh ở độ 2B được theo dõi chặt chẽ.

Còn về bệnh sốt xuất huyết, trong tháng 7 tiếp nhận 70 ca, hiện có 9 ca đang điều trị, và chưa ghi nhận trường hợp tử vong.

Bình Dương: Bệnh sốt xuất huyết giảm mạnh, nhưng tay chân miệng vẫn tăng  - Ảnh 2.

Một bé mắc tay chân miệng độ 2B đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương.

Cố gắng tháo gỡ những khó khăn

Trong buổi làm việc với ngành Y tế Bình Dương chiều ngày 13/7, TS. Vương Ánh Dương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) đã đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh tay chân miệng và sốt xuất huyết tại tỉnh Bình Dương. 

TS. Vương Ánh Dương đã khảo sát tình hình điều trị bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương và một số trạm y tế xã, khu dân cư… ghi nhận tình hình phòng, chữa bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết.

Ghi nhận thực tế, TS. Vương Ánh Dương đánh giá, với bệnh sốt xuất huyết hiện tỉnh đang kiểm soát tốt khi số ca mắc giảm mạnh.

Riêng bệnh tay chân miệng, tiến sĩ đánh giá cao công tác truyền thông ngành y tế đã làm. "Khi thăm các ca bệnh, hỏi trực tiếp người nhà bệnh nhân thì nhiều bà mẹ đã nhanh chóng nhận biết được những dấu hiệu bất thường của con và đưa lên bệnh viện rất sớm. Điều này chứng tỏ họ đã có kiến thức về bệnh tay chân miệng, việc phản ứng nhanh với bệnh sẽ giúp các bé được điều trị sớm, không để chuyển nặng", TS. Vương Ánh Dương nói.

Đối với công tác chống dịch, TS. Vương Ánh Dương khuyến nghị ngành y tế địa phương cần chủ động hơn trong việc thống kê số ca bệnh để nắm được tình hình thực tế; quan tâm hơn đến hệ thống phòng khám tư nhân, vì tỷ lệ bệnh nhân đến phòng khám tư nhân rất cao. Những ca ở hệ thống phòng khám này cũng cần được theo dõi chặt chẽ, tránh để trẻ bị biến chứng nặng.

Ngoài ra, ông đề nghị Sở Y tế Bình Dương tiếp tục thực hiện tập huấn cho các cơ sở y tế về bệnh tay chân miệng, sốt xuất huyết để cơ sở tuyến dưới chủ động hơn trong việc phát hiện, điều trị bệnh. 


Nguyễn Loan
Ý kiến của bạn