Sốt xuất huyết dengue có biểu hiện cũng giống như các bệnh do virus thông thường nên dễ nhầm lẫn, bỏ sót những dấu hiệu cảnh báo bệnh chuyển nặng gây biến chứng nguy hiểm, thậm chí tử vong nếu không được phát hiện kịp thời. Vấn đề đặt ra khi nào cần xét nghiệm để chẩn đoán chính xác mắc bệnh sốt xuất huyết.
Khi nào cần xét nghiệm chẩn đoán sốt xuất huyết?
Sốt xuất huyết là một bệnh nhiễm virus gây ra triệu chứng đầu tiên là sốt, theo cảnh báo thời gian nguy hiểm nhất của bệnh là từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 7 của bệnh, do đó nếu sốt đến ngày thứ 2 nghi ngờ nên đi khám để được các bác sĩ chỉ định xét nghiệm.
Bệnh nhân cần làm xét nghiệm máu để tìm virus dengue trong máu. Có 3 chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết tương ứng với ba loại xét nghiệm huyết thanh để chẩn đoán căn nguyên:
- Xét nghiệm kháng nguyên Dengue NS1:
Xét nghiệm này được chỉ định thực hiện từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 5 của bệnh. Nếu bệnh nhân mắc bệnh đã hơn 3 ngày (từ cuối ngày thứ 3 trở đi), mặc dù thật sự bị sốt xuất huyết, nhưng kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết NS1 có thể âm tính. Nguyên nhân là vì xét nghiệm này dựa trên cơ chế xác định kháng nguyên của virus.
Giai đoạn bệnh từ ngày thứ 4, nồng độ kháng nguyên virus trong máu đã giảm xuống thấp nên đôi khi chỉ số xét nghiệm sẽ âm tính.
- Xét nghiệm kháng thể IgM:
IgM xuất hiện từ ngày thứ 4-5 sau sốt. Xét nghiệm IgM giúp xác định sự có mặt của kháng thể chống lại virus dengue trong giai đoạn cấp tính của bệnh. Tuy nhiên, tùy thuộc mức độ sinh kháng thể của từng bệnh nhân mà kết quả xét nghiệm này có dương tính hay không.
- Xét nghiệm kháng thể IgG:
Ở thể tiên phát (lần đầu bị nhiễm dengue) IgG xuất hiện vào ngày thứ 10-14 và có thể tồn tại nhiều năm sau đó. Ở thể thứ phát (đã từng bị dengue trước đó), IgG đã sẵn có trong máu và tăng lên trong 1-2 ngày. Như vậy:
+ Từ ngày thứ 3 đến ngày thứ 5: Dù người bệnh có thật sự bị sốt xuất huyết nhưng khi xét nghiệm nhiều khả năng kết quả lại âm tính;
+ Từ ngày đầu đến ngày 3: Nếu làm xét nghiệm IgM thì cũng sẽ ra âm tính. Còn nếu thực hiện xét nghiệm NS1 thì khả năng chẩn đoán chính xác lại tùy thuộc vào nồng độ virus trong cơ thể người bệnh có đủ ngưỡng phát hiện hay không. Trường hợp nồng độ kháng nguyên virus quá thấp thì kết quả xét nghiệm NS1 vẫn có thể ra âm tính;
+ Từ ngày thứ 4 trở đi: Bệnh nhân có thể phải làm xét nghiệm máu hàng ngày mới có đủ dữ kiện để bác sĩ khẳng định chẩn đoán.
Khi nghi ngờ nhiễm virus sốt xuất huyết dengue, nên thực hiện cả 3 xét nghiệm NS1, IgM, IgG cùng lúc nhằm chẩn đoán nhiễm dengue tiên phát hay thứ phát.
+ Nếu NS1 hoặc và IgM dương, IgG âm: nhiễm dengue tiên phát
+ Nếu NS1 hoặc và IgM dương, IgG dương: nhiễm dengue thứ phát
+ Nếu cả NS1, IgM, IgG âm: không phải sốt do dengue.
Cần lưu ý thời điểm thực hiện xét nghiệm để có thể đưa ra chẩn đoán chính xác. Và lưu ý, mỗi cá thể đáp ứng miễn dịch với virus là khác nhau nên xét nghiệm có thể cần lặp lại nhiều lần để khẳng định chẩn đoán.
Ngoài ra, có thể thực hiện xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu (xét nghiệm công thức máu toàn phần) để hỗ trợ chẩn đoán, theo dõi diễn biến và tiên lượng bệnh.
Theo đó, nếu thấy số lượng tiểu cầu giảm thấp, hematocrit tăng cao thì rất có thể đó là dấu hiệu bệnh đang diễn biến nặng, cần can thiệp càng sớm càng tốt.
Kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết có ý nghĩa gì?
Sau khi phân tích các chỉ số xét nghiệm sốt xuất huyết, bệnh nhân sẽ nhận được kết quả sau một vài giờ tùy thuộc vào loại xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân có bị sốt xuất huyết hay không:
- Dương tính: Kết quả này có nghĩa là bệnh nhân đã bị nhiễm virus sốt xuất huyết trong máu;
- Âm tính: Bệnh nhân chưa bị nhiễm virus hoặc thời điểm kiểm tra chưa thích hợp, hoặc tỷ lệ virus trong máu chưa đủ ngưỡng phát hiện (âm tính giả). Nếu bệnh nhân nghi ngờ đã tiếp xúc với virus sốt xuất huyết hoặc có các triệu chứng nhiễm trùng, nên trao đổi kỹ với bác sĩ về việc có cần phải kiểm tra lại hay không.
Trong trường hợp nhận được kết quả xét nghiệm sốt xuất huyết dương tính, bác sĩ sẽ tư vấn và chỉ định cho bệnh nhân thực hiện phương án điều trị hợp lý.
Hiện nay chưa có thuốc điều trị bệnh sốt xuất huyết, tuy nhiên bác sĩ sẽ cung cấp những thông tin cần thiết để hạn chế triệu chứng bệnh, bao gồm chế độ nghỉ ngơi và uống nhiều nước để khắc phục tình trạng mất nước.
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau không kê đơn (như paracetamol) để giải quyết triệu chứng đau và sốt. Trường hợp kết quả xét nghiệm dương tính với sốt xuất huyết kèm theo các triệu chứng rõ rệt, bệnh nhân có thể phải nhập viện để theo dõi và điều trị.
Tóm lại: Bệnh sốt xuất huyết dengue diễn tiến đa dạng, có thể từ nhẹ đến nặng. Đa số bệnh nhân có thể tự hồi phục, khỏe mạnh. Tuy nhiên, khi bệnh nhân diễn tiến đến sốt xuất huyết Dengue nặng, nếu không được theo dõi và điều trị kịp thời sẽ dẫn đến tử vong.
Để phòng ngừa bệnh sốt xuất huyết tránh để cho muỗi đốt cần: ngủ màn (dù là ban ngày hay đêm), sử dụng một số biện pháp đuổi muỗi như nhang muỗi, xịt muỗi, quần áo dài tay, thoa kem chống muỗi, phun thuốc diệt muỗi, dọn dẹp những nơi muỗi sinh sống, diệt lăng quăng, đậy nắp lu hồ, thùng chứa nước, dọn dẹp nơi có nước đọng, rửa lu hồ thường xuyên, nuôi cá bảy màu…
Sốt xuất huyết dengue có biểu hiện ra sao?
Bệnh sốt xuất huyết dengue thường diễn tiến qua 3 giai đoạn. Các triệu chứng trong mỗi giai đoạn có thể thay đổi:
Ở giai đoạn sốt, thường từ ngày 1 đến ngày 3, người bệnh có các biểu hiện sốt cao liên tục, đột ngột. Đau đầu, chán ăn, buồn nôn, da xung huyết. Ngoài ra, người bệnh có biểu hiện đau cơ, đau khớp, đau nhức hai hố mắt.
Ở giai đoạn nguy hiểm, thường từ ngày 3 đến ngày 7, người bệnh có các biểu hiện: Đau bụng nhiều, liên tục, chảy máu chân răng, chảy máu cam, đại tiện phân đen hoặc máu, tiểu máu, xuất huyết âm đạo bất thường. Đôi khi bệnh nhân có thể lơ mơ, rối loạn tri giác, nôn ói, khó thở.